1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hà Nội không cho 4 quận trung tâm cách ly F1 tại nhà: Chưa phù hợp!

Thảo Vy

(Dân trí) - Theo chuyên gia, việc cách ly F1 tại nhà ở các quận trung tâm nếu được thực hiện đúng theo quy định thì không hề làm tăng nguy cơ so với các khu vực ngoại thành.

Ngày 20/11, UBND TP Hà Nội đã ban hành hướng dẫn cách ly tại nhà với F1 trên địa bàn.

Đáng chú ý, theo hướng dẫn này, việc cách ly F1 tại nhà sẽ được thực hiện trên phạm vi toàn thành phố trừ 4 quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng.

Việc 4 quận nội đô chưa được thực hiện cách ly F1 tại nhà gây nhiều băn khoăn cho người dân và cả chuyên gia dịch tễ.

4 quận Hà Nội chưa cách ly F1 tại nhà: Chưa phù hợp, không khoa học

"Quy định này của Hà Nội là không phù hợp với hướng dẫn của Bộ Y tế, chưa khoa học", đó là nhận định của PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, trong cuộc trao đổi với Dân trí sáng 23/11.

Theo PGS Hùng, quy định của Bộ Y tế chỉ rõ những hộ chung cư, nhà dân có buồng cách ly riêng biệt, công trình phụ riêng biệt và cam kết tuân thủ các quy định về thực hành cách ly tại nhà là đã có thể tiến hành cách ly F1 tại nhà. Do đó, việc người dân tại 4 quận nội đô của Hà Nội vẫn chưa được phép áp dụng cách ly F1 tại nhà là điều khó hiểu.

Hà Nội không cho 4 quận trung tâm cách ly F1 tại nhà: Chưa phù hợp! - 1

Việc cách ly F1 tại nhà sẽ được thực hiện trên phạm vi toàn thành phố trừ 4 quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng (Ảnh minh họa).

Cũng theo ông, mặc dù Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng là 4 quận "đất chật, người đông" và tập trung nhiều cơ quan nhưng nếu việc cách ly F1 tại nhà được thực hiện đúng theo quy định thì không hề làm tăng nguy cơ so với các khu vực ngoại thành.

PGS Hùng cho hay: "Việc lây nhiễm chỉ có thể xảy ra với những trường hợp tiếp xúc gần dưới 2 mét và không có phương tiện phòng hộ. Nếu tuân thủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế thì việc lây nhiễm cho người trong gia đình cũng không thể xảy ra, chứ chưa nói đến khả năng lây nhiễm sang các hộ khác được".

Cũng theo ông, tại các khu vực nội đô "đất chật, người đông", đa phần người dân sống trong các khu chung cư thì lại càng dễ dàng kiểm soát hơn.

"Trên thực tế, việc kiểm soát chấp hành nguyên tắc thực hành cách ly với các trường hợp cách ly tại nhà ở các khu chung cư, lại càng dễ dàng hơn so với nhà đất. Lý do là bởi ở khu chung cư đã sẵn có hệ thống giám sát rất chặt chẽ, từ ban quản lý chung cư, hệ thống camera giám sát cho đến bảo vệ. Việc F1 hoặc gia đình F1 không tuân thủ các quy tắc phòng dịch có thể giám sát được ngay", PGS Hùng nhấn mạnh.

Ngược lại, khi cho phép F1 cách ly tại nhà, tại địa phương cần phải tăng cường hơn vai trò giám sát của các lực lượng chính trị, xã hội cơ sở như: tổ Covid-19 cộng đồng, tổ dân phố, thậm chí là hội phụ nữ, hội cựu chiến binh. Việc cách ly F1 tại nhà sẽ là cơ hội để những lực lượng cơ sở này phát huy vai trò của mình trong cuộc chiến chống dịch.

"Tại cơ quan, công sở cần tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Không thể vì lý do trên địa bàn áp dụng cách ly F1 tại nhà mà lo ngại tăng nguy cơ lây nhiễm", PGS Hùng nói.

Cũng theo PGS Hùng, việc cách ly F1 tại nhà đã được áp dụng và cho thấy hiệu quả tại các khu vực đông dân cư, mức độ đô thị hóa cao như TPHCM và nhiều nước trên thế giới.

Lo ngại nguy cơ lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung

PGS Hùng nhận định, việc cách ly tập trung sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và kinh tế của người dân. Tại các khu cách ly tập trung khó có thể đáp ứng đủ nhu cầu về điều kiện sinh hoạt cũng như ảnh hưởng đến tâm lý của F1, đặc biệt là với các trường hợp trẻ em, người già, người có bệnh lý nền.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại về nguy cơ lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung, đặc biệt trong bối cảnh số ca bệnh kéo theo các F1 phải cách ly tập trung tại Thủ đô không ngừng gia tăng.

Hà Nội không cho 4 quận trung tâm cách ly F1 tại nhà: Chưa phù hợp! - 2

Nhiều chuyên gia lo ngại nguy cơ lây nhiễm chéo khi cách ly tập trung (Ảnh minh họa).

Trên thực tế, trong nhiều ngày gần đây, số F0 ở khu cách ly luôn chiếm gần một nửa số ca mắc mới tại Hà Nội.

Trước đó, trao đổi với Dân trí, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nhận định, có nhiều giả thuyết cho việc tỷ lệ F1 chuyển thành F0 tại Hà Nội tăng gần gấp đôi so với trước. Một trong số đó là nguy cơ lây nhiễm chéo trong các khu cách ly tập trung.

PGS.TS Trần Đắc Phu nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam nhận định, với chiến lược là không thể "zero F0", chấp nhận có ca mắc cộng đồng và khi có nhiều F0 thì sẽ nhiều F1. Nếu cách ly tập trung nhiều sẽ dẫn đến quá tải, cơ sở vật chất không đủ dẫn đến hệ lụy là lây nhiễm chéo trong khu cách ly. Đồng thời, việc cách ly nhiều người cùng một phòng, dùng chung nhà vệ sinh thì khả năng lây nhiễm chéo cao.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm