1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Giáo dục Việt Nam 2006: Quyết liệt đổi mới

(Dân trí) - Năm 2006 khép lại với nhiều sự kiện lớn của ngành giáo dục. Đây là năm giáo dục Việt Nam thể hiện mạnh mẽ quyết tâm hội nhập khi là một trong những ngành dịch vụ chủ động thực hiện mở cửa rất sớm theo cam kết WTO; là năm giáo dục Việt Nam dũng cảm phá bung ra những ung nhọt về tiêu cực tồn tại trong ngành, về sự xuống cấp đạo đức nhà giáo…

Dưới đây là 10 sự kiện nổi bật của giáo dục Việt Nam, theo bình chọn của Dân trí.

1. Cam kết mở cửa thị trường dịch vụ giáo dục trong lộ trình gia nhập WTO

 

Giáo dục là 1 trong số 12 ngành dịch vụ mà ngay khi gia nhập WTO, Việt Nam đã chủ động cam kết thực hiện theo Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS). Một trong những cam kết của Việt Nam là việc cho phép bắt đầu từ ngày 1/1/2009, cho phép thành lập cơ sở đào tạo 100% vốn nước ngoài từ cấp 3 trở lên.

 

Bước đi mạnh mẽ này của Việt Nam nhằm thu hút thêm nhiều vốn đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo trong nước. Đồng thời, quyết định táo bạo này, được dự báo cũng sẽ đặt các cơ sở đào tạo trong nước trước sức cạnh tranh quyết liệt của thời kỳ hội nhập, nhất là trong bối cảnh, theo đánh giá của nhiều người, bộ máy quản lý và điều hành của giáo dục Việt Nam hiện nay chưa đủ sức tạo nên sức cạnh tranh cho giáo dục Việt Nam, trong khi thời gian 2 năm còn lại chưa phải là nhiều. 

Bước đi quyết liệt này chắc chắn sẽ tạo nên sức ép phải thay đổi sâu sắc tư duy quản lý giáo dục, góp phần tạo nên sức bật mới cho giáo dục Việt Nam.

2. Thầy giáo Đỗ Việt Khoa khơi nguồn cho cuộc chiến “Nói không…”

 

Giáo dục Việt Nam 2006: Quyết liệt đổi mới - 1

Giáo dục Việt Nam 2006: Quyết liệt đổi mới - 2

Thầy giáo Đỗ Việt Khoa (trái) và thầy giáo Lê Đình Hoàng - những người đã dũng cảm tố cáo tiêu cực.

Với hành động quay phim tố cáo gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp, thầy giáo Đỗ Việt Khoa, giáo viên trường THPT Vân Tảo, Thường Tín, Hà Tây đã thực sự trở thành một hiện tượng không chỉ đối với ngành giáo dục Hà Tây mà còn đối với toàn ngành giáo dục.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân, khi đó vừa mới nhận chức, đã rất quan tâm đến vụ việc này. Sau trường hợp của thầy giáo Đỗ Viết Khoa, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã phát động phong trào “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”.

Hưởng ứng sự kiện này, 4 đoạn phim quay lại những cảnh nhốn nháo và các hành vi tiêu cực trong kỳ thi tại trường THPT Nam Đàn 2, Nghệ An của thầy giáo Lê Đình Hoàng đã tiếp tục gây chấn động dư luận.

Hành động quyết liệt của những người làm việc trong ngành giáo dục đã có ảnh hưởng rất sâu rộng, mang lại những phản ứng tích cực và mạnh mẽ từ người dân cả nước, thúc đẩy xã hội hóa giáo dục, phá bung những ung nhọt tồn tại trong ngành giáo dục từ nhiều năm nay.

3. Tân Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân và những nỗ lực cho ngành giáo dục

Giáo dục Việt Nam 2006: Quyết liệt đổi mới - 3

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân - người được kỳ vọng sẽ thổi luồng sinh khí mới cho giáo dục nước nhà.

Ngay sau khi nhậm chức, tân Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã phát động cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Trong 3 tháng đầu tiên trên cương vị Bộ trưởng, ông Nhân lặn lội vào Nam ra Bắc đi thị sát tình hình giáo dục của hơn 20 tỉnh, thành.

Sau những chuyến đi đó, hy vọng của Bộ trưởng gửi gắm vào cuộc chiến này không chỉ là “Hai không…” mà còn là tăng lương giáo viên, giảm và tăng học phí thế nào, bộ máy quản lý giáo dục phải chấn chỉnh lại ra sao, làm sao giải được bài toán chất lượng giáo dục cao chỉ với chi phí thấp…

 

Để thực hiện những cải cách trên, nhiều Đề án, Dự thảo đã liên tục được Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân trình làng lấy ý kiến toàn dân như: Đề án Quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ, Đề án đổi mới chất lượng ĐH, Dự thảo quy chế vừa học vừa làm, Dự thảo Quy chế dạy thêm học thêm, Đề án cải cách hành chính, Đề án tăng lương giáo viên… Đây là những đề xuất nhằm giải quyết những vấn đề tồn tại trong ngành.

 

Còn quá sớm để nói về kết quả những nỗ lực của tân Bộ trưởng, nhưng sự nhiệt tình và quyết đoán của Bộ trưởng Nhân thực sự là một dấu hiệu tốt cho sự phát triển của ngành giáo dục.

 

4. Bỏ kỳ thi tốt nghiệp THCS

 

Mặc dù được dự báo là nếu bỏ thi tốt nghiệp THCS sẽ kéo theo một loạt rắc rối, nhưng Luật Giáo dục vẫn quyết thông qua việc bỏ thi này bắt đầu từ năm 2006 sau rất nhiều năm bàn cãi.

 

Chủ trương bỏ thi tốt nghiệp THCS được cả các trường lẫn phụ huynh đồng tình, học sinh cũng cảm thấy việc học thoải mái, nhẹ nhàng hơn. Việc bỏ kỳ thi này đã thực sự giảm đi áp lực học để phục vụ thi cử và đặc biệt mở ra cơ hội để học sinh được tiếp cận các bậc học cao hơn.

5. Hai vụ chìm đò và số phận bi thảm của 37 học sinh vùng sâu, vùng xa

Tháng 5 và tháng 10 vừa qua, hai vụ tai nạn lật đò bi thảm đã cướp đi sinh mạng của 18 học sinh ở Nông Sơn (Quảng Nam) và 19 học sinh ở Chôm Lôm (Con Cuông, Nghệ An). 

Hai vụ chìm đò này như một tiếng chuông cảnh báo cho toàn xã hội, trong khi tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, cũng đừng quên một bộ phận không nhỏ các em học sinh vùng sâu vùng xa vẫn đang phải đi học dưới những điều kiện hết sức nghèo nàn.

Sau hai vụ chìm đò thương tâm, cầu Nông Sơn đã được khởi công vào cuối tháng 9. Dự án xây dựng cầu Chôm Lôm cũng sẽ được khởi công trước Tết Nguyên đán năm 2006 và phấn đấu hoàn thành để đưa vào sử dụng trước mùa lũ năm 2007.

Nếu ở thành thị, các ngôi trường thường mọc san sát nhau thì ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, để đến được trường các em phải vượt qua hàng chục cây số, qua nhiều sông suối hiểm nguy. Để xóa bỏ sự bất bình đẳng trong cơ hội giáo dục, học tập cần sự chung tay của cả xã hội.

6. Những thay đổi của Bộ Giáo dục trong quy chế quản lý các trường ĐH

Nhiều vấn đề về quy chế quản lý các trường đại học tranh cãi, bàn bạc trong suốt thời gian dài, từ năm 2000 cho đến năm 2005, đã được hiện thực hóa. Trong năm 2006, đã có 19 trường dân lập đầu tiên chuyển sang thành đại học tư thục, và Bộ cũng mạnh dạn đề xuất từng bước tháo bỏ bao cấp trong giáo dục và trao quyền tự chủ cho các trường đại học.

Việc 19 trường dân lập đầu tiên chuyển sang thành trường tư thục là sự thể hiện rõ nhất tính thiết thực của quy chế đầu tiên về trường tư thục được ban hành trong năm 2005. Bên cạnh đó, ngành giáo dục cũng đưa ra hai kết luận là bãi bỏ hệ bán công và chuyển đổi tất cả các trường dân lập đủ điều kiện sang trường tư thục.

Sau rất nhiều tranh cãi và những bước đi dè dặt và thận trọng cần thiết, đến tháng 11/2006 quyền tự chủ trong phương án tuyển sinh và đào tạo mới được thí điểm trao cho ĐH FPT và ĐH Hoa Sen.

Sự đổi mới mạnh mẽ của Bộ Giáo dục trong quy chế quản lý các trường đại học là bước chuẩn bị cần thiết và hợp lý cho lộ trình chuẩn bị hội nhập của giáo dục Việt Nam trong tương lai không còn xa.

7. Kết quả gây sốc sau năm tháng “Nói không...”: Cứ 3 ngày bung ra 1 vụ tiêu cực

Sau 5 tháng phát động cuộc vận động “hai không”, cứ trung bình khoảng 3-4 ngày lại phát hiện ra một vụ tiêu cực. Các tiêu cực bị phát giác phổ biến là gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp THPT ở Hà Tây, Nghệ An, Tiền Giang; nâng khống điểm, nâng khống thành tích tỷ lệ tốt nghiệp THPT ở Bạc Liêu từ 70 lên 79%. Hay gian lận trong kỳ thi cao học ở ĐH Huế; vụ việc vi phạm nghiêm trọng quy chế thi trong kỳ thi công chức vào Bộ GD-ĐT…

Tình trạng gian lận trong quản lý thu chi, loạn thu trăm thứ phí diễn ra ở hầu hết các trường buộc Bộ GD-ĐT phải tiến hành thanh tra gắt gao và buộc nhiều trường trả lại các khoản phí đóng góp không hợp lý; Hàng loạt thầy cô giáo vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo…

Những tiêu cực này được phát hiện ở tất cả các ngành học, bậc học, từ mầm non đến ĐH và SĐH làm bung ra những ung nhọt được giấu kín bấy lâu trong ngành giáo dục. Con số các vụ tiêu cực bị phanh phui có thể khiến dư luận “sốc” nhưng lại giúp cho ngành giáo dục định hình được những tồn tại cần giải quyết để tìm ra giải pháp.  

8. Vụ gạ tình lấy điểm đặt ra vấn đề về đạo đức nhà giáo

 

Vụ việc một nữ sinh Trường Cao đẳng Phát thanh và Truyền hình Trung ương I tố cáo thầy giáo Đỗ Tư Đông gạ “đổi tình lấy điểm” thực sự làm dư luận bàng hoàng và chấn động về sự xuống cấp nghiêm trọng của đạo đức nhà giáo. Điều đáng nói hơn nữa là cách xử sự của tập thể ban giám hiệu nhà trường sau đó đã không thể hiện sự kiên quyết chống lại cái xấu và bảo vệ người tố cáo.

 

Sau sự việc này, một loạt vụ việc khác cũng được phanh phui như vụ “chạy trường” ở Trường THPT Lê Quý Đôn, TPHCM; dán băng vào miệng học sinh để cấm nói chuyện ở Trường Mầm non 1/6 phường Hồng Hà, TP Hạ Long, Quảng Ninh; vụ bắt học sinh lết quanh lớp 100 vòng ở Hải Phòng; vụ đánh bầm dập ngón tay học sinh ở Thừa Thiên, Huế; đánh học sinh đổ máu ở Lâm Đồng…

 

Những vụ việc trên thực sự đặt ra những vấn đề lớn về tình trạng xuống cấp trầm trọng đạo đức và phẩm chất của của một bộ phận những người hoạt động trong ngành giáo dục, nhưng có tác động không nhỏ tới niềm tin và sự kính trọng của người dân vẫn dành cho nghề giáo.

9. “Bài văn lạ” và hiệu ứng thay đổi cách ra đề văn

Giáo dục Việt Nam 2006: Quyết liệt đổi mới - 4

Giáo dục Việt Nam 2006: Quyết liệt đổi mới - 5

Nữ sinh Hà Minh Ngọc và bài văn 9 điểm cộng gây xôn xao cộng đồng mạng trong tháng 10 vừa qua.

 

“Bài văn lạ” của Hà Minh Ngọc, học sinh lớp 10 Văn khối chuyên THPT trường ĐH Sư phạm Hà Nội và bài văn xúc động của Nguyễn Thị Hậu, học sinh lớp 10A2 trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh, Nghệ An) là những “đốm sáng nhỏ thổi bùng lên sự học”, lan truyền hiệu ứng đổi mới cách dạy và học văn trong giáo dục phổ thông. Điều quan trọng nhất mà hiệu ứng này mang lại là sự nhìn nhận lại tư duy và cách tiếp cận với việc dạy và học môn học này.

 

Hiệu ứng này, trong thời gian ngắn cũng tạo ra cả những sự quá đà trong việc dạy và học môn văn. Nhiều thầy cô giáo dạy môn văn đang thử tài học sinh bằng những kiểu ra đề “vượt rào” và cố gắng càng lạ càng được xem là sáng tạo.

 

Trước hiện tượng này, một số nhà nghiên cứu cảnh báo giáo dục phổ thông không nên lơ là phần kiến thức chuẩn, cơ bản. Kéo gần môn văn về đời sống là ý tưởng hay nhưng không nên thực hiện bằng con đường đơn giản, làm thô vụng bộ môn vốn được coi là môn học của tâm hồn này.

 

Tuy nhiên, hy vọng khi đã có đủ thời gian để mọi sự phấn khích quá mức lắng xuống, thì cái còn lại chính là sự đổi mới trong cách nghĩ, cách nhìn của cả người dạy và người học.

10. Sự kiện các cơ sở của Trung tâm ngoại ngữ SITC đồng loạt đóng cửa

Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, 15 ngày cuối tháng 1 đến đầu tháng 2, trung tâm đào tạo quản lý cao cấp SITC với hàng chục chi nhánh tại TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Khánh Hoà, Bà Rịa - Vũng Tàu, Nha Trang, Hà Nội, Hải Phòng đồng loạt đóng cửa. Ban quản lý của Trung tâm biến mất cùng hàng tỷ đồng học phí của học viên.

Các cuộc điều tra và tìm hiểu sao đó cho thấy, giám đốc trung tâm đào tạo này là Michael Yu, quốc tịch Singapore là một kẻ lừa đảo.

Việc SITC biến mất đã để lại những hậu quả nghiêm trọng. Quyền lợi của những người đi học không được bảo vệ, thiệt hại về tài chính của người đi học và lòng tin suy giảm trầm trọng của người dân vào các cơ sở đào tạo.

Sau vụ việc ĐH Quốc tế Châu Á năm 2000, vụ việc SITC cho thấy vẫn chưa có một cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc liên kết đào tạo với nước ngoài, đảm bảo quyền lợi của các học viên.

 

Báo điện tử Dân trí