1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2006

(Dân trí) - Năm 2006 được đánh giá là năm khởi đầu cho thời kỳ cất cánh của kinh tế Việt Nam. Dưới đây là 10 sự kiện nổi bật về kinh tế Việt Nam với những thành công trong nước cũng như trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế do Dân trí bình chọn.

1. Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của WTO

Vào hồi 19 giờ ngày 7/11 (giờ Hà Nội), tại Geneva, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã chính thức thông qua việc Việt Nam gia nhập và trở thành thành viên thứ 150 của tổ chức này, sau 11 năm với các cuộc đàm phán cả song phương lẫn đa phương với tất cả các thành viên của tổ chức này.

 

10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2006 - 1
 

Bộ trưởng Trương Đình Tuyển ký các văn bản

thỏa thuận của Việt Nam vào WTO tại Geneva.

Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, ngày 21/12, Tổng thống Bush cũng chính thức ký phê chuẩn việc trao quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) cho Việt Nam.

Việc Việt Nam gia nhập WTO sẽ tạo ra những cơ hội mới thúc đẩy sự tăng trưởng của các ngành xuất khẩu và đầu tư nước ngoài. Sự kiện này cũng đặt Việt Nam trước sự cạnh tranh quyết liệt toàn cầu. Đây cũng là áp lực bắt Việt Nam nhanh chóng cải cách một số ngành công nghiệp để tận dụng triệt để những lợi ích của việc gia nhập WTO.

2. Việt Nam tổ chức thành công APEC

10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2006 - 2
  

APEC CEO Summit 2006, cơ hội cho

 các doanh nghiệp Việt Nam gặp gỡ

 các đối tác lớn trên thế giới. 

Với chủ đề "Hướng tới một cộng đồng năng động vì phát triển bền vững và thịnh vượng", Hội nghị lãnh đạo các nền kinh tế APEC đã diễn ra tốt đẹp tại Hà Nội, từ ngày 16-19/11.

Tuần lễ cấp cao APEC và Hội nghị APEC CEO Summit 2006 được đánh giá là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và tìm hiểu đối tác, với gần 1.000 nhà kinh doanh và đầu tư trên thế giới tới Việt Nam.

Theo đó hàng loạt hợp đồng hợp tác kinh doanh trong các lĩnh vực trọng yếu được ký kết với giá trị gần 2 tỉ USD. Đây cũng là dịp quảng bá tên tuổi và hình ảnh của Việt Nam ra với thế giới, tạo sự thuận lợi rất lớn cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

3. Thu hút FDI vào Việt Nam vượt mốc 10 tỉ USD

 

10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2006 - 3
 

Việt Nam đang trở thành điểm đến

hứa hẹn của nhiều nhà đầu tư. 

Vượt xa kế hoạch và cả con số dự báo, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam năm 2006 đã đạt con số kỷ lục 10,2 tỷ USD, tính đến ngày 18/12.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), vốn của các dự án cấp mới đã đạt hơn 7,6 tỉ USD, còn lại là vốn của các dự án đang hoạt động xin tăng vốn. Trước đó mức dự báo thu hút FDI của năm 2006 là 6,5 tỉ USD.

Đây là mức thu hút FDI cao nhất kể từ khi có Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1997 đến nay, cho thấy Việt Nam thực sự đang trở thành điểm đến hứa hẹn của nhiều nhà đầu tư lớn và là nguồn lực cần thiết cho giai đoạn cất cánh.

4. Xuất khẩu đạt kỉ lục trên 39,6 tỉ USD

 

10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2006 - 4
 

Xuất khẩu của Việt Nam đóng vai trò 

quan trọng trong kinh tế.

Kim ngạch xuất khẩu cả nước năm 2006 đã đạt 39,6 tỷ USD, vượt 4,9% so với kế hoạch và tăng 22,1% so với năm 2005. Đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu chung, các doanh nghiệp khối đầu tư nước ngoài chiếm 29,921 tỷ USD, doanh nghiệp 100% vốn trong nước đóng góp 15,184 tỷ.

Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tiếp tục dẫn đầu về đóng góp xuất khẩu, với số vốn FDI đã đạt tới 142,9% so với dự kiến ban đầu. Tính đến cuối năm 2006, đã có 9 nhóm hàng tham gia "câu lạc bộ" kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ.

Việt Nam thực sự đang có những bước khởi đầu tốt đẹp trong giai đoạn được coi là “cất cánh” này.

5. Cam kết ODA đạt kỉ lục

 

10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2006 - 5
 

Tại Hội nghị tư vấn các nhà tài trợ cho

Việt Nam, cam kết ODA đã đạt mức

kỷ lục.

Trong khuôn khổ Hội nghị tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) lần 14, các bên tham gia đã cam kết sẽ tài trợ hơn 4,45 tỷ USD cho Việt Nam trong năm 2007, vượt xa mức 3,7 tỷ USD của năm 2006.

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết, trong 5 năm tới, Việt Nam cần khoảng 140 tỷ USD để đầu tư phát triển, trong đó vốn ODA tiếp tục có vai trò quan trọng và số lượng giải ngân đưa vào đầu tư phải đạt khoảng 11 tỉ USD.

Sau những vụ tham nhũng lớn như PMU18, thì con số cam kết về vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho năm 2007 còn là thể hiện niềm tin của các nhà tài trợ, các nhà đầu tư dành vào tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam, vào cam kết và quyết tâm của chính phủ trong việc minh bạch hóa và tăng hiệu quả quản lý vốn, vào những kết quả đáng kể đạt được trong quản lý thực hiện ODA những năm qua đã thực sự góp phần quan trọng thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo.

6. Thị trường chứng khoán Việt Nam khởi sắc

 

10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2006 - 6
 
 

Thị trường chứng khoán Việt Nam

tăng trưởng mạnh năm 2006.

Sau hơn 6 năm đi vào hoạt động (từ 7/2000) thị trường chứng khoán tập trung của Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ trong năm 2006 kể cả về quy mô và chất lượng. Đến nay đã có 68 cổ phiếu trị giá niêm yết gần 11,5 nghìn tỷ đồng trong đó có cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp lớn như FPT, VNM…

Điều này cho thấy sự hội nhập mạnh mẽ của Việt Nam trong lĩnh vực tài chính. Thị trường chứng khoán trở thành một kênh quan trọng để các doanh nghiệp trong nước kêu gọi đầu tư, và tận dụng các khoản tiền nhàn rỗi trong dân.

7. Điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu giảm 3 lần

 

10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2006 - 7
 

Trong năm 2006, giá bán lẻ xăng
trong nước đã 3 lần giảm.

Năm 2006, Bộ Tài chính và Bộ Thương mại đã nhiều lần điều chỉnh linh hoạt thuế nhập khẩu xăng dầu và giá bán lẻ xăng dầu.

Đáng chú ý là trong năm 2006 giá bán lẻ xăng trong nước đã 3 lần giảm (vào 9/8, 12/9 và 6/10). Giá bán lẻ xăng A92 cao nhất là 12.000 đồng/lít, thấp nhất là 9.500 đồng/lít.

Đây là những bước đi thích hợp đưa giá xăng dầu trong nước thích ứng dần với cơ chế thị trường. Theo Bộ Thương mại, trong năm 2007, giá bán lẻ xăng sẽ tiếp tục được điều chỉnh theo giá thế giới, Nhà nước không bù lỗ giá xăng, đồng thời từng bước giảm dần bù lỗ kinh doanh các loại dầu.

8. Hoàn thành nhiệm vụ kiềm chế CPI

 

10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2006 - 8
 

CPI đã được kiềm chế.

Tổng Cục thống kê sáng 22/12, cho biết: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 tăng 0,5% so với tháng trước, đưa CPI của cả nước năm nay lên 6,6%. Có thể coi đây là một thành công vì CPI năm nay đã thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng kinh tế (dự kiến 8,1-8,2%) - mục tiêu đã được Quốc hội đề ra từ đầu năm.

Như vậy, mục tiêu kiềm chế mức tăng CPI của Ngân hàng Nhà nước năm 2006 đã hoàn thành. Mức 6,6% cũng là mức khả quan nhất trong vòng 3 năm qua (năm 2005 là 8,4%; năm 2004 là 9,5%).

9. Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh PCI tiếp tục gây bất ngờ

 

10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2006 - 9
 

PCI 2006 tiếp tục gây bất ngờ. 

Mặc dù đã là lần công bố thứ hai, nhưng chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tiếp tục gây bất ngờ khi một loạt các tỉnh vốn không có nhiều điều kiện thuận lợi nhảy lên thứ hạng cao như Bình Định từ thứ 12 năm ngoái lên thứ 3 năm nay, hay An Giang từ thứ 34 lên thứ 9. Bên cạnh đó có những địa phương với điều kiện thuận lợi như Hà Nội lại rớt hạng từ 14 xuống 20 hay Hải Phòng từ 19 xuống 42.

Về thực chất, chỉ số PCI là chỉ số đánh giá năng lực điều hành của chính quyền địa phương với khu vực kinh tế tư nhân. Đây được coi là lực lượng chính để phát triển kinh tế Việt Nam trong tương lai, nhưng cũng lại là khu vực dễ bị tổn thương nhất dưới tác động của những chính sách từ phía chính quyền.

Đây là cơ sở để các chính quyền địa phương đánh giá năng lực của chính mình, và cũng làm quen hơn nữa với phương pháp tiếp cận khoa học định lượng.

 

Một trong những đặc điểm của PCI là giúp các tỉnh, thành dễ dàng nhận diện những yếu kém trong công tác điều hành kinh tế của địa phương thông qua từng chỉ số thành phần, đặc biệt là đối với những chỉ số có trọng số cao, để từ đó tìm ra giải pháp khắc phục.

10. Tù binh thương trường” đầu tiên của Việt Nam

 

10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2006 - 10
 

Ông Bửu Huy về Việt Nam sau

133 ngày bị giữ tại Bỉ.

Khi đang cùng các doanh nghiệp Việt Nam tham gia Hội chợ Thủy sản tại Brussels (Bỉ), ông Bửu Huy - Phó Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang (Afiex) đã bất ngờ bị cảnh sát Bỉ bắt giữ ngày 10/5, theo yêu cầu của Phòng Chưởng lý Bắc Florida (Hoa Kỳ).

Đến ngày 20/9, Bộ trưởng Tư pháp Bỉ đã ký quyết định từ chối yêu cầu dẫn độ ông Bửu Huy sang Mỹ đồng thời ra lệnh trả tự do cho ông.

Đây là sự kiện pháp lý gây chấn động giới doanh nhân, nếu không xử lý kịp thời sẽ có nguy cơ tạo ra một tiền lệ xấu trong việc hình sự hóa các tranh chấp thương mại khi các doanh nhân Việt Nam có các hoạt động kinh doanh tại nước ngoài.

Trở về nước sau 133 ngày bị tạm giam oan tại nhà tù Forest ở Thủ đô Brussels (Bỉ), ông Bửu Huy đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để khởi kiện lại phía bang Florida.

Báo điện tử Dân trí

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm