1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Việt Nam 2006 nhìn lại:

Một năm chủ động chuyển mình và chủ động hội nhập

(Dân trí) - Năm 2006 qua đi với nhiều sự kiện lớn của dân tộc. Có lẽ mỗi người dân đều cảm thấy dải đất hình chữ S qua năm 2006 đã rõ nét hơn trên bản đồ thế giới. Đây là lúc thích hợp để nhìn lại một năm đầy sôi động và điểm lại các sự kiện để thấy những gì đã làm được và chưa làm được.

Nhìn vào sự vận động của đất nước năm 2006, có thể thấy năm 2006 là năm của phát triển kinh tế, chuyển mình và chủ động hội nhập. Cũng vì vậy mà không ngạc nhiên nếu chúng ta thấy những vấn đề liên quan đến kinh tế chiếm vị trí lớn trong những sự kiện nổi bật của Việt Nam năm qua.

 

Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)

 

 

Một năm chủ động chuyển mình và chủ động hội nhập - 1
 

Việt Nam đã trở thành thành viên thứ 150 của

Tổ chức Thương mại Thế giới.

 

Ngày 7/11, Tổ chức Thương mại thế giới đã thông qua việc Việt Nam gia nhập và trở thành thành viên của tổ chức này sau 11 năm đàm phán song phương và đa phương. Ngày 28/11/2006, Quốc hội đã phê chuẩn Nghị định thư về việc Việt Nam gia nhập WTO. Như vậy, Việt Nam chính thức trở thành thành viên đầy đủ thứ 150 của WTO kể từ ngày 11/1/2007.

 

Việc Mỹ thông qua Qui chế thương mại bình thường vĩnh viễn đối với Việt Nam ngày 9/12 và Tổng thống Mỹ kí phê chuẩn ban hành Qui chế này ngày 20/12 sau đó là một bước tiến nữa, tiếp theo việc Việt Nam vào WTO, đánh dấu việc bình thường hóa hoàn toàn quan hệ song phương giữa hai nước. Sẽ không có sự phân biết đối xử giữa Việt Nam và các bạn hàng khác của Mỹ và hai nước sẽ cùng thực hiện cam kết của mình trong khuôn khổ WTO.

 

Điều này khẳng định sự công nhận của cộng đồng quốc tế về những thành tựu kinh tế và những nỗ lực hội nhập với kinh tế thế giới của Việt Nam. Đây là dấu mốc cho một thời kỳ mới với kinh tế Việt Nam, nhiều cơ hội hơn và cũng nhiều thách thức hơn.

 

Đại hội Đảng lần thứ X và quốc hội thông qua nhân sự cấp cao

 

 

Một năm chủ động chuyển mình và chủ động hội nhập - 2
 

Đại hội Đảng toàn quốc luôn là sự kiện

 được nhân dân quan tâm, dõi theo.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X Đảng cộng sản Việt Nam (diễn ra tại Hà Nội từ ngày 18/4/2006 đến ngày 25/4/2006) là sự kiện lớn của đất nước.

 

Bên cạnh việc thảo luận và thông qua các văn kiện quan trọng, tổng kết sâu sắc thực tiễn và lý luận của 20 năm đổi mới, Đại hội cũng đề xuất và sau đó Quốc hội đã thông qua đội ngũ nhân sự cao cấp cho bộ máy lãnh đạo trong thời kỳ mới, gánh vác những trọng trách của đất nước.

 

Đội  ngũ nhân sự mới được đánh giá là trẻ trung, năng động, mạnh mẽ, kế tục xứng đáng và phát huy những kết quả đã đạt được của bộ máy lãnh đạo nhiệm kỳ trước, tiếp tục mạnh tay và thể hiện quyết tâm đưa các vụ tham nhũng ra ánh sáng, đưa đất nước tiếp tục vững bước trên con đường hội nhập với những thành công về các mặt kinh tế, ngoại giao.

 

Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị cấp cao Diễn đàn kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 14

 

Một năm chủ động chuyển mình và chủ động hội nhập - 3
  

APEC là sự kiện lớn mang tên tuổi

Việt Nam đến với Thế giới.

Đây là sự kiện quốc tế quan trọng và qui mô lớn nhất do Việt Nam đứng ra tổ chức từ trước đến nay. Thông qua hội nghị, các nhà lãnh đạo của 21 nền kinh tế thành viên đã đến Việt Nam và có những cuộc hội đàm song phương, bàn thảo những vấn đề quan trọng với các nhà lãnh đạo chủ nhà.

 

Tuần lễ APEC đã tạo dấu ấn trong bạn bè quốc tế về một Việt Nam năng động, cởi mở, thân thiện. Trở về từ APEC 2006, Tổng thống Hoà Kỳ, G. Bush ca ngợi: “Có những thay đổi tuyệt diệu đang xảy ra ở đất nước Việt Nam khi nền kinh tế của họ mở cửa”.

 

Hội nghị APEC đã cho thấy một Việt Nam có vai trò ngày càng quan trọng hơn với cộng đồng quốc tế.

 

Các chỉ số kinh tế vĩ mô tăng vượt bậc

 

 

Một năm chủ động chuyển mình và chủ động hội nhập - 4
 

Cam kết ODA, đầu tư FDI, kim ngạch

 xuất khẩu đều tăng vượt bậc, là nguồn

tiềm lực kinh tế quan trọng.

Các chỉ số kinh tế vĩ mô năm 2006 đều tăng vượt bậc, cao hơn kế hoạch cũng như dự báo.

 

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 39,605 tỷ USD, tăng 22,1% so với năm 2005. Trong đó khu vực đầu tư nước ngoài tiếp tục dẫn đầu cả về tỷ lệ đóng góp và tăng trưởng tương ứng với 22,865 tỷ USD và tăng 23,2%. 

 

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam năm 2006 đã đạt con số 10,2 tỷ USD, tính đến ngày 18/12. Đây là mức thu hút vốn FDI cao nhất kể từ khi có Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1997 đến nay. Trong năm 2006, đã xuất hiện hàng loạt các dự án đầu tư có quy mô lớn do các tập đoàn xuyên quốc gia đầu tư như Công ty thép Posco với quy mô vốn là 1,126 tỷ USD hay tập đoàn Intel đầu tư vào Việt Nam trên 1 tỷ USD.

 

Năm 2006 các tổ chức quốc tế và các nước cam kết tài trợ vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) 4,45 tỷ USD, chứng tỏ sự tin tưởng của các nhà tài trợ vào tiềm năng phát triển của Việt Nam trong thời kỳ “cất cánh” này.

 

2006, năm của thiên tai tàn phá

 

Một năm chủ động chuyển mình và chủ động hội nhập - 5

Năm 2006 là năm Việt Nam phải hứng chịu và chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai. Hơn 10 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta, trong đó có những cơn bão với cường độ cực lớn như Xangsane, Durian…

 

Bão Chanchu tuy không đổ bộ trực tiếp vào đất liền nhưng cướp đi sinh mạng của gần 200 ngư dân, đặt ra bài học đắt giá về công tác quản lý và cứu trợ.

 

Mặc dù đã chủ động phòng chống từ trước, với sự chỉ đạo trực tiếp của Phó thủ tướng thường trực, nhưng cơn bão Xangsane quét qua miền Trung với sức tàn phá khủng khiếp, cũng đã cướp đi nhiều sinh mạng và gây nhiều thiệt hại về vật chất.

 

Sự bùng phát của dịch rầy nâu cuối năm gây bệnh trên hàng trăm ngàn ha lúa tại vùng ĐBSCL ước tính cũng làm giảm sản lượng 700.000 tấn thóc trong năm 2006.

 

Với vị trí địa lý của mình, Việt Nam là nơi phải hứng chịu rất nhiều thiên tai. Đây cũng là nhân tố gây thiệt hại và làm chậm lại quá trình phát triển kinh tế không ít. Việt Nam do vậy, cần sẵn sàng chủ động đối phó với thiên tai, để giảm bớt thiệt hại về người và kinh tế.

 

Châu Á đề cử Việt Nam vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

 

 

Một năm chủ động chuyển mình và chủ động hội nhập - 6
 

Việt Nam là ứng cử viên duy nhất

của châu Á vào ghế ủy viên không

 thường trực  Hội đồng Bảo an LHQ.

Ngày 27/10, nhóm các nước châu Á tại Liên hợp quốc đã nhất trí thông qua quyết định đề cử Việt Nam là ứng cử viên duy nhất của châu Á vào ghế Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) nhiệm kỳ 2 năm 2008-2009. HĐBA gồm 15 thành viên, trong đó có 5 ủy viên thường trực có quyền phủ quyết và 10 thành viên không thường trực nhiệm kỳ hai năm, được phân bố theo khu vực.

 

Sự kiện này thêm một lần nữa khẳng định vị trí mới và trọng lượng tiếng nói của Việt Nam trên trường quốc tế.

 

PMU 18 và hàng loạt vụ tham nhũng lớn bị phanh phui

 

 

Một năm chủ động chuyển mình và chủ động hội nhập - 7
 

PMU 18 và những vụ tham nhũng nghiêm

 trọng đang gây ảnh hưởng không nhỏ 

đến những nỗ lực của Chính phủ. 

Trong năm 2006, các cơ quan bảo vệ pháp luật đã phanh phui nhiều vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng như vụ tiêu cực tại PMU 18, vụ Nguyễn Đức Chi lừa đảo dự án tại Khánh Hòa, vụ Nguyễn Lâm Thái lừa đảo liên quan hàng chục bưu điện, vụ tham nhũng đất đai Đồ Sơn... Trong các vụ án nghiêm trọng này, vụ tiêu cực tại PMU 18 là điển hình nhất với việc bắt giữ “con bạc triệu đô” Bùi Tiến Dũng và Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Việt Tiến.

 

Những vụ tham nhũng nói trên làm thiệt hại về kinh tế không nhỏ, kìm hãm sự phát triển của đất nước. Nguy hại hơn, tham nhũng làm suy giảm nghiêm trọng lòng tin của dân vào bộ máy công quyền, của các nhà đầu tư nước ngoài, cộng đồng quốc tế vào khả năng vận hành hiệu quả của nền kinh tế Việt Nam.

 

Chính vì vậy, năm 2006, Chính phủ đã tỏ rõ quyết tâm khi đã rất mạnh tay với các vụ tham nhũng và đưa hàng loạt vụ tham nhũng nghiêm trọng ra ánh sáng. Hiệu quả sự quyết tâm của Chính phủ có thể thấy ngay lập tức trong niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài, thể hiện ở mức cam kết vốn ODA đạt kỷ lục trong năm 2006.

 

Thị trường chứng khoán bùng nổ

 

 

Một năm chủ động chuyển mình và chủ động hội nhập - 8
 

Thị trường chứng khoán Việt Nam

có sự xã hội hóa mạnh mẽ.

Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2006 đã thực sự khởi sắc và là một kênh thu hút tài chính đáng kể với mức vốn hóa thị trường tăng từ chỉ 1% GDP cuối năm 2005 đến 15%GDP, đạt xấp xỉ 150 nghìn tỉ đồng.

 

Thị trường chứng khoán đã chứng tỏ là một kênh thu hút vốn đầu tư hiệu quả, không chỉ từ các nhà đầu tư nước ngoài mà còn từ lượng tiền nhàn rỗi, chưa được quay vòng trong dân. Số các doanh nghiệp lên sàn đã vượt qua 100. Đây là kênh thu hút vốn hiệu quả cho doanh nghiệp và giảm tải cho các ngân hàng.

 

Chính quá trình xã hội hóa diễn ra mạnh mẽ mới là một sự đảm bảo chắc chắn cho một tương lai đầy hứa hẹn của thị trường chứng khoán Việt Nam.

 

Tai nạn giao thông tăng cao hơn tăng trưởng kinh tế 

 

Một năm chủ động chuyển mình và chủ động hội nhập - 9
 

Hạ tầng cơ sở giao thông phát triển chưa tương xứng với

nhịp độ tăng trưởng. 

 

Theo thống kê chưa đầy đủ của các ngành chức năng, cả nước đã xảy ra trên 12.000 vụ TNGT, làm chết gần 11.000 người và 10.000 người bị thương. Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đánh giá: “Bình quân, cứ mỗi tháng cả nước có hơn 1.000 người chết, bằng số người chết trong 10 cơn bão”.

 

Các vụ tai nạn thảm khốc nhất trong năm: vụ chìm đò ở Chôm Lôm (Nghệ An), đắm tàu ở Tu Vũ (Thanh Thuỷ, Phú Thọ) vụ tai nạn đường bộ xảy ra với đoàn cán bộ cứu trợ lũ lụt miền Trung tại xã Suối Hiệp (Diên Khánh, Khánh Hoà)...

 

Hội nghị An toàn giao thông năm 2006 đã đưa ra tổng kết, tình hình TNGT rất nghiêm trọng, năm sau tăng cao hơn năm trước, tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Mức thiệt hại do TNGT tại Việt Nam đã được công bố là 885 triệu USD, chiếm hơn 5,5% tổng thu ngân sách cả nước mối năm.

 

Điều này cho thấy, bên cạnh ý thức của người dân chưa cao, thì hạ tầng hệ thống giao thông phát triển chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế đang đặt ra những nhiệm vụ nặng nề trong quá trình phát triển.

 

Tăng lương tối thiểu

 

 

Một năm chủ động chuyển mình và chủ động hội nhập - 10
 

Chính phủ kiềm chế được chỉ số giá

 đã góp phần làm việc tăng lương

ý nghĩa thực sự với người lao động.

Năm 2006, lương tối thiểu một lần nữa được điều chỉnh lên mức 450.000. Ước tính có gần 10 triệu người được tăng lương lần này. Đối với các doanh nghiệp, dự kiến tăng lương sẽ làm tăng chi phí sản xuất khoảng gần 1%.

 

Trên thực tế, mặc dù đã có hiệu ứng tăng giá, nhưng có thể nói chính phủ đã kiểm soát mức tăng giá thành công, mà cụ thể là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2006 chỉ dừng ở mức 6,6%. Do vậy lần tăng lương này thực sự có ý nghĩa với người lao động.

 

Bên cạnh đó, việc tăng lương cũng đặt ra những vấn đề với ngân sách. Chuẩn bị cho việc tăng lương lần này, theo tính toán của Bộ Tài chính, so với năm 2005, kinh phí nhà nước dành trả lương tăng thêm trong 3 tháng cuối năm 2006 khoảng 6.000 tỷ đồng, cho năm 2007 là 26.000 tỷ đồng. Một nguồn kinh phí rất quan trọng cho việc tăng lương chính là từ việc tiết kiệm chi thường xuyên, chống lãng phí của các cơ quan nhà nước.

 

Báo Dân trí Điện tử