1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Giảm án tử hình: “Nhân đạo với tội phạm là vô nhân đạo với cộng đồng!”

(Dân trí) - “Tội phạm gây bao nhiêu đau thương cho người khác, cho xã hội. Vậy, nhân đạo quá với tội phạm chính là vô nhân đạo với xã hội, với cộng đồng” - đại biểu Nguyễn Bá Thuyền phát biểu tại Quốc hội chiều 16/6 khi thảo luận về Bộ luật Hình sự sửa đổi.

Chặn lãng phí là chặn nguy cơ ẩn mình của tham nhũng
Đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM) (ảnh: Việt Hưng).

Đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM) (ảnh: Việt Hưng).

Tán thành với quan điểm “phi hình sự hoá”, bỏ nhiều tội danh đang quy định tại Bộ luật Hình sự hiện hành, các đại biểu Quốc hội cũng đặt vấn đề cần bổ sung nhiều tội danh để phù hợp yêu cầu đấu tranh với tội phạm trong tình hình mới, trong đó tập trung vào nhóm tội về kinh tế.

Đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM) đề nghị tội phạm hoá hành vi làm giàu bất chính để đáp ứng yêu cầu đấu tranh chống các hành vi rửa tiền trong tình huống xác định một người có nhiều nhà, nhiều đất, nhiều đô la nhưng không chứng minh được nguồn gốc tài sản. Có quy định thì khi xảy ra vụ việc mới có cơ sở pháp lý để đấu tranh, xử lý.

Ông Đương cũng nêu vấn đề ngăn chặn hành vi gây lãng phí nghiêm trọng, chặn tình trạng nhiều dự án bỏ hoang gây thiệt hại, thất thoát tài sản nhà nước, cũng là chặn nguy cơ tiềm ẩn có tham nhũng trong đó. Ông Đương dẫn lại chuyện sửa Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí, nhiều đại biểu  cũng đã đề nghị bổ sung thêm tội lãng phí gây hậu quả nghiêm trọng, tội phạm hóa loại hành vi này trong Bộ luật hình sự.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nêu thực tế, tình trạng lãng phí hiện xảy ra phổ biến trong mọi lĩnh vực, có cách nào hình sự hoá được để áp trách nhiệm cao nhất, áp trách nhiệm đến tận cùng với mỗi cá nhân nắm giữ tài sản chung của xã hội.

Đại biểu Lê Nam (Thanh Hoá) cũng nhấn mạnh, rất cần thiết quy định “tội lãng phí” vì hiện tại, hành vi lãng phí quá nguy hiểm, nhiều trường hợp thiệt hại gây ra còn lớn hơn cả tham nhũng, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. “Người ta đã khái quát là ăn một phá mười, phá như thế thì quá khủng khiếp!” – ông Nam thốt lên.

Không đồng ý phóng sinh… “cá mập”

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) (ảnh: Việt Hưng).
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) (ảnh: Việt Hưng).

Một vấn đề khác đặt ra cũng gây nhiều tranh luận là đề xuất giảm án tử hình với người phạm tội về kinh tế và chức vụ mà tích cực khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại.

Nêu quan điểm “chống” với chủ trương cho “nộp tiền để chuộc mạng” này, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) so sánh việc tha tử hình trong những trường hợp này với hoạt động phóng sinh trong đời sống tâm linh. “Chỉ có thể phóng sinh cá rô, cá chép… những loại cá hiền lành, không gây hại cho môi trường sống xung quanh chứ không thể đồng ý cho phóng sinh… cá mập để khi ra ngoài, chúng sẽ ăn thịt ngay đồng loại” – bà An ví von.

Theo đó, bà An cho rằng không thể đặt vấn đề cho người phạm tội tử hình được giảm án rồi phóng thích lại xã hội chỉ vì nộp được tiền chuộc mạng.

Cùng hướng lập luận này, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền phân tích: “Tội phạm gây bao nhiêu đau thương cho người khác, cho xã hội. Vậy, nhân đạo quá với tội phạm chính là vô nhân đạo với xã hội, với cộng đồng” – ông Thuyền nói.

Trong khi đó, đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM) lại ủng hộ ý kiến cần tìm mọi cách để thu hồi thất thoát trong quá trình phạm tội. Ông Đương khuyến nghị tăng cường áp dụng hình phạt tiền thay cho hình phạt tù đối với các nhóm tội phạm vì tiền, dùng tiền làm phương tiện phạm tội thì nên áp dụng hình phạt tiền.

Đối với tội phạm tham nhũng, ông Đương nhấn mạnh: "Râu có dài đến rốn, ông có trốn vẫn phải bắt về quy án và tịch thu tài sản".

Đại biểu Trần Văn Độ (An Giang) lật qua lật lại vấn đề, xưa nay mọi người thường quan niệm, muốn chống tội phạm là tăng hình phạt nhưng thực tế, việc khốc liệt hoá hình phạt có làm giảm tội phạm được không?  Ông Độ quả quyết, ai chứng minh được “công thức nghiệt ngã” đó,  ông sẵn sàng ủng hộ việc tăng hình phạt, nhất là hình phạt tử hình.

Đại biểu Trần Văn Độ hiện là Chánh án toà án quân sự Trung ương (ảnh: Ngọc Châu).
Đại biểu Trần Văn Độ hiện là Chánh án toà án quân sự Trung ương (ảnh: Ngọc Châu).

Tuy nhiên, không phải ngẫu nhiên mà Nghị quyết của Đảng, của Trung ương đã định rõ chỉ đạo giảm hình phạt tù, giảm án tử hình. Theo ông Độ, tính nghiêm minh của pháp luật không phải thể hiện ở chỗ phạt thật nặng vì nếu quy định hình phạt nặng nhưng không áp dụng được thì đó chính là không đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Trong khi đó nếu khuyến khích để thu hồi được tài sản, tiền bạc đã mất, đưa lại cho người phạm tội một con đường sống thì cả xã hội sẽ “được” nhiều hơn “mất”.

Đại biểu Lê Nam cũng chia sẻ, với án liên quan đến tham nhũng, chức vụ, dư luận rất bức xúc, quan tâm nhưng không phải tham nhũng tăng hay giảm khi thêm hay giảm án tử hình mà mức độ “lộ” ra của tham nhũng phụ thuộc vào việc phát hiện, khám phá được nhiều hay ít. Vì vậy hình phạt đang có xu hướng “nhờn”, không có hiệu lực khi quy định. Ông Nam ủng hộ quan điểm tích cực truy thu tài sản bị tham nhũng.

Do còn rất nhiều ý kiến khác nhau, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thống nhất sau kỳ họp Quốc hội sẽ tổ chức hội nghị đại biểu chuyên trách để bàn sâu, căn cơ về các nội dung này. Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi cũng sẽ được đưa ra lấy ý kiến người dân trước khi trình Quốc hội tiếp tục xem xét trong kỳ họp tới.

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm