1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thận trọng khi bỏ án tử hình với các tội kinh tế

(Dân trí) - Ủy ban Tư pháp cho rằng, cần hết sức thận trọng với quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình về các tội có mục đích kinh tế, sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục cơ bản hậu quả của tội phạm do mình gây ra…

Chiều ngày 20/5, báo cáo thẩm tra dự án Bộ luật hình sự sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Văn Hiện chỉ rõ những vấn đề còn nhiều ý kiến trái chiều, đặc biệt trong đó là vấn đề hạn chế hình phạt tử hình.

Ông Hiện cho biết, Ủy ban Tư pháp tán thành với định hướng tiếp tục hạn chế hình phạt tử hình ở cả 3 phương diện như giảm bớt số tội danh có hình phạt tử hình, quy định điều kiện chặt chẽ nhằm hạn chế các trường hợp áp dụng hình phạt tử hình và mở rộng hơn đối tượng bị kết án tử hình nhưng không phải thi hành án tử hình nhằm thể hiện rõ sự khoan hồng, nhân đạo của nhà nước.

Thận trọng khi bỏ án tử hình với các tội kinh tế
Ủy ban Tư pháp cho rằng, phải hết sức thận trọng về quy định không thi hành án tử hình với các tội có mục đích kinh tế

Tuy nhiên, về giảm bớt số tội danh có hình phạt tử hình, hiện còn ý kiến khác nhau như đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp tán thành việc bỏ 7/22 tội danh có hình phạt tử hình gồm: cướp tài sản; phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh. Cũng có ý kiến cho rằng, có thể cân nhắc để bỏ hình phạt tử hình ở Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh.

Có ý kiến cho rằng, chưa nên bỏ hình phạt tử hình đối với các tội: Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược, Tội chống loài người, Tội phạm chiến tranh. Lý do được được các đại biểu đưa ra vì đó là loại tội nghiêm trọng nhất trong các tội đặc biệt nghiêm trọng và xét về ý nghĩa chính trị. Vì vậy, chừng nào còn duy trì hình phạt tử hình thì không nên bỏ hình phạt tử hình ở các tội danh này.

Dự thảo Bộ luật hình sự sửa đổi quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội từ 70 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử. Trong khoản 3 cũng quy định không thi hành án tử hình nếu người bị kết án từ 70 tuổi trở lên.

Về vấn đề trên, ngoài một số ý kiến tán thành với quy định của dự thảo, thì nhiều ý kiến Ủy ban Tư pháp cho rằng, theo quy định hiện hành, người từ 60 tuổi trở lên là người cao tuổi. Trong khi tuổi thọ trung bình của Việt Nam đã được nâng cao, trình độ dân trí và đời sống vật chất ngày càng được cải thiện, người ở độ tuổi 70 nhìn chung vẫn còn khả năng về sức khỏe và là những người có vốn hiểu biết, nhận thức và kinh nghiệm.

Theo Ủy ban Tư pháp, thực tế, nhiều người ở độ tuổi này vẫn phạm tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, còn có thể là người cầm đầu các tổ chức tội phạm (phạm các tội hiếp dâm, giết người, cầm đầu đường dây buôn bán ma túy.

Do vậy, nếu quy định không áp dụng, không thi hành án tử hình đối với người bị kết án từ 70 tuổi trở lên có thể dẫn đến việc lợi dụng để trì hoãn, trốn tránh sự trừng phạt, không bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Vì vậy, đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp không đồng ý với quy định này của dự thảo.

Về quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình về các tội có mục đích kinh tế, sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục cơ bản hậu quả của tội phạm do mình gây ra, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

Về vấn đề trên, Ủy ban Tư pháp cho rằng, trong điều kiện đang còn duy trì hình phạt tử hình thì việc quy định các trường hợp không thi hành án tử hình phải được cân nhắc hết sức thận trọng để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Xuất phát từ cách đặt vấn đề như vậy, Ủy ban Tư pháp nhận thấy, nội dung quy định này còn thiếu cụ thể có thể dẫn đến cách hiểu khác nhau và không bảo đảm tính khả thi. Ủy ban Tư pháp đưa ra ví dụ cụ thể như thế nào là “khắc phục cơ bản hậu quả của tội phạm”? Loại tội phạm nào là tội phạm “có mục đích kinh tế”, có bao gồm các tội phạm về ma túy hay không? (vì mục đích của tội phạm ma túy suy cho cùng, cũng là vì lợi nhuận). Vì vậy, Ủy ban Tư pháp đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ hơn vấn đề này.

Quang Phong