1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Có thể dùng tiền để “đổi” án tử hình?

(Dân trí) - Để tránh xu hướng mọi trường hợp đều có thể dùng tiền để thoát án tử hình, UB Tư pháp đề nghị cân nhắc đề xuất không thi hành án tử hình với người sau khi bị kết án đã tự nguyện giao nộp ít nhất 1/2 số tiền do phạm tội mà có…

Dự thảo Bộ luật hình sự sửa đổi được trình UB Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu sáng nay, 7/4.

Khó xử tham nhũng nếu không quy về tội “cố ý làm trái”

Về đề xuất bỏ hình phạt tử hình với một số tội danh, cơ quan thẩm tra (UB Tư pháp của Quốc hội) đồng ý quan điểm bỏ 7/22 tội danh có quy định hình phạt cao nhất đến tử hình trong Bộ luật Hình sự hiện hành. Với ý kiến đề nghị bỏ tử hình thêm với 3 tội danh khác, cả cơ quan soạn thảo (Bộ Tư pháp) và cơ quan thẩm tra đều chưa xuôi.

Đặc biệt, với đề xuất bỏ hình phạt tử hình với nhóm tội về tham nhũng, chức vụ, tờ trình do Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường ký nêu nhận định, hiện nay nhà nước đang nỗ lực đấu tranh không khoan nhượng tệ nạn tham nhũng. Nhiều biện pháp đã được ban hành nhưng chưa có hiệu quả. Việc đặt vấn đề bỏ hình phạt tử hình đối với tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ - hai tội phạm tham nhũng đặc trưng nhất, nghiêm trọng nhất là chưa phù hợp, sẽ dẫn đến cách hiểu là pháp luật nương tay với các quan chức tham nhũng và không được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Tuy nhiên, các cơ quan lại thống nhất quan điểm bỏ một tội danh trong nhóm tội phạm về kinh tế, chức vụ đã gây tranh luận lâu nay là tội “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” (Điều 165 – Bộ luật hình sự hiện hành).
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường trình dự thảo Bộ luật hình sự sửa đổi trước UB Thường vụ Quốc hội.
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường trình dự thảo Bộ luật hình sự sửa đổi trước UB Thường vụ Quốc hội.
 
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường phân tích, đây là một tội danh rất chung, có phạm vi rộng nhưng lại không cụ thể, không rõ ràng, như một “cái túi” để có thể vận dụng xử lý bất cứ hành vi vi phạm nào. Điều này không đảm bảo tính minh bạch, dễ dẫn đến tình trạng lạm dụng. Do đó, cần cụ thể hóa các hành vi phạm tội trong từng lĩnh vực kinh tế như: các tội phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thương mại; các tội phạm trong lĩnh vực thế, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm; các tội phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai, rừng, khai thác tài nguyên, khoáng sản, sở hữu trí tuệ, phân phối tiền, hàng cứu trợ để thay thế tội danh này trong Bộ luật hình sự nhằm bảo đảm tính minh bạch, góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo tinh thần Hiến pháp năm 2013.

Ông Cường cũng khái quát, loại ý kiến khác tỏ ra lo ngại, phải tiếp tục cụ thể hóa các hành vi phạm tội trong từng lĩnh vực kinh tế cụ thể nhưng vẫn cần tiếp tục duy trì tội danh này vì không thể cụ thể hóa được tất cả các vi phạm trong quản lý kinh tế. Nếu bỏ tội danh này thì có những trường hợp phạm tội chúng ta không thể xử lý được và như vậy sẽ bỏ lọt tội phạm.

Dù vậy, cơ quan soạn thảo chốt lại, dự thảo Bộ luật sửa đổi không tiếp tục duy trì tội danh “cố ý làm trái” này.

Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cũng cho biết, đa số ý kiến trong UB tán thành với đề xuất bỏ tội danh này và cho rằng, theo tinh thần Hiến pháp 2013, doanh nghiệp được kinh doanh mọi ngành nghề pháp luật không cấm, cá nhân được làm mọi việc pháp luật không cấm. Theo nguyên tắc đó, các hành vi được coi là tội phạm (bị cấm) trong lĩnh vực quản lý kinh tế cần được xác định rõ, bảo đảm sự minh bạch, an toàn của môi trường kinh doanh, tránh sự tùy tiện trong áp dụng.

Chống xu hướng dùng tiền để thoát án tử hình

Về quan điểm mở rộng các trường hợp không thi hành án tử hình và chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân nhằm góp phần hạn chế hình phạt tử hình trên thực tế, Bộ Tư pháp đề nghị, ngoài hai đối tượng là phụ nữ có thai và phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi như quy định hiện hành thì dự thảo Bộ luật sửa đổi bổ sung thêm 2 đối tượng: người từ 70 tuổi trở lên; người bị kết án tử hình không thuộc các đối tượng nêu trên nhưng sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục hậu quả của tội phạm do mình gây ra, tự nguyện giao nộp cho Nhà nước ít nhất là 1/2 số tiền, tài sản do phạm tội mà có, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn (khoản 3 Điều 39).

Với vấn đề không phạt tử hình người từ 70 tuổi trở lên, Chủ nhiệm UB Tư pháp khái quát 2 nhóm ý kiến trong cơ quan thẩm tra. Ý kiến thứ nhất tán thành với quy định của dự thảo, nhằm khẳng định tính nhân đạo của pháp luật Việt Nam, thể hiện theo thông lệ chung của nhiều nước.

Ý kiến khác cho rằng, theo quy định hiện hành, người từ 60 tuổi trở lên là người cao tuổi. Trong khi tuổi thọ trung bình của Việt Nam đã được nâng cao, trình độ dân trí và đời sống vật chất ngày càng được cải thiện, người 70 tuổi nhìn chung vẫn còn khả năng về thể lực và trí lực, sự chênh lệch so với lứa tuổi thấp hơn không nhiều. Thực tế, nhiều người ở lứa tuổi này còn phạm tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, còn có thể là người cầm đầu các tổ chức tội phạm (xâm phạm an ninh quốc gia, khủng bố, rửa tiền), cầm đầu đường dây buôn bán ma túy hoặc chủ mưu các băng, nhóm tội phạm... Vì vậy, cần có sự phân hóa cụ thể nhóm tội và trường hợp phạm tội cụ thể để áp dụng, bảo đảm hiệu quả trong phòng ngừa và đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Với trường hợp miễn tử hình khi khắc phục hậu quả, nộp tiền, UB Tư pháp cho rằng, việc bổ sung quy định không thi hành án tử hình trường hợp nêu trên cần cân nhắc kỹ, vì thực tiễn thi hành án không có vướng mắc. Nếu cần thiết phải bổ sung điều kiện này để giảm án tử hình trên thực tế thì cần có sự phân hóa, loại trừ các đối tượng cụ thể, tránh xu hướng mọi trường hợp đều có thể dùng tiền để thoát án tử hình.

Cùng xu hướng chuyển đổi hình phạt, cơ quan soạn thảo cũng sửa quy định về hình phạt tiền áp dụng đối người chưa thành niên theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng phạt tiền là hình phạt chính đối với người phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi nếu họ có thu nhập hoặc tài sản riêng nhằm đa dạng hóa chế tài không giam giữ áp dụng đối với đối tượng này, góp phần khắc phục tình trạng bất cập hiện nay của BLHS hiện hành là nếu họ bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có khả năng phải vào tù hoặc trường giáo dưỡng (Điều 98).

P.Thảo