1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ga trên cao đầu tiên của metro số 1 thiếu đường tiếp cận

Thư Trần

(Dân trí) - Nhà ga Văn Thánh (tuyến metro số 1) được thiết kế 2 lối tiếp cận và thoát hiểm nhưng hiện một trong 2 lối này chưa được quy hoạch xây dựng trong bối cảnh dự án sắp đưa vào vận hành thương mại.

Theo hồ sơ thiết kế, ga Văn Thánh (tuyến metro số 1) có 2 lối ra vào cho xe chữa cháy tiếp cận. Tuy nhiên hiện chỉ có 1 lối khả thi, còn một lối (phía Tây) chưa được quy hoạch, xây dựng.

Chủ đầu tư đề xuất mở đoạn đường dài khoảng 150m dọc ga trên cao Văn Thánh để mở thêm hướng tiếp cận phòng cháy, chữa cháy.

Ga trên cao đầu tiên của metro số 1 thiếu đường tiếp cận - 1

Tàu metro số 1 chạy thử đi qua TP Thủ Đức (Ảnh: Nam Anh).

Nội dung nêu trong công văn Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR, chủ đầu tư) gửi Sở Giao thông Vận tải (GTVT) để rà soát, tham mưu UBND TP bổ sung quy hoạch và xây dựng.

Việc mở đoạn đường dọc bên nhà ga nhằm phục vụ công tác nghiệm thu phòng cháy chữa cháy cho Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), khi dự án sẽ vận hành trong năm nay.

Tuyến đường mới được đề xuất nằm song song hẻm 602 hiện hữu, ở phía Tây đoạn trên cao của tuyến metro thuộc quận Bình Thạnh. Tuyến này khi hình thành cùng với hẻm 602 sẽ tạo lối tiếp cận hai bên ga Văn Thánh, phục vụ cứu nạn, cứu hộ nếu có sự cố phát sinh khi công trình đưa vào khai thác.

Theo hồ sơ thiết kế PCCC được duyệt năm 2015 và 2019, ga trên cao Văn Thánh sẽ có hai lối ra vào cho xe cứu hỏa tiếp cận với chiều rộng khoảng 5,1m, đi dọc hai bên. Tuy nhiên, việc tiếp cận theo hai lối này hiện chưa đảm bảo do hướng tiếp cận từ phía Tây chưa quy hoạch và xây dựng.

Mặt khác, khu vực bên dưới cầu cạn (nơi được thiết kế làm lối tiếp cận và thoát hiểm của nhà ga) có 2 dự án đang thi công song song, nhưng không bao gồm lối tiếp cận mà chồng lấn lên lối tiếp cận được thiết kế.

Đó là dự án Tăng cường khả năng tiếp cận và tổ chức kết nối các tuyến xe buýt với nhà ga metro số 1 do Trung tâm quản lý giao thông công cộng làm chủ đầu tư, được Sở GTVT phê duyệt hồi 5/12/2022. Dự án thứ hai là Tăng cường mảng xanh dọc xa lộ Hà Nội và tuyến metro số 1 (phần đất do Tổng công ty Du lịch Sài Gòn TNHH MTV quản lý).

Với hiện trạng hiện nay, ga Văn Thánh chỉ có một lối tiếp cận thông qua hẻm 602 hiện hữu, chiều rộng khoảng 7m. Vấn đề này, theo chủ đầu từ có thể gây ra tắc nghẽn cục bộ ở khu vực trên trong quá trình Metro số 1 vận hành, đồng thời ảnh hưởng khả năng tiếp cận của xe cứu hỏa cùng các phương tiện cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố xảy ra.

Dự án metro số 1 dài 19,7km, gồm 2,6km đi ngầm và 17,1km đi trên cao. Tổng mức đầu tư sau khi được điều chỉnh là 43.700 tỷ đồng. Dự án có lộ trình đi qua các quận 1, Bình Thạnh, TP Thủ Đức (TP.HCM) và Dĩ An (Bình Dương).

Toàn tuyến metro số 1 có 3 ga ngầm, 11 ga trên cao: Văn Thánh, Tân Cảng, Thảo Điền, An Phú, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái, Thủ Đức, Khu Công nghệ cao, Đại học Quốc gia TPHCM, Bến xe Suối Tiên. 

Công trình hiện đạt hơn 96% tổng khối lượng. Trước đó, Thủ tướng ban hành Quyết định 65, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án metro số 1, lùi thời gian hoàn thành tuyến này đến cuối quý IV/2023 với cam kết không phát sinh chi phí. Song dự án phải lùi hạn đưa vào khai thác thương mại đến tháng 7 năm nay thay vì năm 2023 như kế hoạch trước đó.