Đường sắt Cát Linh - Hà Đông “lỡ hẹn” vì thiếu vốn nghiêm trọng!

(Dân trí) - Theo kế hoạch, Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) sẽ vận hành thử nghiệm từ tháng 10/2017, tức là chỉ còn 3 tháng nữa. Tuy nhiên, hiện không có vốn nên Tổng thầu Trung Quốc vẫn “giậm chân tại chỗ”, Dự án không thể cán đích đúng hẹn.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có tổng chiều dài gần 13 km, gồm 12 nhà ga đi toàn bộ trên cao. Theo Ban Quản lý dự án đường sắt - Bộ Giao thông vận tải (GTVT), thời điểm này dự án đã đạt 94% giá trị xây lắp, các nhà ga trên cao đã hoàn thành kết cấu chính.

Theo kế hoạch, cuối tháng 7/2017 Dự án sẽ hoàn thành công tác lắp đặt thiết bị. Từ tháng 10/2017, Dự án Cát Linh - Hà Đông bắt đầu chạy thử liên động toàn hệ thống, thời gian chạy thử khoảng từ 3 - 6 tháng. Dự kiến, quý II/2018 Dự án sẽ đưa vào khai thác thương mại.

Với dự kiến cán đích nói trên thì hiện tại đang là giai đoạn “chạy nước rút”, tuy nhiên Dự án không “nhúc nhích” được vì không có vốn để thi công. Các hạng mục quan trọng như Depot, hệ thống thiết bị các nhà ga vẫn ngổn ngang, thậm chí nhân công và máy móc trên công trường giảm đi do không có việc!

Hồi tháng 2, đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông đầu tiên đã được phía Trung Quốc bàn giao và đặt tại điểm ga La Khê. Kế hoạch tiếp nhận 12 đoàn tàu còn lại là từ tháng 6 - 7/2017, vậy nhưng đến nay vẫn chưa có thêm đoàn tàu nào được Trung Quốc bàn giao cho Việt Nam.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông không thể hoàn thành vào cuối năm 2017 vì thiếu vốn
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông không thể hoàn thành vào cuối năm 2017 vì thiếu vốn

Đại diện Tổng thầu EPC Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc cho biết, nguyên nhân chậm là do thiếu vốn, China Eximbank vẫn chưa được giải ngân vốn đầy đủ.

Hồi giữa tháng 5, Hiệp định vay ưu đãi Chính phủ khoản vay bổ sung cho Dự án đường sắt đô thị Hà Nội - Hà Đông đã được ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank). Theo đó, Việt Nam vay thêm Trung Quốc 250,62 triệu USD để phục vụ Dự án.

Trên thực tế, số vốn hơn 250 triệu USD bổ sung cho Dự án đường sắt đô thị Hà Nội - Hà Đông đã được thống nhất từ cách đây 3 năm, nhưng nay khoản vay bổ sung cho Dự án mới chính thức được ký kết. Sau ký kết, hai bên sẽ phải thực hiện thêm một số thủ tục pháp lý khác để khoản vay này có hiệu lực.

Thời gian qua, Bộ GTVT đã nhiều lần giải trình với Bộ Tài chính, Tư pháp và China Eximbank để đàm phán các điều khoản liên quan đến pháp lý của 2 nước nhưng nguồn vốn vay bổ sung vẫn chưa được khơi thông.

Trao đổi với PV Dân trí, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, nguy cơ dự án không đạt tiến độ như kế hoạch rất có thể xảy ra. Việc “khơi thông” nguồn vốn đã bị chậm 3 tháng và đang tiếp tục chậm trễ.

“Vấn đề quyết định đến tiến độ dự án trong giai đoạn hiện nay là vốn. Dự án đang trong giai đoạn cuối cùng nên nhu cầu về vốn rất lớn, nhưng việc cung cấp nguồn vốn bị chậm trễ. Việc chậm trễ, vướng mắc của Dự án hiện chủ yếu liên quan đến vấn đề thủ tục” - lãnh đạo Bộ GTVT nói.

Hiện tại mới chỉ có 1 trong tổng số 13 đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông được bàn giao, kế hoạch nhận tàu dường như đã vỡ trận vì không như dự kiến ban đầu.
Hiện tại mới chỉ có 1 trong tổng số 13 đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông được bàn giao, kế hoạch nhận tàu dường như đã "vỡ trận" vì không như dự kiến ban đầu.

Tổng thầu Trung Quốc thừa nhận, do quá trình thanh toán giải ngân, bổ sung vốn chưa được giải quyết kịp thời khiến Tổng thầu tăng dần khoản nợ đọng với thầu phụ, nhà cung ứng thiết bị. Dự án đang đối mặt với áp lực thiếu vốn nghiêm trọng và nguy cơ không thể hoàn thành theo đúng tiến độ đã đề ra.

Cần phải nói thêm rằng, theo kế hoạch ban đầu, thời gian thực hiện Dự án là 11/2008 tới 11/2013, với tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD. Tuy nhiên, Dự án đã “lỡ hẹn” đến tháng 4/2010 mới được động thổ và tháng 10/2011 mới chính thức triển khai.

Sau khi điều chỉnh, đến thời điểm này tổng mức đầu tư của Dự án là 868,04 triệu USD, tương đương với hơn 18.000 tỷ đồng, tổng mức đầu tư này tăng hơn 300 triệu USD so với kế hoạch ban đầu.

Châu Như Quỳnh