1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vì sao ga đường sắt Cát Linh - Hà Đông “thiếu” đinh ốc, bu lông?

(Dân trí) - Nhà ga La Khê thuộc Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông vừa mở cửa đã ghi nhận những góp ý về hiện tượng kính cường lực bị nứt, ke ga quá rộng, thiếu bu lông, đinh ốc... Ban Quản lý dự án Đường sắt cho biết, nhiều chỗ còn "xộc xệch" là bởi các hạng mục vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.

Nhà ga đường sắt trên cao được tổ chức 3 hình thức đi lại gồm thang bộ, thang cuốn và thang máy dành cho người khuyết tật. Theo thiết kế kỹ thuật, mỗi điểm ga có 2 lối lên - xuống, tương ứng sẽ sử dụng 2 cầu thang bộ, 2 thang cuốn tự động và 2 thang máy phục vụ người dân đi lại. Tuy nhiên đến nay thang cuốn và thang máy vẫn chưa lắp đặt xong, trong khi đó hiện tượng vách hộ lan còn thiếu nhiều đinh ốc, bu lông, kính cường lực bị nứt... Những hình ảnh này gây tâm lý e ngại cho người dân về sự an toàn của công trình này.

Trao đổi với PV Dân trí về một số tồn tại nói trên, lãnh đạo Ban Quản lý dự án Đường sắt cho hay: Công tác hoàn thiện kiến trúc nhà ga La Khê thuộc Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông đã cơ bản hoàn thành hiện trường xây dựng, còn 2 lối lên xuống nhà ga đang tiếp tục được hoàn thiện và đang chuẩn bị triển khai lắp đặt thiết bị. Sau khi các thiết bị này được lắp đặt, người dân có thể sử dụng để di chuyển lên nhà ga một cách thuận tiện

Cũng theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án, để phục vụ cho người dân tham quan, nhà thầu thi công vẫn đang tiếp tục hoàn thiện lắp đặt lan can kính lối lên xuống cầu thang. Dự án vẫn đang trong quá trình thi công lắp đặt thiết bị, nên tại một số vị trí các bu lông mới được lắp định vị, để tiện cho việc căn chỉnh.

Đinh ốc, bu lông còn thiếu và chưa vặn chặt tại nhà ga La Khê (ảnh: Tạp chí GTVT)
Đinh ốc, bu lông còn thiếu và chưa vặn chặt tại nhà ga La Khê (ảnh: Tạp chí GTVT)

“Những tồn tại này đều được Ban Quản lý dự án và Tư vấn kiểm tra, chỉ đạo hoàn thiện trong và sau thời gian tham quan đảm bảo chất lượng khi nghiệm thu đưa vào sử dụng chính thức” - lãnh đạo Ban Quản lý dự án Đường sắt khẳng định.

Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng bên trong tàu ít ghế ngồi, ghế bố trí dọc thân tàu, nên khách chủ yếu sẽ phải đứng nhiều. Tuy nhiên, đơn vị quản lý dự án thông tin, đoàn tàu Cát Linh- Hà Đông thuộc chuẩn đường sắt nhẹ, có khoảng cách giữa các ga ngắn. Tàu được thiết kế theo tiêu chuẩn đảm bảo điều hòa nhiệt độ, toa tàu đủ sáng, thông thoáng cho hành khách lên xuống nhanh nhất có thể.

“Đây là phương tiện vận tải công cộng nội đô, ưu tiên việc vận chuyển được nhiều hành khách, tốc độ chạy trung bình không cao (trung bình 35 km/h) nên việc tiết kiệm không gian tối đa để chứa được nhiều hành khách được ưu tiên cao nhất. Tại các nước trên thế giới, với chuẩn tàu đường sắt nhẹ đều bố trí hai hàng ghế dọc thân tàu.

Hành khách lên/xuống liên tục nên bố trí ghế ngang sẽ gây ách tắc; hành khách đứng sẽ không gặp khó khăn do quãng đường, thời gian di chuyển ngắn, tốc độ khai thác trung bình không cao. Vịa trí cho xe lăn, ghế ngồi cho người khuyết tật, người già, trẻ em, phụ nữ có thai đã được thiết kế bố trí đầy đủ. Các thành phần khác như cột đứng, thanh dọc được thiết kế tuân thủ tiêu chuẩn chuyên ngành có tính đến vóc dáng trung bình của hành khách.” - lãnh đạo Ban Quản lý dự án cho hay.


Ban quản lý giải thích, đây là phương tiện vận tải công cộng nên bố trí khách đứng nhiều hơn ngồi nhằm chứa được lượng khách cao nhất (ảnh: Quang Phong)

Ban quản lý giải thích, đây là phương tiện vận tải công cộng nên bố trí khách đứng nhiều hơn ngồi nhằm chứa được lượng khách cao nhất (ảnh: Quang Phong)

Về phía Bộ Giao thông vận tải, lãnh đạo Bộ này nhấn mạnh: “Mục đích của việc mở cửa nhà ga cho người dân tham quan là nhằm hướng tới sự quen thuộc và thuận tiện hơn trong giai đoạn khai thác sau này, cùng đó ghi nhận những góp ý của người dân về dự án. Chúng tôi liên tục rà soát về các hạng mục, đặc biệt là những hạn chế để có sự điều chỉnh kịp thời”.

Theo lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, dự án vẫn đang trong quá trình hoàn thiện và củng cố, vậy nên giai đoạn này vẫn còn những tồn tại nhất định. Trong thời gian tới, khi các hạng mục được hoàn thành 100%, khi dự án được đưa vào vận hành khai thác sẽ đảm bảo an toàn và chất lượng tốt nhất.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được khởi công tháng 10/2011 với tổng mức đầu tư trên 18.000 tỷ đồng, sử dụng vốn vay của Trung Quốc. Tuyến đường dài gần 13 km, gồm 12 nhà ga đi toàn bộ trên cao. Theo kế hoạch, tháng 10/2017 dự án sẽ chạy thử liên động toàn hệ thống và dự kiến quý II/2018 dự án sẽ đưa vào khai thác thương mại.

Châu Như Quỳnh