1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đường sắt cao tốc: “Ưu tiên đoạn TPHCM - Phan Thiết trước”

(Dân trí) - “Ưu tiên 1 là đoạn Nha Trang - TPHCM, ưu tiên 2 là Hà Nội - Vinh và trong đoạn Nha Trang - TPHCM ưu tiên đoạn Phan Thiết - TPHCM trước”, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng cho biết về phân kỳ đầu tư đường sắt cao tốc.

Thưa ông, kết quả thăm dò ý kiến đại biểu Quốc hội cho thấy, vẫn còn 192 đại biểu không đồng ý với chủ trương xây dựng đường sắt cao tốc?
 
Đây là một dự án rất lớn, có thể có nhiều rủi ro, nhiều khó khăn tiềm ẩn liên quan đến tiềm lực kinh tế của đất nước nên tiếp tục có những vấn đề cần xem xét. Chính vì vậy, sự đắn đo của các đại biểu Quốc hội và sự đắn đo của dư luận là hoàn toàn chính đáng.
 
Mặc dù là một trong những người xây dựng lên đề án nhưng mình không thể nói đây là một việc dễ dàng. Các ý kiến càng khiến mình phải thận trọng, tính hết các yếu tố nếu Quốc hội cho thực hiện.
 
Vậy Chính phủ đã dự kiến thời gian khởi công tuyến đường sắt này trong trường hợp Quốc hội đồng ý chủ trương?
 
Thời gian khởi công chưa thể nói được. Báo cáo tiền khả thi chưa đề cập việc này, phải trong báo cáo lập dự án mới có.
 
Đoạn nào sẽ được ưu tiên làm trước trong tuyến đường sắt rất dài này?
 
Ưu tiên 1 là đoạn Nha Trang - TPHCM, ưu tiên 2 là Hà Nội - Vinh và trong đoạn Nha Trang - TPHCM ưu tiên đoạn Phan Thiết - TPHCM trước. Cố gắng năm 2025 có tuyến đầu tiên và nếu 2025, tuyến Nha Trang - TPHCM đưa vào vận hành được thì đẹp.
 
Đường sắt cao tốc: “Ưu tiên đoạn TPHCM - Phan Thiết trước” - 1
Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: "Nếu Quốc hội thông qua mới thở phào nhẹ nhõm" (Ảnh: Việt Hưng)
 
Nếu Quốc hội cho phép thì trong báo cáo lập dự án sẽ theo hướng như thế.
 
Trong trường hợp Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, chúng ta có tính đến đấu thầu tư vấn lập dự án không?
 
Trong Luật đấu thầu của mình có quy định việc đấu thầu lập dự án nhưng việc này rất khó cho nên thường là mình lựa chọn tư vấn. Nhưng bước thiết kế kỹ thuật, bước xây dựng phải thực hiện nghiêm chỉnh đấu thầu.
 
Một số chuyên gia nói rằng, giá của các dự án ODA thường đắt hơn 20% so với dự án bình thường, vậy chúng ta có biện pháp gì để không bị áp đặt giá quá cao?
 
Tôi chưa có thông tin nào là giá ODA đắt hơn 20% và cũng chưa có cơ sở nào để nói thế. Bởi lẽ, thực hiện dự án ODA phải đấu thầu, gồm đấu thầu trong nước và đấu thầu quốc tế.
 
Nhưng thường vay ODA phải kèm theo điều kiện về đối tác?
 
Không có điều kiện về đối tác. Ví dụ ODA STEP (thể thức cho vay đặc biệt - phóng viên) phải đấu thầu giữa các doanh nghiệp của nước cho vay, còn ODA song phương phải đấu thầu quốc tế, chứ không có điều kiện nào là chỉ định nhà thầu A, nhà thầu B.
 
Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc có nói, giữa ta và Nhật Bản đã thông qua chủ trương về tuyến đường sắt này?
 
Chủ trương hợp tác thì có, nhưng hợp tác cụ thể thì chưa. Năm 2006, Thủ tướng thăm Nhật Bản, nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược, có ba dự án mà chúng ta trao đổi là đường sắt cao tốc, đường bộ cao tốc và công nghệ cao Hòa Lạc.
 
Cho nên đặt vấn đề hợp tác là có, nhưng đối với dự án cụ thể, chưa đặt vấn đề cam kết về công nghệ, về vốn, về nhà thầu.
 
Như vậy, có ràng buộc là chúng ta phải làm không?
 
Không có rằng buộc gì hết, đó là cam kết hợp tác.
 
Nếu dự án được triển khai, có cơ hội nào cho các doanh nghiệp trong nước không?
 
Cơ hội rất lớn cho các nhà thầu trong nước về xây dựng cơ bản. Ví dụ như là hệ thống cầu cạn gần giống như hệ thống cầu cạn đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương. Hệ thống cầu cạn đó gần như phức tạp nhất thế giới, đi qua vũng lầy, nhưng nhà thầu trong nước hoàn toàn đảm đương được.
 
Chúng ta đang thiếu điện khá trầm trọng, trong khi đường sắt cao tốc lại sử dụng lượng điện rất lớn, Bộ trưởng có lo không?
 
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhu cầu sử dụng năng lượng phải tăng lên, cho nên mới có chiến lược phát triển điện, có thủy điện Sơn La, thủy điện Lai Châu rồi điện hạt nhân… để đón những công trình lớn. Cũng phải nói thêm rằng, đường sắt cao tốc có cái lợi là tiêu thụ nhiên liệu ít, trong khi rủi ro, tăng giá của nhiên liệu thế giới rất cao.
 
Cho đến thời điểm này ông đã có thể thở phào nhẹ nhõm về dự án đường sắt cao tốc này chưa?
 
Nếu Quốc hội thông qua mới thở phào nhẹ nhõm.
 
Xin cám ơn ông!
 
Cấn Cường (ghi)