1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Dũng cảm cứu 35 mạng người trong thảm họa chìm đò

(Dân trí) - Khi con đò oan nghiệt vừa lật, hơn 80 con người đang bàng hoàng bấu víu trong tuyệt vọng thì đò của anh Mai Văn Luyện (43 tuổi) đi ngang. Không ngần ngại, 4 người trên đò anh Luyện đã lao mình xuống dòng nước dữ, cứu được 35 người trên miệng thủy tặc.

Khi cơn tang tóc còn chưa dứt, chúng tôi tìm gặp anh Luyện để được nghe anh kể về buổi sáng định mệnh 25/1 và việc làm nghĩa hiệp của anh, con trai và hai người cháu họ.
 
Dũng cảm cứu 35 mạng người trong thảm họa chìm đò - 1

Anh Luyện chưa hết bàng hoàng kể lại vụ chìm đò kinh hoàng.

Anh Luyện kể: Sáng 30 tết, anh đánh đò chở con trai Mai Thanh Phong (17 tuổi) và hai người cháu họ là Trần Quang Thắng (30 tuổi) và Trần Quốc Hoàn (thường gọi là Tũn – 19 tuổi) từ nhà ở thôn Đồng Phú (Đồng Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình) xuống thị trấn Ba Đồn mua sắm tết cho gia đình và hàng hóa phục vụ bà con trong xã.

Khoảng 7 giờ, đò anh đi ngang bến đò xã Quảng Hải thì bắt gặp cảnh tượng kinh hoàng: con đò ních chặt khoảng 80 người chòng chành rồi lật úp ngay cách đò anh khoảng 100 mét. Không ai bảo ai, cả 4 anh chặt dây, trút hết một số hàng hóa trên đò xuống sông rồi tăng tốc lao tới phía con đò gặp nạn.

Chưa hết bàng hoàng, anh Luyện nhớ lại: “Con đò lật sấp xuống, tiếng kêu la náo động cả lòng sông. Trên đò hầu hết là phụ nữ, trẻ em. Có những người đã già lắm rồi. Ngay trước mặt tôi, từng nhóm người níu chặt lấy nhau, bấu víu lấy thành đò, ngụp lặn vẫy tay kêu cứu. Mặt ai cũng hoảng loạn, nhiều người bị níu chặt, không ngóc đầu lên nổi mặt nước”.
 
Dũng cảm cứu 35 mạng người trong thảm họa chìm đò - 2

Suốt ngày hôm đó, con đò của anh Luyện đã hàng chục lần qua lại bến sông, đưa người dân qua Quảng Hải.

Trước cảnh tượng quá kinh hoàng, anh Luyện và anh Thắng chèo đò, còn anh Phong và anh Hoàn cởi hết quần áo người lao người xuống dòng nước buổi sớm mùa đông để đến với những người bị nạn. Anh Luyện nhớ lại: “Đò tui vừa đến, hàng chục người đã níu chặt lấy mạn đò khiến con đò chồng chềnh dữ dội, nếu không chèo chống kịp thời chắc đò tôi cũng chìm theo. Tôi một tay chống đò, một tay cùng thằng Thắng kéo họ lên bờ”. Mới cứu được 4-5 người thì còn đò bị nạn chìm hẳn, những người bấu víu trên đò la hét hoảng loạn, tách thành từng nhóm nhỏ bám chặt lấy nhau, chới với.

Nhờ sức trẻ cộng với kinh nghiệm nhiều năm lăn lộn sông nước, anh  Phong và anh Hoàn đã lần lượt dìu được hàng chục người khác lên đò. Khi con đò nhỏ của anh Luyện đã chật, anh cho đò tạt ngay vào bờ, đưa các nạn nhân lên bờ rồi tiếp tục quay ra giữa lòng sông. Sau hai chuyến đò, anh đã cứu được tổng cộng 35 con người khỏi bàn tay thủy tặc.
 
Dũng cảm cứu 35 mạng người trong thảm họa chìm đò - 3

Đến chiều 30 tết, khi PV rời hiện trường để đưa thông tin đến với độc giả, các anh vẫn ở lại tham gia vớt các nạn nhân.

“Đưa những người trên chuyến đò thứ 2 lên bờ xong, tôi lại quay ra nhưng lúc đó chẳng còn ai ngấp nghé trên mặt nước nữa. Chìm hết cả rồi…” - anh Luyện bỏ lửng câu nói, đưa mắt về phía lòng sông.

Trong số những người may mắn được cứu thoát, anh Luyện không thể nào quên hình ảnh một cụ già chừng 60 tuổi. Dòng nước lạnh đã khiến cụ đuối sức, dần chìm xuống chỉ còn bàn tay giơ lên trong tuyệt vọng ngay sát mạn thuyền. Khi anh giơ tay ra, bàn tay lạnh ngắt đó đã bíu chặt lấy tay anh rồi được anh kéo lên thuyền.

Anh Hoàn thì kể: Có một cháu nhỏ chỉ mới khoảng 6-7 tuổi có lẽ đã bị chìm xuống khá sâu nhưng do mặc áo phao dày nên nổi lên được, đụng ngay mạn thuyền. Khi được kéo lên, cháu bé đã kiệt sức, tím tái, cấm khẩu.

Sinh ra trên đò, sống gần nửa đời người trên sông nước và mới được lên bờ 15 năm nay, anh Luyện biết rõ một điều kiêng kỵ của những người làm nghề sông nước là không được chống lại thủy thần. Nhưng như anh nói, trước cảnh gần 100 con người chới với giữa lằn ranh sống chết, anh và 3 người thân của anh đều không còn nghĩ tới điều đó nữa.
 
Dũng cảm cứu 35 mạng người trong thảm họa chìm đò - 4

"Tui chỉ tiếc không cứu được tất cả mọi người..."

Anh Luyện kể lại, lúc đó ngoài con đò gặp nạn, cả quãng sông không còn thuyền nào khác. Cùng với anh chỉ có một con đò nhỏ của một người tên Phi vừa túa đến, cứu được 3 người.

Cứu được 35 con người, anh Hoàn và anh Phong cũng kiệt sức, tím tái vì lạnh. Người dân trong xã đã mang quần áo khô cho các anh mặc để tiếp tục cùng người dân trong xã và các lực lượng chức năng tìm vớt xác các nạn nhân còn lại. Cả ngày hôm đó, anh Luyện hàng chục lần qua lại hai bến sông, đưa người sang sông và tìm vớt xác các nạn nhân lên bờ.

Ông Trần Mạnh Hổ - Bí thư Đảng ủy xã Quảng Hải xúc động kể: đến 9 giờ tối, mọi người đưa các anh đi ăn bát cơm nóng thì có đoàn cứu trợ của quân đội cần qua sông. Anh Luyện không nề hà đưa đoàn đến với người dân Quảng Hải rồi mới ngược sông Gianh trở về với gia đình.

Trước thông tin sẽ được UBND tỉnh Quảng Bình khen thưởng vì nghĩa cử cứu người, anh Luyện chỉ nói: “Làm người ai cũng thế cả thôi, tui chỉ tiếc là không cứu được tất cả mọi người”. Với anh, hình ảnh những bàn tay giơ lên chìm dần giữa dòng nước vẫn là một nỗi ám ảnh, dù anh và 3 người thân của anh đã làm được một điều to lớn là giúp giảm bớt nỗi tang thương của người Quảng Hải, vốn đã quá lớn lao…

Hồng Kỹ