Vụ chìm đò sông Gianh: Ai cũng làm tròn trách nhiệm?

(Dân trí) - UBND tỉnh Quảng Bình vừa tổ chức hội nghị kiểm điểm trách nhiệm sau vụ chìm đò khiến 42 người thiệt mạng ở Quảng Hải. Tuy nhiên, ngoài lãnh đạo huyện Quảng Trạch thẳng thắn nhận trách nhiệm, nhiều đơn vị khác đều cho rằng mình đã... làm hết phận sự!

Loay hoay bài toán trách nhiệm

Tại Hội nghị chiều 10/2, tất cả các đơn vị có trách nhiệm liên quan như Sở GTVT, Phòng CSGT tỉnh, UBND huyện Quảng Trạch và Công ty TNHH 1 thành viên Quản lý Đường sông Quảng Bình (Cty QL Đường sông) đều được mời đến dự. Tinh thần của Hội nghị là làm rõ trách nhiệm của các bên trong thảm họa chìm đò ngày 25/1. Tuy nhiên, hầu tất các đơn vị đều nêu ra những văn bản giấy tờ cho rằng mình đã làm tốt nhiệm vụ.

Ông Phạm Đình Tý - Giám đốc Cty QL Đường sông, đơn vị được Cục Đường thủy nội địa giao quản lý 63 km tuyến sông Gianh, cho rằng: “Tôi cảm thấy không hài lòng khi nhận được công văn của UBND tỉnh yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm”. Theo ông Tý, trong phạm vi trách nhiệm của doanh nghiệp mình, ông đã thực hiện tốt. Cụ thể, ông Tý cho rằng công ty ông đã triển khai về tận cơ sở công tác quản lý, triển khai các chỉ thị, công điện liên quan và vụ chìm đò không phải do đò đi theo báo hiệu của công ty này mà vướng chướng ngại vật hay gặp bãi cạn.
 
Vụ chìm đò sông Gianh: Ai cũng làm tròn trách nhiệm? - 1

Sau khi được trục vớt, con đò gặp nạn vẫn còn nguyên hệ thống phao được néo chặt.

Ông Đậu Minh Ngọc - Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch, sau khi trình bày những công văn chỉ đạo, kiểm tra đánh giá… đã khẳng định UBND huyện và cá nhân Chủ tịch đã làm hết trách nhiệm. Tuy nhiên, ông cũng xin chịu hoàn toàn trách nhiệm với cấp trên, còn hình thức thế nào các cấp có thẩm quyền sẽ quyết định. Ông Ngọc cũng cho biết sẽ kiểm điểm các cơ quan tham mưu cho UBND huyện.

Tương tự, lãnh đạo Sở GTVT và phòng CSGT tỉnh cũng cho rằng họ đã làm hết trách nhiệm bằng hệ thống văn bản và có triển khai kiểm tra, giám sát, đăng kiểm, yêu cầu chủ đò ký cam kết và đôn đốc lãnh đạo địa phương cắt cử người giám sát hoạt động bến đò. Lãnh đạo Sở GTVT còn cho rằng họ đã có hàng loạt văn bản tham mưu cho UBND tỉnh cảnh báo nguy cơ tai nạn có thể xảy ra. Các đơn vị này cũng cho rằng, do nhân lực ít (thanh tra giao thông toàn tỉnh 12 người, đội GTĐT chỉ có 6 người) nên không thể luôn luôn túc trực tại bến đò.

Trước lý lẽ của các đơn vị này, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Lâm Phương khẳng định: Hiệu quả công tác của các đơn vị chưa cao, công tác tuần tra, kiểm tra của các đơn vị chưa thường xuyên, thiếu cương quyết. Ông Phương lấy ví dụ: “Kiểm tra kiểu gì mà khi tai nạn xảy ra, phao cứu sinh lại bị ràng chặt như thế?”. Ông yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan nghiêm túc xem xét lại trách nhiệm của mình. “Mặc dù tuyến sông Gianh không do tỉnh quản lý, nhưng tai nạn xảy ra trong tỉnh, dân của tỉnh chết nên tỉnh phải có trách nhiệm”.

Tuy nhiên, kết thúc Hội nghị, vấn đề trách nhiệm gắn với chế tài cụ thể đối với các đơn vị, cá nhân vẫn chưa được đặt ra. Cho đến lúc này, chỉ có ông Chủ tịch UBND tỉnh tự nhận hình thức phê bình trước Thủ tướng và Chủ tịch UBND xã Quảng Hải bị đình chỉ công tác. Các đơn vị, cá nhân khác sẽ bị xem xét hình thức kỷ luật sau các cuộc họp “mổ xẻ” tiếp theo.

Bến đò chưa cấp phép đã được đấu thầu

Theo tìm hiểu của Dân trí, bến đò ngang nơi đi về của con đò gặp nạn ngày 25/1/2009 khiến 42 người chết chưa hề được cơ quan thẩm quyền nào cấp “Giấy phép hoạt động bến đò khách ngang sông” dù đã hoạt động từ nhiều năm nay.

Ông Phạm Đình Tý cho biết: Theo quy định, bến đò ngang được cấp phép phải đảm bảo nhiều điều kiện trong đó bến Quảng Hải chưa đáp ứng như có nhà chờ, nội quy, niêm yết giá, có báo hiệu đường thủy nội địa… Cũng theo ông Tý, ngày 12/12/2008 trạm Đường sông Sông Gianh đã làm việc với Chủ tịch UBND xã Quảng Hải đề nghị thực hiện các quy định này, nhưng chưa thực hiện được thì tai nạn đã xảy ra.

Con đò gặp nạn trước đó đã được đăng kiểm vào ngày 25/12, chứng nhận đảm bảo an toàn và được phép chở từ 12 người trở xuống. Theo quy định, con đò này phải có 14 áo phao, 2 phao tròn và nhiều tiêu chuẩn khác. Về bến đò Quảng Hải, do không có niêm yết giá nên chủ đò thường thu theo kiểu “nhìn mặt khách”, tức với người dân trong xã thì thu thấp theo đúng cam kết với chính quyền, còn với khách vãng lai thì thu cao hơn.

Sau vụ chìm đò, xã Quảng Hải mới làm thủ tục xin giấy phép mở bến đò, đồng thời xóa bỏ hình thức đấu thầu chạy đò như đã áp dụng trước đây. Được biết, hiện một công ty đã tài trợ khoảng 150 triệu đồng để đóng một con thuyền chắc chắn phục vụ việc đi lại của người dân Quảng Hải.

Hồng Kỹ