1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thảm họa sông Gianh, nỗi đau nhìn từ nhiều phía

(Dân trí) - 15 ngày sau vụ chìm đò thảm khốc trên sông Gianh (Quảng Bình), vấn đề nguyên nhân - trách nhiệm đã được nhắc đến. Chủ đò, lái đò đã bị khởi tố vì những tội danh không thể chối cãi, nhưng đằng sau nỗi đau này còn có nhiều điều suy nghĩ.

Tội của nhà đò, ý thức của người dân
 
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Mạnh Hùng khi vào thăm người dân Quảng Hải đã nói: “Ngoài trách nhiệm của chủ đò, vấn đề cần nhắc tới là ý thức của người dân khi tham gia giao thông đường thủy. Dân sống vùng sông nước, ngày ngày qua lại sông nên dễ có tâm lý chủ quan. Theo báo cáo của tỉnh, mặc dù chủ đò đã lấy sào mà đuổi, dân vẫn ùa lên đò. Tai họa này có một phần nguyên nhân từ công tác tuyên truyền chậm chạp”.
 
Thảm họa sông Gianh, nỗi đau nhìn từ nhiều phía - 1

42 cái chết đau lòng một phần xuất phát từ sự hạn chế của công tác tuyên truyền (Ảnh: H.K).

Sáng 2/2, hai anh em chủ đò Nguyễn Xuân Quý và lái đò Nguyễn Xuân Mậu đã bị khởi tố với các tội danh Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường thuỷ theo Điều 215-BLHS và Vi phạm quy định điều khiển phương tiện giao thông đường thuỷ theo Điều 212-BLHS.

Những tội danh này không có gì để bào chữa, bởi theo đăng kiểm, con đò oan nghiệt kia chỉ được chở 12 người. Trước thảm họa, chủ đò Nguyễn Xuân Quý cũng đã ký cam kết không chở quá số người quy định.

Nhưng chị Cao Thị Lý, vợ chủ đò Nguyễn Xuân Quý vẫn cảm thấy đau lòng khi nghĩ  đến tiền đồ lao lý của chồng và em chồng: “Chợ Điền họp sớm, tan sớm, hôm đó lại là 30 Tết nên bà con chen nhau lên đò. Anh Quý đã dùng sào đẩy xuống, chắp tay mà lạy bà con đừng lên nữa nhưng đò rời bến vẫn có người cố bám mà lên”. Chính chị Lý cũng có mặt trên chuyến đò đó, nhưng may mắn được cứu thoát vì bám được vào một mảnh ván.

Nhiều người dân trong xã sau khi thoát nạn cũng thừa nhận: Do quá sốt sắng đến chợ, dân làng đã bằng mọi cách leo được lên đò. Theo điều tra của Công an tỉnh Quảng Bình, chuyến đò gặp nạn là chuyến thứ 5 trong ngày, và 4 chuyến trước số người đều vượt xa con số 12 theo đăng kiểm.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Sau khi Thủ tướng chính phủ có Công văn yêu cầu Chỉ tịch UBND tỉnh Quảng Bình tự nhận hình thức kỷ luật và chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức kỷ luật nghiêm minh đối với Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch và Chủ tịch UBND xã Quảng Hải, ông Phan Lâm Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã tự nhận hình thức phê bình và chỉ đạo Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch tạm đình chỉ công tác Chủ tịch UBND xã Quảng Hải.

Ông Phương cũng yêu cầu ông Đậu Minh Ngọc - Chủ tịch huyện tự nhận hình thức kỷ luật nhưng theo ông Ngọc, vấn đề trách nhiệm chỉ rõ ràng sau cuộc họp chiều nay (10/2) với sự tham gia của lãnh đạo tỉnh, huyện và các sở, ban ngành liên quan. Ở đây, vấn đề trách nhiệm liên đới theo phân cấp quản lý xin được không nới tới, bởi khi ông Chủ tịch xã bị tạm đình chỉ công tác, Chủ tịch tỉnh tự nhận hình thức phê bình thì dư luận có thể đoán được hình thức kỷ luật với Chủ tịch huyện và lãnh đạo ngành giao thông địa phương sẽ nằm “đâu đó” giữ khiển trách và cảnh cáo.

Bởi trước đó, cả tỉnh, huyện đều cho rằng mình không sai sót vì đã kịp thời ban hành đủ thứ công văn, chỉ đạo, hướng dẫn và rằng bến đò này được giao cho xã quản lý. Nhưng sự quản lý Nhà nước không chỉ được thể hiện bằng hệ thống văn bản, mà còn bằng sự giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm thì chưa thấy được nói tới nhiều.

Tổng hợp nhiều nguồn tin cho thấy con đò này đã có thể chở tới hơn 100 người, và đó là chuyến thứ 5 trong ngày. Mấy ngày cận Tết trước đó, người dân cho biết con đò cũng luôn chở quá số người quy định. Khi con đò nổi lên, hệ thống phao cứu sinh vẫn được ràng chặt và đuôi thuyền bằng những sợi dây thừng chắc chắn mà có lẽ lúc trên bờ đàn bà, trẻ con cũng khó mở nổi.

Vậy câu hỏi đặt ra là lực lượng Thanh tra, cảnh sát giao thông ở đâu trong những ngày đó? Ông Nguyễn Văn Long - Giám đốc sở GTVT Quảng Bình cho rằng lực lượng Thanh tra giao thông quá mỏng, không đủ để kiểm tra thường xuyên. Nhưng ngược lại, khi Thứ trưởng Lê Mạnh Hùng về chia buồn với dân sau thảm họa, lực lượng này được cử ra rất đông ở bến phà Phù Trịch.

Tương tự, xã cho biết đã cử một công an viên là ông Cao Xuân Tiếp ra giám sát hoạt động của con đò. Nhưng vào buổi sáng hôm đó, ông Tiếp ở đâu, làm gì thì xã cũng không biết. Thông tin từ VP UBND tỉnh thì cho hay, ông Tiếp không có mặt lúc xảy ra tai nạn. Sau Tết, trong những lần trở lại Quảng Hải, chúng tôi luôn thấy sự hiện diện của 1-2 công an viên ở bến đò. Sau Tết, khách thưa nên công an viên thậm chí còn ngồi luôn lên đò.

Mặt khác, theo tìm hiểu của Dân trí, theo kết quả đấu thầu, mỗi tháng chủ đò Nguyễn Xuân Quý phải nộp cho xã 4,2 triệu đồng. Theo hợp đồng giữa 2 bên, mỗi người dân khi qua đò chỉ bị thu 500 đ/2 lượt. Như vậy, làm một con tính đơn giản sẽ thấy mỗi ngày con đò phải chở ít nhất 280 khách (x2 lượt) để có đủ 140.000 đồng nộp cho xã. Nếu chở đúng quy định, con đò phải đi 46 lượt qua về. Đó là chưa nói đến tiền dầu, khấu hao máy móc, tiền công. Cho đến gần đây, khi giá dầu tăng cao phí qua đò mới được tăng gấp đôi.

Có thể thấy, thảm họa chìm đò ngày 25/1 tuy là một rủi ro nhưng là một rủi ro đã được lường trước. Câu hỏi đặt ra là tại sao sau thảm họa, ngành giao thông mới tổng kiểm tra các bến đò, điều mà trước đó họ không thể làm rốt ráo như vậy? Và liệu trong cuộc họp chiều nay, các bên có nhìn thẳng vào sự thật để tìm thấy mình ở đâu trong chuỗi trách nhiệm, hay lại làm việc theo kiểu phân cấp “dùi đánh đục, đục đánh săng” và “đá” trách nhiệm về phía chủ đò, người dân và một ông Chủ tịch xã đã bị đình chỉ công tác?

Hồng Kỹ