1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Dự án Căn cước công dân gắn chíp sẽ thay đổi cách thức thu thập vân tay

Thế Kha

(Dân trí) - Điểm nổi bật của dự án Căn cước công dân là sẽ thay đổi cách thức thu thập vân tay. Dự kiến ngày 1/11/2020, Bộ Công an sẽ tổ chức đồng bộ lấy vân tay theo phương thức mới trên toàn quốc.

Tại hội nghị trực tuyến với công an 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để triển khai dự án sản xuất, cấp, quản lý Căn cước công dân và sơ kết 6 tháng thực hiện dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ngày 9/9, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của 2 dự án này trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự và phục vụ hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm.

Dự án Căn cước công dân gắn chíp sẽ thay đổi cách thức thu thập vân tay - 1

Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc phát biểu tại hội nghị trực tuyến (Ảnh: Bộ Công an).

Theo Bộ Công an, điểm nổi bật của dự án Căn cước công dân là sẽ thay đổi cách thức thu thập vân tay. Dự kiến ngày 1/11/2020, Bộ Công an sẽ tổ chức đồng bộ lấy vân tay theo phương thức mới trên toàn quốc; sử dụng thẻ chíp điện tử đảm bảo tính bảo mật cao và tốc độ xử lý nhanh hơn, tích hợp được nhiều tiện ích trong quá trình sử dụng. Căn cước công dân mới được thiết kế mở có thể tích hợp nhiều công nghệ nhận dạng hiện đại trong tương lai.

Còn dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư đến nay đã thu thập được trên 90% phiếu thu thập thông tin dân cư và cập nhật được gần 7 triệu phiếu cập nhật thông tin dân cư. Hiện nay, Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư đã được xây dựng tại Hà Nội và TPHCM.

Bộ Công an dự kiến đầu năm 2021 sẽ báo cáo kết quả với Chính phủ, bấm nút khởi động hai hệ thống và vận hành thử nghiệm; tháng 7/2021 sẽ đi vào hoạt động chính thức.

Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc yêu cầu Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội chịu trách nhiệm thực hiện toàn diện các nội dung trong xây dựng, triển khai, thực hiện dự án; duy trì giao ban trực tuyến thường xuyên với địa phương để kiểm tra tiến độ, đôn đốc chỉ đạo quyết liệt các nội dung công việc được giao. Đặc biệt, dữ liệu thông tin dân cư phải được thu thập, bổ sung, cập nhật thường xuyên.

Bên cạnh việc tuyên truyền tới từng nhóm người, vùng miền cụ thể, phải chủ động giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của người dân, dư luận có liên quan đến việc thu thập thông tin dân cư, cấp số định danh cá nhân, cấp thẻ Căn cước công dân có gắn chip điện tử.

Công an các đơn vị, địa phương phải xác định việc cấp khoảng 50 triệu thẻ Căn cước công dân là một “chiến dịch” trên phạm vi toàn quốc và phải hoàn thành trước ngày 1/7/2021.

Dự án Căn cước công dân gắn chíp sẽ thay đổi cách thức thu thập vân tay - 2

Mẫu thẻ Căn cước công dân hiện hành (Ảnh: Thế Kha).

Ngày 3/9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân với tổng mức đầu tư là 2.696 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Trong đó xây dựng hệ thống Căn cước công dân thống nhất trên toàn quốc, được triển khai và quản lý tập trung tại Bộ Công an, gồm: Đầu tư phần cứng (hệ nhận dạng sinh trắc học, máy chủ, máy trạm, thiết bị ngoại vi, thiết bị lưu trữ, thiết bị bảo mật); đầu tư phần mềm (phần mềm thương mại, phần mềm ứng dụng); dịch vụ đào tạo, triển khai thiết lập hạ tầng.

Việc cấp thẻ căn cước công dân bắt đầu được thực hiện từ năm 2016, đến nay mới triển khai được ở 16 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hoá, TPHCM, Cần Thơ, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Quảng Bình.

Cách đây không lâu, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội đã có văn bản đề nghị 16 địa phương dừng việc tuyên truyền cấp đổi Chứng minh nhân dân sang Căn cước công dân để chờ triển khai cấp thẻ Căn cước công dân có gắn chip (dự kiến bắt đầu từ tháng 11/2020).