Gần 2.700 tỷ đồng để sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân

Thế Kha

(Dân trí) - Dự án sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân sẽ triển khai từ năm 2020 - 2022 tại Bộ Công an, công an các tỉnh, thành phố và các quận, huyện, thị xã với tổng mức đầu tư là 2.696 tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân . Mục tiêu của dự án là xây dựng Cơ sở dữ liệu Căn cước công dân thống nhất trên toàn quốc, thực hiện thu nhận và quản lý dữ liệu đăng ký Căn cước công dân tự động trên cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin giúp lưu trữ, truy xuất, chia sẻ, tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng và tiện lợi nhất.

Đồng thời nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về Căn cước công dân, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong khi thực hiện thủ tục hành chính và các giao dịch dân sự. Hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế xã hội của cả nước; góp phần phục vụ hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Gần 2.700 tỷ đồng để sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân - 1

Làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân ở Hà Nội.

Về quy mô, nội dung đầu tư, xây dựng hệ thống Căn cước công dân thống nhất trên toàn quốc, được triển khai và quản lý tập trung tại Bộ Công an, gồm: Đầu tư phần cứng (hệ nhận dạng sinh trắc học, máy chủ, máy trạm, thiết bị ngoại vi, thiết bị lưu trữ, thiết bị bảo mật); đầu tư phần mềm (phần mềm thương mại, phần mềm ứng dụng); dịch vụ đào tạo, triển khai thiết lập hạ tầng.

Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) là chủ chủ đầu tư dự án. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2020 - 2022 tại Bộ Công an; Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Công an các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tổng mức đầu tư của dự án là 2.696 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Trao đổi với PV Dân trí, Thiếu tướng Tô Văn Huệ - Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cho biết, sắp tới Bộ Công an sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến với công an các địa phương để triển khai dự án này.

Được biết, Bộ Công an ước tính giá thành thẻ căn cước công dân gắn chíp đắt hơn thẻ mã vạch từ 10.000 - 20.000 đồng. Tuy nhiên, việc 2 dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dự án căn cước công dân thực hiện song hành sẽ tiết kiệm nhiều cho ngân sách do dùng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật, máy chủ, đường truyền...

Gần 2.700 tỷ đồng để sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân - 2

Mẫu thẻ Căn cước công dân mã vạch hiện hành (Ảnh tư liệu: Thế Kha).

Việc cấp thẻ căn cước công dân bắt đầu được thực hiện từ năm 2016, đến nay mới triển khai được ở 16 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hoá, TPHCM, Cần Thơ, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Quảng Bình.

Cách đây không lâu, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội đã có văn bản đề nghị 16 địa phương dừng việc tuyên truyền cấp đổi Chứng minh nhân dân sang Căn cước công dân để chờ triển khai cấp thẻ Căn cước công dân có gắn chip (dự kiến bắt đầu từ tháng 11/2020).

Khi dự án được thông qua, các tỉnh, thành trên toàn quốc sẽ cấp thẻ gắn chíp điện tử đồng bộ và đến tháng 7/2021 cả nước sẽ cấp khoảng 50 triệu thẻ.