1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Bộ Công an: “Nếu thuận lợi sẽ cấp Căn cước công dân gắn chíp từ 1/11/2020”

Thế Kha

(Dân trí) - Theo Thiếu tướng Tô Văn Huệ - Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an), nếu được Chính phủ chấp thuận, Bộ Công an sẽ cấp Căn cước công dân gắn chíp từ 1/11/2020.

Trao đổi với PV Dân trí, Thiếu tướng Tô Văn Huệ cho biết, theo Luật Căn cước công dân thì từ ngày 1/1/2020 phải triển khai cấp căn cước cho công dân đến tuổi trên cả nước.

Do nhiều nguyên nhân, chủ yếu khó khăn về nguồn vốn khiến việc triển khai cấp căn cước trên cả nước gặp khó khăn. Đến nay Bộ Công an mới chỉ thực hiện được ở 16 địa phương gồm: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hoá, TPHCM, Cần Thơ, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Quảng Bình.

“Vừa qua, Bộ Công an có chỉ đạo đẩy nhanh xây dựng dự án Căn cước công dân. Mong muốn của Bộ Công an là dự án cấp Căn cước công dân tiến hành song trùng với dự án Cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia về dân cư.

Mục tiêu tới ngày 1/7/2021 sẽ cấp được 50 triệu Căn cước công dân cho người đến tuổi. Chủ trương như vậy. Dự án hiện nay đang báo cáo Chính phủ xin chủ trương. Nếu được Chính phủ phê duyệt thì Bộ Công an sẽ xây dựng dự án khả thi và triển khai thực hiện”- Thiếu tướng Tô Văn Huệ nói.

Bộ Công an: “Nếu thuận lợi sẽ cấp Căn cước công dân gắn chíp từ 1/11/2020” - 1

Lãnh đạo Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06-Bộ Công an) giới thiệu mẫu thẻ Căn cước công dân mã vạch hiện hành (Ảnh tư liệu: Thế Kha).

- Tại sao Bộ Công an lại đề xuất cấp thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử, thưa ông?

- Trước đây khi triển khai cấp Căn cước công dân theo Luật Căn cước công dân thì mặt sau thẻ có phần chứa thông tin; thẻ căn cước đang cấp hiện nay dùng mã vạch.

Tuy nhiên qua nghiên cứu và quan điểm của Chính phủ, mã vạch 2 chiều hiện nay không phát huy được lợi thế khi muốn tích hợp thêm thông tin và thực hiện Chính phủ điện tử. Vì thế Bộ Công an báo cáo triển khai cấp thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử.

Lúc triển khai cấp căn cước từ năm 2012 thì chíp điện tử còn đang đắt, công nghệ khó khăn. Hiện nay thì chíp rẻ, các doanh nghiệp ở Việt Nam sản xuất được rồi. Chíp cũng ưu thế hơn mã vạch, ngoài lưu giữ thông tin của bên công an thì có thể lưu giữ thêm thông tin cho các bộ ngành khác khi họ cần.

Hơn nữa, chíp sử dụng được rộng rãi hơn. Theo quan điểm Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông thì nó sẽ phù hợp hơn với Chính phủ điện tử.

- Việc chuẩn bị cơ sở vật chất, công nghệ kỹ thuật phục vụ cho cấp Căn cước công dân gắn chíp đã được Bộ Công an làm tới đâu rồi?

- Hiện nay Bộ Công an đang báo cáo dự án đó. Khi dự án được phê duyệt thì lúc đó về mới tiến hành triển khai.

- Dự kiến thời điểm nào sẽ bắt đầu cấp Căn cước công dân gắn chíp?

- Nếu thuận lợi, được Chính phủ phê duyệt, đáp ứng yêu cầu thì sẽ cấp Căn cước công dân gắn chíp từ ngày 1/11/2020.

-Trước mắt, Bộ Công an sẽ tiếp tục cấp Căn cước công dân gắn chíp tại 16 địa phương nêu trên hay sẽ mở rộng hơn?

- Nếu được đồng ý thì sẽ triển khai cấp trên toàn quốc luôn.

- Điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện nay có đáp ứng được không, thưa ông?

- Cái này phải chờ Chính phủ phê duyệt, có được cấp vốn hay không. Có vốn mới làm được.

- Bộ Công an có làm chủ công nghệ cấp Căn cước công dân gắn chíp?

- Bây giờ chúng tôi đang tính toán nhiều phương án. Yêu cầu của lãnh đạo Bộ Công an là tới 1/7/2021 phải thực hiện cấp được 50 triệu thẻ Căn cước công dân. Nếu thực hiện theo kiểu mua máy in rồi về tự in, tự làm, cài đặt phần mềm,… thì trong giai đoạn mà hay gọi là “chiến dịch” như thế này thì phải cần rất nhiều máy. Đến khi đã cấp đủ 50 triệu thẻ Căn cước công dân rồi, thì quay trở lại mỗi năm số lượng người dân đến tuổi 14 (đủ tuổi làm thẻ Căn cước công dân), và những người cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước chỉ khoảng 4 triệu thì sẽ lãng phí cho ngân sách nhà nước.

Phương án đang được chúng tôi báo cáo Chính phủ, có thể sẽ thuê in thẻ, không mua máy nữa. Cần bao nhiêu máy thì người ta sẽ cung cấp cho mình; sau đó tính toán giá thành in hoàn chỉnh 1 cái thẻ căn cước là bao nhiêu tiền thì mình trả cho người ta (doanh nghiệp - PV).

- Yếu tố an ninh, bảo mật sẽ được đảm bảo như thế nào?

- Đương nhiên phải đảm bảo an ninh, bảo mật rồi, Bộ Công an sẽ có những đơn vị lo trách nhiệm việc đó.

Sản xuất ra cái thẻ Căn cước công dân sẽ có quy trình cụ thể và được đơn vị chức năng thẩm định đạt chuẩn. Xu hướng của Bộ Công an là tính toán phù hợp với cả quốc tế nữa.

Bộ Công an: “Nếu thuận lợi sẽ cấp Căn cước công dân gắn chíp từ 1/11/2020” - 2

Làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân ở Hà Nội.

- Nếu cấp thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử từ ngày 1/11/2020 trên cả nước thì người dân có phải đi xin cấp đổi ngay Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân mã vạch đang sử dụng hay không?

- Không cần thiết. Người dân cứ sử dụng Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân mã vạch tới khi hết thời hạn hoặc tới độ tuổi phải cấp đổi mới (Công dân từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ Căn cước công dân và phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi).

Để tiết kiệm cho nhà nước, tránh phiền hà cho người dân, vừa qua chúng tôi đã đề nghị công an 16 địa phương trên hạn chế tuyên truyền cho người dân đổi Căn cước công dân khi chưa cần thiết.

Trong thời gian này, người dân tới làm thủ tục sẽ được cán bộ công an tuyên truyền về việc này. Nếu chưa cần thiết phải đổi ngay từ Chứng minh nhân dân sang Căn cước công dân thì hãy tạm dừng lại để chờ cấp theo mẫu mới (căn cước gắn chíp) cho đỡ tốn kém cho nhà nước, đỡ cho người dân sau này mất công đổi lại. Trường hợp người dân cần thiết thì vẫn được cấp căn cước như bình thường.

- Xin cảm ơn ông!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm