DMagazine

Dòng cuối khác lạ trong cuốn hồi ký còn dang dở

(Dân trí) - 50 năm đất nước thống nhất, nhưng với người mẹ mất con, người em mất anh, nỗi đau còn đó. Với những người từng đi qua năm tháng khốc liệt nhất, họ hiểu rõ giá trị của hòa bình.

Dòng cuối khác lạ trong cuốn hồi ký còn dang dở - 1
Dòng cuối khác lạ trong cuốn hồi ký còn dang dở - 3

Tại Khu Di tích chứng tích tội ác chiến tranh Trường cấp III Lý Tự Trọng, những kỷ vật, tài liệu về 16 học sinh tử nạn và liệt sỹ được lưu giữ cẩn thận trong tủ kính nhà tưởng niệm.

Sau hàng chục năm, cuốn hồi ký tâm tư chiến sỹ của liệt sỹ Trần Huy Hiệp đã bạc màu, nhưng những dòng chữ tâm sự khi có màu đỏ tươi, khi lại xanh dịu lột tả nhiều nỗi niềm của người lính nơi chiến trận.

Liệt sỹ Trần Huy Hiệp (SN 1949, quê xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh), anh là cựu học sinh lớp 9C-10C, khóa 1966-1969 của Trường cấp III Lý Tự Trọng.

"Nghĩ gì viết vậy", bốn dòng chữ được liệt sỹ viết bằng mực đỏ trên trang giấy trắng, dù bên ngoài vết mực nhòe, loang lổ nhưng vẫn giữ được vẻ chân thật, xúc động. Trong những trang hồi ký, anh gọi mẹ là má, cha là ba với lời viết đầy ngọt ngào, cảm xúc. 

Anh rời gia đình, lên đường tham gia chiến trận vào buổi chiều giáp Tết cuối năm 1970 trong tiết trời se lạnh có nắng ngọt. Giây phút chia tay lên đường nhập ngũ, gặp ba má, trái tim anh thổn thức nhưng miệng không thể thốt ra lời nào.

Dòng cuối khác lạ trong cuốn hồi ký còn dang dở - 5

Để rồi khi chiếc xe từ từ chuyển bánh, anh chỉ biết mở đôi mắt thật to như muốn níu giữ khuôn hình của ba má tựa vào vai nhau khuất dần sau lũy tre làng.

"Ba bắt tay con, còn má khóc nhưng vẫn nấc nghẹn "con đi nhé". Ba hỏi con, chắc còn lâu mới gặp nhau nhỉ. Con trả lời ba cứ tin ta còn gặp nhau. Thế rồi, con vào chiến trường, nhìn lại đằng sau thấy ba má dựa vào nhau, 4 con mắt như dán chặt vào chiếc xe đang chở con…", lời tâm sự của liệt sỹ Hiệp.

Đời học sinh từ từ trôi vào dĩ vãng, anh Hiệp khoác trên mình màu áo lính xông ra chiến trường, bước vào cuộc đời chiến đấu. Anh tâm sự, hành quân dọc Trường Sơn là những tháng ngày trèo đèo, lội suối, đến tối mắc võng đung đưa trên những ngọn núi đất nước Triệu Voi. Trong giờ phút nghỉ ngơi hiếm hoi giữa chiến trường, anh lại nhớ đến ba má và những người em của mình.

Trong lời thơ liệt sỹ Hiệp viết bằng nét bút màu đỏ như màu máu, màu xanh mờ nhạt mang đầy nỗi hy vọng, thể hiện tinh thần của người lính, quyết tâm đấu tranh vì Tổ quốc: 

"Má tin con, má tràn đầy quyết tâm

Đấu tranh chiến thắng góp phần

Vì dân vì Đảng, con ngại ngần chi

--------------------------------------

Xa xa phương Bắc sáng ngời

Nhớ lời má dặn suốt đời vì dân

Tuy rằng con và má không gần

Lòng con, lòng má vẫn không tách rời".

Dòng cuối khác lạ trong cuốn hồi ký còn dang dở - 7

Nhưng rồi bài thơ chưa kịp hoàn thiện, như bị cắt ngang bởi tiếng súng, tiếng bom nổ, anh chỉ kịp ghi lời cuối "Đang viết dở" bởi nét bút không còn tròn trịa.

Những lời tâm sự với tiêu đề "Má ơi" cũng được liệt sỹ gợi lại trong nỗi nhớ nhung khi đang ở nơi chiến trận phía Nam. Người lính kể má anh là người hiền lành, cần cù, siêng năng. Đối với cách mạng, đó là một bà mẹ bình thường như trăm ngàn bà mẹ Việt Nam khác, luôn có trái tim thương con hơn thương mình. Anh cũng khẳng định lý tưởng cuộc đời mình: "Đời tôi ngoài Đảng ra không có gì khác bằng má tôi cả". 

Cuốn hồi ký cũng được liệt sỹ Hiệp kể lại hình ảnh người bạn thân Trần Danh Thuật, học cùng Trường cấp III Lý Tự Trọng, cùng chí hướng vào chiến trường cống hiến cho Tổ quốc.

Ngày nhận tin người đồng đội, người bạn thân Trần Danh Thuật hy sinh, liệt sỹ Hiệp ánh mắt đỏ hoe, viết dòng thơ thương tiếc bằng hai màu bút: 

"Nhớ bạn hôm nào đã cùng ta

Theo bước cha ông quyết xông pha

Lên đường cứu nước rời nghiên bút

Tạm gác tình riêng gác chuyện nhà

Thuật ngã xuống vào ngày 23

Đến phút cuối cùng vẫn xông pha

Hy sinh dũng cảm, lòng trong trắng".

Cuối cuốn hồi ký, người lính viết hơn nửa trang giấy kể về những chiến thắng hào hùng, song nét chữ cuối bỗng trở nên khác lạ, khi đó không còn là lời của người lính Trần Huy Hiệp nữa. Dòng chữ "Người viết đã hy sinh năm 1972" như lời tiễn biệt, đánh dấu sự hy sinh anh dũng của liệt sỹ Hiệp. 

Dù cuốn hồi ký ấy không thể kết thúc bằng chuyện kể về ngày giải phóng, đất nước hòa bình nhưng ở đó chứa đựng một phần tâm hồn, một phần lịch sử và sự hy sinh vô giá của người lính trong thời chiến.

Dòng cuối khác lạ trong cuốn hồi ký còn dang dở - 9
Dòng cuối khác lạ trong cuốn hồi ký còn dang dở - 11

Khu Di tích chứng tích tội ác chiến tranh Trường cấp III Lý Tự Trọng nay đã trở thành "địa chỉ đỏ", thể hiện tinh thần yêu nước của tuổi trẻ. Mảnh đất bị bom Mỹ cày xé dần được xoa dịu bằng những hàng cây xanh, vươn mình hồi sinh.

Tại đây, hố bom, bia tưởng niệm là những dấu tích của chiến tranh vẫn được gìn giữ như một phần của lịch sử. Năm nay 89 tuổi, thầy Phạm Xuân Ký, nguyên Bí thư Đoàn trường, Chủ nhiệm lớp 9A hồi đó của Trường cấp III Lý Tự Trọng, vẫn minh mẫn, đôi mắt tinh tường như chứa đựng cả một thời kỳ lịch sử.

Với thầy giáo Ký, những ký ức về thời điểm nhà trường bị ném bom như một vết sẹo không thể phai mờ. "Chứng kiến 16 học sinh của mình tử nạn, ai cũng thương cảm nhưng phải bình tĩnh, chủ động ghi lại tên từng em, hỗ trợ gia đình lo an táng. Ngày đó gian khổ, thầy trò đi bộ đến trường, mang cơm, khoai sắn ăn trưa để buổi chiều lại tiếp tục học. Nhưng chiến tranh quá ác liệt, mẹ mất con, anh mất em nhiều lắm", thầy Ký trải lòng.

Dòng cuối khác lạ trong cuốn hồi ký còn dang dở - 13

Điều khiến thầy giáo Ký nhớ nhất là tinh thần chiến đấu của những cô cậu học trò năm đó khi nhiều chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi gác bút xung phong lên đường nhập ngũ.

Theo thầy Ký, nhìn từng lớp học thưa dần, bàn ghế trống vắng, người vào chiến trận không hẹn trở về. Ai cũng nóng lòng, lúc đó như mệnh lệnh trái tim, dù còn ngồi trên ghế nhà trường nhưng tinh thần cống hiến vì Tổ quốc luôn sẵn sàng.

"Chiến tranh khiến 16 học sinh tử nạn, nhiều bạn cũng gác lại việc học vào chiến trường và mãi chẳng trở lại. Trong sự mất mát lớn lao đó, vẫn có những cô cậu học trò may mắn sống sót. Các em không chỉ đứng dậy từ khó khăn mà còn vươn lên, trở thành những giáo sư, tiến sỹ, người lãnh đạo cống hiến cho quê hương, đất nước bằng trí tuệ và tâm huyết. Trong đó có anh Lê Văn Chất - cố Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, là Lớp trưởng, Bí thư Chi đoàn lớp 9A", thầy Ký chia sẻ.

Hàng chục năm qua, mỗi dịp 19/8 (ngày giỗ của 16 học sinh tử nạn), các giáo viên, học trò cũ Trường cấp III Lý Tự Trọng lại về khu chứng tích tội ác chiến tranh để tưởng niệm 16 bạn học.

Dòng cuối khác lạ trong cuốn hồi ký còn dang dở - 15

Điều đặc biệt, để có được khuôn viên khu chứng tích khang trang như hiện nay, vào năm 2022, thầy Ký đã làm thư ngỏ kêu gọi các thế hệ học sinh đóng góp, xây dựng nhà tưởng niệm. Số tiền được huy động từ người thân, bạn bè để làm công trình ý nghĩa này là hơn 1 tỷ đồng.

Hướng tới kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), những ngày đầu tháng 4, nhiều cựu học sinh đã đến khu chứng tích để tưởng niệm 16 bạn tử nạn và thắp hương tri ân 130 liệt sỹ là cựu giáo viên, học sinh của nhà trường hy sinh trong kháng chiến.

Đạp xe hơn 6km, ông Nguyễn Văn Xuân (77 tuổi, trú tại xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc) đến nơi đây trong bộ quần áo ướt sũng, đôi mắt đỏ hoe khi đứng trước bàn thờ của 16 người bạn.

"Mấy đêm nay, lòng tôi nao nao, khó ngủ nên đạp xe đến để thắp hương cho các bạn. Tôi có người bạn cùng quê mất trong vụ ném bom này và 5 người bạn lên đường nhập ngũ cũng đã hy sinh. Vì thế, hầu như các dịp kỷ niệm hay lễ Tết, tôi đều đến để thắp hương", ông Xuân tâm sự.

Trải qua những mất mát, đau thương và chứng kiến sự chuyển mình của đất nước, Thầy thuốc nhân dân Lê Hồng Phúc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dược Hà Tĩnh, cảm nhận rõ giá trị hòa bình, giá trị của đất nước không còn tiếng bom đạn.

Dòng cuối khác lạ trong cuốn hồi ký còn dang dở - 17

Người cựu học sinh Trường cấp III Lý Tự Trọng chia sẻ, trường được thành lập trong chiến tranh, 16 bạn lớp 9A bị bom ném tử nạn dù không phải là sự cống hiến hy sinh cho Tổ quốc. Nhưng theo ông, nơi đây là chứng tích nêu bật giá trị, khát vọng của hòa bình.

Và cũng chính từ ngôi trường này, sau sự kiện bị máy bay Mỹ ném bom, đã thể hiện tinh thần cống hiến cho Tổ quốc khi nhiều học trò gác bút nghiên, viết "huyết thư" lên đường ra chiến trận.

"Chiến tranh lùi xa, hòa bình đã lập lại 50 năm, song còn đó những nỗi đau mất người thân. Nếu đất nước không có chiến tranh, sẽ không có những sự mất mát, chia ly đau đớn. Bởi vậy, mỗi chứng tích chiến tranh, mỗi sự kiện lịch sử đi qua đều là những minh chứng cho giá trị của hòa bình. Có được cuộc sống hôm nay, dân tộc Việt Nam đã đánh đổi biết bao nhiêu xương máu của cha anh, chúng ta phải trân trọng điều đó", ông Lê Hồng Phúc nói.

Nội dung: Dương Nguyên

Thiết kế: Thủy Tiên