Diễn biến mới vụ kiện Trường ĐH Kinh tế quốc dân đòi bồi thường 36 tỷ đồng
(Dân trí) - Tòa án đề nghị ông Dương Thế Hảo (65 tuổi, Hà Nội) bổ sung văn bản nêu ý kiến kèm theo tài liệu, chứng cứ để giải quyết vụ kiện đòi Trường Đại học Kinh tế quốc dân bồi thường trên 36 tỷ đồng.
Thẩm phán Phan Thanh Hà, TAND quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), vừa đề nghị ông Dương Thế Hảo (trú tại phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, Hà Nội) gửi văn bản nêu ý kiến của mình kèm theo các tài liệu, chứng cứ khác (nếu có) làm căn cứ giải quyết vụ kiện đòi Trường Đại học Kinh tế quốc dân (vừa đổi tên thành Đại học Kinh tế quốc dân) bồi thường trên 36 tỷ đồng.
Theo tòa án, Trường Đại học Kinh tế quốc dân có người đại diện pháp luật là ông Phạm Hồng Chương, hiệu trưởng. Nhà trường đã ủy quyền cho 2 luật sư làm người đại diện tham gia vụ kiện.
Ngày 11/10, TAND quận Hai Bà Trưng đã thụ lý vụ án dân sự "Yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng" theo đơn khởi kiện của ông Dương Thế Hảo.
Sau khi thụ lý, TAND quận Hai Bà Trưng đã gửi thông báo nhưng đến nay chưa nhận được văn bản, tài liệu, chứng cứ liên quan từ phía ông Hảo.
Trong thời hạn 15 ngày, tòa yêu cầu ông Hảo phải hoàn tất thủ tục nêu trên để có căn cứu giải quyết vụ việc theo quy định pháp luật.
Được biết, thời gian qua ông Dương Thế Hảo gặp một số vấn đề về sức khỏe và phải thường xuyên vào bệnh viện khám chữa.
Thông tin với phóng viên Dân trí chiều 18/11, ông Hảo nói sẽ sớm hoàn tất thủ tục theo yêu cầu của tòa.
Người đàn ông 65 tuổi này vốn là sinh viên Khoa Kinh tế công nghiệp K26-27 hệ chính quy của Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Từ năm 1989, sau khi hoàn thành khóa học, ông không nhận được bằng tốt nghiệp và nhiều giấy tờ tùy thân quan trọng.
Rất nhiều năm sau, khi ông Hảo khởi kiện ra tòa thì nhà trường mới trả ông bằng cử nhân kèm theo giấy tờ cá nhân.
Theo ông Hảo, việc nhà trường giữ bằng đại học suốt 30 năm và nhiều giấy tờ tùy thân quan trọng khác của ông đã gây ra hàng loạt hậu quả, thiệt hại cho cá nhân ông và gia đình.
Số tiền trên 36 tỷ đồng được ông Hảo tổng hợp từ thiệt hại do mất thu nhập từ lương; tổn thất tinh thần, uy tín, danh dự; mất cơ hội học tập; không được hưởng thụ các chính sách, ưu đãi cho cựu quân nhân; chi phí đòi các hồ sơ giấy tờ, thuê luật sư, hàn gắn hôn nhân, tổn thất hạnh phúc gia đình…