1. Dòng sự kiện:
  2. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
  3. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Chuyên gia pháp lý nói về vụ kiện đòi 36 tỷ đồng vì bị giữ bằng ĐH 30 năm

Thế Kha

(Dân trí) - Chuyên gia luật đánh giá vụ việc ông Dương Thế Hảo (65 tuổi, Hà Nội) khởi kiện đòi Trường ĐH Kinh tế quốc dân bồi thường trên 36 tỷ đồng vì giữ bằng cử nhân và giấy tờ cá nhân 30 năm rất hi hữu.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TPHCM đánh giá vụ việc ông Dương Thế Hảo (65 tuổi, Hà Nội) khởi kiện, yêu cầu Trường ĐH Kinh tế quốc dân bồi thường trên 36 tỷ đồng do giữ bằng cử nhân và nhiều giấy tờ cá nhân suốt 30 năm đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

"Muốn được bồi thường, ông Hảo phải chứng minh được các lỗi do trường đại học gây ra cho mình đã gây ảnh hưởng, thiệt hại cụ thể ra sao trong suốt thời gian đó. Ngược lại, nhà trường cũng sẽ tìm mọi cách để né tránh trách nhiệm nhằm không phải bồi thường số tiền lớn", luật sư Hậu nêu quan điểm.

Chuyên gia pháp lý nói về vụ kiện đòi 36 tỷ đồng vì bị giữ bằng ĐH 30 năm - 1

Ông Dương Thế Hảo trong một lần trao đổi với phóng viên Dân trí (Ảnh: Thế Kha).

Việc ông Hảo khởi kiện ra tòa, theo luật sư Hậu, rất văn minh. Tòa án sẽ làm rõ về quy trình đào tạo, lưu giữ hồ sơ, tổ chức cấp bằng cử nhân của nhà trường; từ đó xác định lỗi thuộc về ai, do những cán bộ nào phụ trách và thuộc giai đoạn nào.

"Nếu Trường Đại học Kinh tế quốc dân thua kiện thì cơ quan chức năng sẽ phải làm rõ trách nhiệm để xảy ra việc đó thuộc về những ai và tại sao lại để xảy ra việc khó tin như vậy?", luật sư Hậu đặt vấn đề.

Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội) khẳng định Trường Đại học Kinh tế quốc dân có thể phải bồi thường thiệt hại cho cựu sinh viên Dương Thế Hảo nếu ông Hảo có căn cứ chứng minh cơ sở giáo dục này đã có lỗi và gây thiệt hại.

"Đây là vụ án hi hữu, hiếm gặp bởi cả thông tin trường giữ bằng cử nhân 30 năm và số tiền yêu cầu bồi thường thiệt hại rất lớn. Việc tòa án thụ lý để giải quyết một vụ kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại không khó, nhưng quan trọng nhất là nghĩa vụ cung cấp chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình", ông Cường phân tích.

Chuyên gia pháp lý nói về vụ kiện đòi 36 tỷ đồng vì bị giữ bằng ĐH 30 năm - 2

Trường Đại học Kinh tế quốc dân ở Hà Nội đang phải đối diện với một vụ kiện đòi bồi thường số tiền rất lớn (Ảnh: NEU).

Theo luật sư Đặng Văn Cường, ông Hảo muốn thắng kiện không chỉ phải chứng minh mức độ thiệt hại thực tế đã xảy ra, mà còn phải chứng minh thiệt hại đó có nguyên nhân trực tiếp từ việc chậm trả bằng tốt nghiệp và thiệt hại đó là tất yếu.

"Phải chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và nguyên nhân từ việc chậm nhận được bằng tốt nghiệp. Một điều quyết định đến thắng - thua nữa là ông Hảo và luật sư của mình phải chứng minh bị đơn - Trường ĐH Kinh tế quốc dân - có lỗi gây ra thiệt hại đó", Tiến sĩ Cường nêu tình huống pháp lý.

Quá trình giải quyết vụ án, tòa sẽ yêu cầu các đương sự cung cấp tài liệu chứng cứ. Trong trường hợp cần thiết, tòa án sẽ xác minh, thu thập chứng cứ để làm rõ quy trình đào tạo của cơ sở giáo dục này được thực hiện như thế nào, nguyên đơn được công nhận tốt nghiệp từ thời điểm nào, tại sao nguyên đơn không nhận bằng tốt nghiệp (nếu có)?.

Trước khi khởi kiện thì nguyên đơn đã yêu cầu nhà trường trao bằng tốt nghiệp hay chưa và lý do gì mà đến năm 2019 nguyên đơn mới nhận được bằng tốt nghiệp ĐH?

"Nếu kết quả tranh tụng tại phiên tòa tới đây mà nguyên đơn chứng minh được Trường ĐH Kinh tế quốc dân (bị đơn) đã có lỗi và gây ra thiệt hại cho bản thân mình thì tòa án sẽ chấp nhận yêu cầu khởi kiện. Tuy nhiên, mức độ thiệt hại ra sao sẽ phải căn cứ vào chứng cứ.

Chuyên gia pháp lý nói về vụ kiện đòi 36 tỷ đồng vì bị giữ bằng ĐH 30 năm - 3

Năm 2017, Trường Đại học Kinh tế quốc dân khẳng định "không đủ cơ sở cấp bằng tốt nghiệp cho ông Hảo", "không còn lưu trữ hồ sơ cá nhân của ông Hảo". Đến năm 2019, trường cấp bằng cử nhân cho ông Hảo sau khi bị khởi kiện ra tòa (Ảnh: Thế Kha).

Vụ việc của ông Dương Thế Hảo được Dân trí phản ánh. Mới đây, TAND quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã thông báo thụ lý đơn khởi kiện của ông Hảo yêu cầu Trường ĐH Kinh tế quốc dân bồi thường trên 36 tỷ đồng.

Số tiền này được ông Hảo tổng hợp từ thiệt hại do mất thu nhập từ lương; tổn thất tinh thần, uy tín, danh dự; mất cơ hội học tập; không được hưởng thụ các chính sách, ưu đãi cho cựu quân nhân; chi phí đòi các hồ sơ giấy tờ, thuê luật sư, hàn gắn hôn nhân, tổn thất hạnh phúc gia đình…

Ông Hảo vốn là sinh viên Khoa Kinh tế công nghiệp K26-27 hệ chính quy của Trường ĐH Kinh tế quốc dân. Từ năm 1989, sau khi hoàn thành khóa học, ông không nhận được bằng tốt nghiệp và nhiều giấy tờ tùy thân quan trọng.

Đến tận năm 2019, ông Hảo mới được trường trả bằng tốt nghiệp kèm theo giấy tờ cá nhân. Ông khẳng định những việc làm đó của nhà trường đã gây ra hàng loạt hậu quả, thiệt hại cho cá nhân ông và gia đình trong thời gian rất dài.

TAND quận Hai Bà Trưng đã gửi thông báo, yêu cầu Trường ĐH Kinh tế quốc dân có văn bản nêu ý kiến của mình đối với yêu cầu khởi kiện của ông Dương Thế Hảo. Tuy nhiên đến nay tòa chưa ấn định thời gian đưa vụ việc ra xét xử.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm