Chính phủ quyết định chuyển Trường Kinh tế Quốc dân thành đại học

Mỹ Hà

(Dân trí) - Ngày 15/11, Chính phủ có quyết định chuyển Trường Kinh tế Quốc dân thành đại học. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân trở thành đại học thứ 9 của Việt Nam.

Đại học Kinh tế quốc dân là cơ sở giáo dục công lập thuộc Bộ GD&ĐT, có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng.

Chính phủ cũng yêu cầu Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức lại cơ cấu tổ chức và hoạt động theo Luật Giáo dục đại học và các quy định liên quan.

Trong quá trình đó, trường phải bảo đảm quyền, lợi ích của các bên, hoạt động bình thường, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí tài chính, tài sản.

Hội đồng trường, Hiệu trưởng tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tới khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận hội đồng đại học và giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân.

Chính phủ quyết định chuyển Trường Kinh tế Quốc dân thành đại học - 1

Trường ĐH Kinh tế Quốc dân vừa được chuyển thành đại học (Ảnh: NEU).

Cả nước hiện có 9 đại học, gồm: Quốc gia Hà Nội, Quốc gia TP HCM, Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng, Bách khoa Hà Nội, Kinh tế TP HCM, Duy Tân, Kinh tế Quốc dân. Trừ Duy Tân là đại học tư thục, còn lại là cơ sở công lập.

Trước đó, đầu năm 2024, Đại học Kinh tế Quốc dân đã thành lập ba trường trực thuộc là Kinh tế và Quản lý công, Kinh doanh và Công nghệ.

Đây là bước đầu tiên để nhà trường tái cấu trúc và dự kiến trở thành Đại học Kinh tế Quốc dân, phấn đấu trở thành một đại học thông minh, đại học số.

Lãnh đạo nhà trường mong muốn, đây không chỉ là tên gọi "đại học" mà phấn đấu sẽ trở thành đại học thông minh, đại học số, đem đến cho người học môi trường học tập và trải nghiệm tốt.

Nhà trường thực hiện mô hình tổ chức 3 cấp, dưới Đại học Kinh tế Quốc dân có 3 trường thành viên, trong các trường có các khoa. Một số bộ môn truyền thống trước đây sẽ không còn, bên cạnh đó dự kiến sẽ có những ngành học hoàn toàn mới. Sinh viên 3 trường thành viên khi tốt nghiệp, chỉ có một cơ sở duy nhất cấp bằng, đó là Đại học Kinh tế Quốc dân.

Về quy mô sinh viên khi chuyển đổi từ "trường đại học" thành "đại học", phương hướng chiến lược của nhà trường không tăng mạnh quy mô mà tập trung vào đầu tư chiều sâu, để làm sao quy mô sinh viên tương đối ổn định. Tuy nhiên, nhà trường có thể tăng một chút quy mô ở nhóm sinh viên các ngành công nghệ.

Trường Kinh tế quốc dân hiện có khoảng 25.000 sinh viên chính quy, hơn 1.200 cán bộ, giảng viên. Số ngành đào tạo bậc đại học là 60, 28 ngành đào tạo tiến sĩ. Trong chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030, trường đặt mục tiêu thuộc nhóm 5 đại học hàng đầu Việt Nam.