1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Tòa thụ lý vụ đòi trường ĐH bồi thường hơn 36 tỷ đồng vì bị giữ bằng 30 năm

Thế Kha

(Dân trí) - TAND quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) chính thức thụ lý vụ việc ông Dương Thế Hảo, 65 tuổi, khởi kiện Trường ĐH Kinh tế quốc dân đòi bồi thường thiệt hại trên 36 tỷ đồng vì giữ bằng cử nhân của mình 30 năm.

TAND quận Hai Bà Trưng vừa ra thông báo thụ lý vụ án dân sự yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, theo đơn khởi kiện của ông Dương Thế Hảo (SN 1959, trú tại phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Người bị kiện là Trường ĐH Kinh tế quốc dân - đại diện theo pháp luật là ông Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng nhà trường.

Tòa thụ lý vụ đòi trường ĐH bồi thường hơn 36 tỷ đồng vì bị giữ bằng 30 năm - 1

Ông Dương Thế Hảo (Ảnh: Thế Kha).

Tòa án cho biết, ông Dương Thế Hảo nguyên là sinh viên Khoa Kinh tế công nghiệp K26-27 hệ chính quy của Trường ĐH Kinh tế quốc dân.

Năm 1989, ông Hảo hoàn thành thi tốt nghiệp với tất cả các môn. Sau khi hoàn thành khóa học, từ năm 1989 ông Hảo không nhận được bằng tốt nghiệp và nhiều giấy tờ tùy thân quan trọng. Chỉ tới khi ông có đơn khởi kiện ra tòa thì nhà trường mới trả bằng tốt nghiệp kèm theo hồ sơ, giấy tờ cá nhân cho ông.

Việc làm đó của Trường Đại học Kinh tế quốc dân đã gây ra hàng loạt hậu quả, thiệt hại cho cá nhân ông Dương Thế Hảo và gia đình trong thời gian dài.

Trong đơn khởi kiện gửi tới tòa án, ông Hảo liệt kê chi tiết các khoản tiền yêu cầu nhà trường phải bồi thường gồm: Mất thu nhập từ lương 4,5 tỷ đồng; mất thu nhập ngoài lương 1,5 tỷ đồng; gây tổn thất tinh thần, uy tín, danh dự 2,5 tỷ đồng; mất cơ hội tiếp tục học tập, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ 3,6 tỷ đồng; mất cơ hội hưởng thụ các chính sách, ưu đãi cho cựu quân nhân 2,7 tỷ đồng; mất quyền sở hữu và định đoạt các tài sản thiết yếu 7,5 tỷ đồng.

Ông Hảo yêu cầu Trường ĐH Kinh tế quốc dân bồi thường tổn thất từ việc giữ bằng ĐH và hồ sơ cá nhân khiến ông mất quyền tham gia thành lập và sở hữu doanh nghiệp, quản lý điều hành doanh nghiệp số tiền 5,4 tỷ đồng.

Người đàn ông 65 tuổi cũng yêu cầu trường này bồi thường chi phí khai sinh, xin học cho các con; chi phí đòi các hồ sơ giấy tờ, thuê luật sư, chi phí hàn gắn hôn nhân, tổn thất về hạnh phúc gia đình,…

"Tổng thiệt hại mà ông Hảo yêu cầu Trường Đại học Kinh tế quốc dân phải bồi thường là 36,696 tỷ đồng. Vụ án được thụ lý theo thủ tục thông thường", TAND quận Hai Bà Trưng thông tin.

Tòa thụ lý vụ đòi trường ĐH bồi thường hơn 36 tỷ đồng vì bị giữ bằng 30 năm - 2

Năm 2017, Trường Đại học Kinh tế quốc dân khẳng định "không đủ cơ sở cấp bằng tốt nghiệp cho ông Hảo", "không còn lưu trữ hồ sơ cá nhân của ông Hảo". Đến năm 2019, trường cấp bằng cử nhân cho ông Hảo sau khi bị khởi kiện ra tòa (Ảnh: Thế Kha).

Kèm theo đơn khởi kiện, ông Dương Thế Hảo đã nộp cho tòa án các giấy tờ liên quan để chứng minh, làm cơ sở giải quyết vụ việc.

TAND quận Hai Bà Trưng đã gửi thông báo, yêu cầu Trường ĐH Kinh tế quốc dân có văn bản nêu ý kiến của mình đối với yêu cầu của ông Dương Thế Hảo và các tài liệu, chứng cứ kèm theo (nếu có).

Câu chuyện của ông Dương Thế Hảo được báo Dân trí phản ánh trong thời gian dài, thu hút sự quan tâm của dư luận.

"Những năm đầu 1990, tôi được nhận làm Phó giám đốc, rồi Giám đốc Xí nghiệp kỹ nghệ đồ gỗ xuất khẩu Hòa Bình nhưng đến năm 1993 không lấy được bằng đại học nên buộc phải bàn giao vị trí đó cho người khác. Sau đó, tôi đã phải đi làm tất cả mọi việc có thể để trụ lại Hà Nội", ông Hảo kể với phóng viên Dân trí.

Tòa thụ lý vụ đòi trường ĐH bồi thường hơn 36 tỷ đồng vì bị giữ bằng 30 năm - 3

Trường Đại học Kinh tế quốc dân ở Hà Nội (Ảnh: NEU).

"Tôi lấy vợ năm 1991 và có con đầu lòng luôn năm đó, nhưng do không có hộ khẩu, hồ sơ cá nhân bị trường giữ nên chúng tôi không thể đăng ký kết hôn. Con tôi phải đưa về quê để khai sinh. Đứa con thứ hai năm 1998 cũng phải đưa về quê vợ tôi ở Thái Bình để đăng ký khai sinh. Vì khoảng cách địa lý, tôi ở Hà Nội, vợ con ở Thái Bình nên cuối cùng hôn nhân không tồn tại được", ông Hảo kể tiếp.

Ông Hảo nói không thể nhớ chính xác số lần tới trường đòi bằng vì quá nhiều. Sự việc trải qua "nhiều đời hiệu trưởng", qua nhiều trưởng và phó phòng đào tạo nhưng không ai giải quyết dứt điểm vụ việc của ông.