1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Dịch vụ taxi “lạ”: Giá rẻ nhưng nhiều rủi ro!

(Dân trí) - Chủ tịch Hiệp hội taxi TPHCM thẳng thắn: “Chúng tôi không tẩy chay hoạt động xe Uber nhưng phải công bằng. Hiệp hội sẵn sàng đón nhận Uber để có thể cạnh tranh lành mạnh với điều kiện đơn vị này phải tuân thủ pháp luật nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng”.

Dịch vụ taxi “lạ” có tên Uber (phần mềm ứng dụng trên điện thoại smartphone) xuất hiện ở TPHCM khoảng 5 tháng nay và có xu hướng hoạt động ngày càng mạnh bởi giá cước rẻ, đang gây bức xúc cho các hãng taxi truyền thống và cả sự lúng túng cho cơ quản quản lý nhà nước. Trong khi đó, dù có phần hài lòng với dịch vụ mới lạ này nhưng hành khách vẫn còn khá mơ hồ về tính pháp lý của xe Uber.

Ý tưởng kinh doanh tốt thì cần tạo điều kiện

Dịch vụ taxi “lạ”: Giá rẻ nhưng nhiều rủi ro!
Luật sư Nguyễn Đức Chánh: “Uber muốn hoạt động và phát triển tại Việt Nam thì cần phải đăng ký tại Việt Nam như là dịch vụ hỗ trợ vận tải “

Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng, việc Uber hoạt động kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam nhưng không đăng ký kinh doanh là trái pháp luật Việt Nam. Mặt khác từ hành vi kinh doanh trái phép này có thể dẫn tới hành vi trốn thuế với khoản tiền mà Uber thu của hành khách 20% hoa hồng. Còn người chủ xe thu được 80% lợi nhuận được hưởng mà không khai báo thuế thu nhập cá nhân là vi phạm pháp luật về thuế.

Theo Luật sư Chánh, hiện Uber chưa đăng ký hoạt động kinh doanh tại Việt Nam và các chủ xe tham gia “liên kết” với Uber cũng không đăng ký kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô. Như vậy, nếu trong quá trình vận chuyển xảy ra tranh chấp với khách hàng về tiền cước, mất mát tư trang, hành lý hay vấn đề an ninh… thì hành khách khó bảo vệ quyền lợi cho mình. Điều này cũng gây khó khăn cho cơ quan chức năng giải quyết, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Nếu Uber vẫn tiếp tục kinh doanh như hiện nay thì không công bằng cho các hãng taxi truyền thống. Vì họ không phải chịu bất cứ chi phí nào về văn phòng, nhân sự, bến bãi và đặc biệt là nghĩa vụ thuế với nhà nước. Họ không chịu sự rủi ro nào xuất phát từ hoạt động kinh doanh của mình. Điều này tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh và đẩy toàn bộ cho chủ xe cũng như người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, Luật sư Chánh cũng cho rằng Uber có ý tưởng kinh doanh tốt, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng nên chúng ta cần tạo ra hành lang pháp lý cho nó hoạt động thay vì tìm cách ngăn cản nó. Uber muốn hoạt động và phát triển tại Việt Nam thì cần phải đăng ký tại Việt Nam như là dịch vụ hỗ trợ vận tải và các chủ xe phải đăng ký hoạt động kinh doanh vận tải theo quy định pháp luật. Chỉ có như vậy, nhà nước mới quản lý được loại hình kinh doanh này, mới có thể thu thuế và các nghĩa vụ khác. Đồng thời, khi xảy ra tranh chấp giữa người tiêu dùng với các đơn vị cung cấp dịch vụ, các cơ quan chức năng mới có thể can thiệp, bảo vệ quyền lợi tốt cho các bên.

Cuộc chơi cần công bằng

Dịch vụ taxi “lạ”: Giá rẻ nhưng nhiều rủi ro!
Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội taxi TPHCM cho rằng cần tuân thủ pháp luật Việt Nam để cạnh tranh công bằng

Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội taxi TPHCM nhấn mạnh hoạt động của Uber, nếu nhìn kỹ vấn đề thì ở đây không chỉ dừng lại ở “kết nối” giữa người cần sử dụng xe và chủ sở hữu, điều hành việc kết nối thông qua phương tiện truyền thông và điện thoại smartphone, mà Uber điều hành cả một quy trình. Từ khâu tiếp nhận khách, yêu cầu khách, nắm thông tin khách, trao đổi thông tin khách cho lái xe, rồi còn quyết định giá cước, giám sát hành trình, thu tiền rồi phân chia theo tỷ lệ giữa hai bên… Thậm chí còn đưa ra yêu cầu được phạt lái xe, rồi có giá mở cửa. Như thế là Uber điều hành trọn một hành trình đưa đón khách chứ không phải là môi giới.

Đại diện Hiệp hội taxi TPHCM nêu rõ quan điểm là sẵn sàng đón nhận cái mới chứ không hẹp hòi, tẩy chay. Nhưng với điều kiện là Uber phải tuân thủ đúng pháp luật Việt Nam để có sự cạnh tranh công bằng chứ không thể đứng từ xa lấy tiền hoa hồng, trong khi rủi ro thì phía người tiêu dùng và cả chủ xe ở Việt Nam phải lãnh đủ.

Hiện hội taxi TP đã có văn bản kiến nghị tới nhiều cơ quan chức năng, đề nghị có giải pháp quản lý, xem xét về tính pháp lý, nghĩa vụ thuế của dịch vụ xe Uber. Văn phòng Chính phủ đã có công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, giao UBND TPHCM chủ trì, phối hợp với cơ quan lên ngành xem xét giải quyết kiến nghị của Hiệp hội taxi thành phố.
 
Mới đây, Sở GTVT cũng đã có công văn kiến nghị Bộ GTVT xem xét tính pháp lý của dịch vụ taxi “lạ” này. Chủ tịch Hiệp hội taxi TP cho biết: “Hiện Bộ Công an và Công an kinh tế thành phố đã vào cuộc. Chúng tôi tin rằng Nhà nước sẽ sớm có giải pháp hợp lý để quản lý, để đưa hoạt động của Uber vào quỹ đạo điều chỉnh của pháp luật Việt Nam”.

Cân nhắc rủi ro cho người tiêu dùng

Dịch vụ taxi “lạ”: Giá rẻ nhưng nhiều rủi ro!
Hiệp hội taxi thành phố khuyến cáo người tiêu dùng sẽ gặp sẽ đối diện với nhiều rủi ro khi sử dụng dịch vụ xe Uber (ảnh chỉ mang tính minh họa)

Chủ tịch Hiệp hội taxi TPHCM nhận định rằng hoạt động xe Uber không tuân thủ pháp luật Việt Nam, huy động xe con không có chức năng vận tải hành khách để đưa đón khách, áp dụng giá cước rẻ hơn so với taxi vì không tốn khoản thuế, phí nào… Điều này sẽ dẫn đến hệ lụy là Uber thu hút lượng khách ngày càng cao. Đồng nghĩa với việc nồi cơm của hàng vạn tài xế taxi truyền thống sẽ bị ảnh hưởng.

Theo ông Hỷ, sở dĩ Uber được người dân hoan nghênh rẻ hơn taxi vì họ hiểu vấn đề theo một chiều… Nếu các hãng taxi không phải đăng ký kinh doanh, không chịu thuế phí, không chịu sự ràng buộc nào của pháp luật như hoạt động hiện nay của Uber thì các hãng taxi cũng có thể áp dụng mức cước bằng hoặc thấp hơn giá của Uber. Ông Hỷ cho rằng nếu nhà nước không có giải pháp hợp lý để quản lý và ngăn chặn thì hậu quả sẽ khó lường, người tiêu dùng sẽ đối diện với nhiều rủi ro.

Lý giải về việc Hiệp hội taxi TP phản đối hoạt động của Uber, ngoài lý do pháp lý thì theo ông Hỷ có 2 nguyên do khác. Thứ nhất, Uber khuyến khích, lôi kéo rất nhiều chủ xe, lái xe tham gia chở khách bất hợp pháp. Đây là hình thức "xe dù" cao cấp. Thứ hai, là quyền lợi người tiêu dùng không có gì bảo đảm cả, về bảo hiểm, sức khỏe,…  Chưa tính tới việc nguồn thuế nhà nước không thu được.

Quốc Anh

Dòng sự kiện: "Taxi" Uber