1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Đi tìm nguyên nhân vì sao sạt lở ở thủy điện Rào Trăng 3?

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Theo PGS.TS Vũ Thanh Ca, Khoa Môi trường của trường Đại học Tài nguyên và Môi trường, sạt lở ở thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế) có thể một phần do bạt núi để san gạt mặt bằng làm nhà cửa.

Tại cuộc trao đổi chuyên đề "Thủy điện nhỏ và vấn đề lũ lụt", diễn ra tại Hà Nội vào sáng nay (30/10), PGS.TS Vũ Thanh Ca, Khoa Môi trường của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường cho biết, sạt lở ở thủy điện Rào Trăng 3 (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) vừa qua có thể có một phần do hoạt động bạt núi để san gạt mặt bằng làm nhà cửa.

Trong bài phát biểu của mình, ông Ca đưa ra phân tích những tác động của thủy điện đối với môi trường, cụ thể: Hồ chứa thủy điện sẽ làm ngập một diện tích khá lớn rừng và các khu đất ngập nước quan trọng. Việc xả nước sang lưu vực khác có thể gây hạn hán ở các vùng ven sông hạ lưu đập.

Bên cạnh đó, việc không xả nước đủ lưu lượng (hay nói cách khác không đảm bảo dòng chảy môi trường) sẽ làm suy thoái các sinh cảnh tại sông hạ nguồn.

Đi tìm nguyên nhân vì sao sạt lở ở thủy điện Rào Trăng 3? - 1

PGS.TS Vũ Thanh Ca, Khoa Môi trường của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường.

"Đặc biệt là thủy điện sẽ làm lắng đọng một lượng rất lớn cát trong lòng hồ, lâu dần làm giảm khả năng tích nước của hồ và gây xói lở hạ lưu đập cũng như các vùng bờ biển liên quan", ông Ca nói.

Ngoài ra, thủy điện cũng ngăn trở đường di cư của nhiều loài tôm, cá, đặc biệt là nhiều loài cá quý. Do vậy, có thể gây nguy cơ rất lớn cho nguồn lợi thủy sản.

Ông Ca phân tích tiếp tác động môi trường của hồ chứa thủy điện: Cánh quạt thủy điện cũng cuốn và giết nhiều cá tôm; dòng nước lặng trong hồ cũng làm thay đổi chế đội thủy lực của sông và gây ra hiện tượng phú dưỡng nếu nguồn cung cấp dinh dưỡng lớn.

Bên cạnh đó, việc xây dựng hồ, đập thủy điện cũng làm mất một ít rừng; ngập lụt lòng hồ cũng có thể gây bất ổn về địa chất, dẫn đến sạt lở như lấy ví dụ ở thủy điện Rào Trăng 3 nói ở phía trên.

Theo quan điểm của ông Vũ Thanh Ca, diện tích rừng bị phá phục vụ vận hành nhà máy thuỷ điện nhỏ hơn rất nhiều phần rừng bị phá trong lòng hồ.

“Có chuyện phá rừng để làm đập thuỷ điện, nhưng đó là vấn đề của kiểm lâm chứ không phải vấn đề của thuỷ điện”, ông Ca nêu quan điểm.

Về giải pháp khắc phục những hạn chế trên, ông Ca cho rằng, khi xây dựng thủy điện cần phải thận trọng khi thiết kế và thi công; phải lập, thẩm định và phê duyệt một cách nghiêm túc báo cáo đánh giá tác động môi trường có kế hoạch giảm thiểu tác động môi trường của hồ, đập thủy điện để đảm bảo xem xét, giảm thiểu mọi nguy cơ tác động môi trường mà thủy điện đem lại.

"Các đập thủy điện cần thiết kế và xây dựng các "thang cá" là những bậc thang có nước chảy liên tục từ đỉnh đập tới chân đập để đảm bảo cá có thể di cư ngược dòng và vượt qua đập", ông Ca nói.

Cũng theo ông Ca, các đập thủy điện cũng cần phải được quy hoạch một cách hợp lý, tránh làm ngập các khu vực ngập nước có tầm quan trọng về môi trường, sinh thái; Cần nghiên cứu kỹ và tái định cư người dân khu vực có nguy cơ sạt lở đất và ngập lụt.

Bên cạnh những tác hại của hồ chứa thủy điện, theo ông Ca, trên thế giới, thuỷ điện được coi là một dạng năng lượng sạch, là năng lượng tái tạo, không sản sinh ra các chất thải độc hại,...

Bộ Công Thương có biết báo cáo đánh giá tác động môi trường của Rào Trăng 3?

Trước câu hỏi về việc, Bộ Công Thương có biết báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án thủy điện Rào Trăng 3 và các cảnh báo khu vực này có nguy cơ sạt trượt? ông Đỗ Đức Quân - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết: Thông tin về tai nạn vừa qua thì các công trình chính, công trình đập, nhà máy của Rào Trăng 3 là "không vấn đề gì". 

"Nôm na là nó bị trượt ở bên cạnh đường quốc lộ 71 và trên mái taluy và cách công trình đập của thủy điện Rào Trăng 3 khoảng 500m. Vấn đề ĐTM thì thuộc trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chúng tôi có thể tham gia dưới góc độ phương diện kỹ thuật của công trình. Khi bên Tài nguyên và Môi trường yêu cầu công trình phải làm thì chúng tôi sẽ yêu cầu nhà đâu tư phải làm, còn các vấn đề chuyên môn về môi trường, sinh thái... thuộc về bên môi trường", ông Quân nói.

Đối với vấn đề sạt lở đất, ông Quân cho biết, Bộ này chỉ có trách nhiệm với công trình chính, làm sao đảm bảo đập an toàn, công trình đập tràn đủ năng lực để xả khi có lũ và điều tiết được. 

Đi tìm nguyên nhân vì sao sạt lở ở thủy điện Rào Trăng 3? - 2

Ông Đỗ Đức Quân - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương).

Cũng liên quan đến thủy điện Rào Trăng 3, ban đầu dự án này có quy mô là 11MW và phải chuyển đổi hơn 12ha đất rừng. Nhưng sau đó dự án này nâng lên 13MW và chuyển đổi tới hơn 40ha đất rừng. Nếu theo tính toán của cơ quan chuyên môn Bộ Công Thương là 1,09ha/1MW, thì dự án thủy điện Rào Trăng 3 đang vượt quá tỷ lệ này.

Ông Quân giải thích: "Thủy điện Rào Trăng 3 mới đầu tổng diện tích là khoảng hơn 60.000ha, sau đó xuống còn hơn 40.000ha gồm tất cả các loại đất, trong đó có 12ha rừng. Ở đây, chuyện công suất từ 11-13MW là vấn đề kỹ thuật, thậm chí có thể lên tới 18MW cũng được, nhưng do bài toán kinh tế nên họ không làm. Tôi cho rằng đó là chuyện bình thường", ông Quân nói.

Ông Quân thông tin thêm, các dự án thủy điện có ảnh hưởng lớn đến vấn đề môi trường, vấn đề an toàn dân sinh vùng hạ du… hầu hết đã được rà soát loại bỏ khỏi quy hoạch theo các nội dung yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ về phát triển thủy điện một cách bền vững, không gây tác động tiêu cực đến môi trường - xã hội, đảm bảo hiệu quả đầu tư.

Về vấn đề giám sát thực hiện ĐTM đối với các dự án thủy điện nhỏ và vừa thực hiện như thế nào, vì thường là "tiền kiểm tốt, nhưng hậu kiểm chưa tốt". Ngoài ra, mặc dù luật đã quy định đối với các dự án thủy điện phải đảm bảo "dòng chảy tối thiểu" trong mùa khô, nhưng thực tế kiểm tra vẫn vi phạm nhiều, nhất là đối với thủy điện nhỏ và vừa.

Trả lời nội dung trên, ông Quân cho biết, cấp quyết định chủ trương đầu tư với các dự án thủy điện nhỏ là UBND tỉnh, thành phố. Giám sát trong quá trình thực hiện những dự án này đầu mối có thể là Sở Công Thương, nhưng một số tỉnh cũng có thể giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vì có chuyên môn tốt hơn về thủy lợi, hồ đập. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm