Đặt lên "bàn cân" các dự án thuỷ điện trước việc lũ chồng lũ ở Rào Trăng 3

Mai Chi

(Dân trí) - Khi miền Trung đang phải trải qua tình trạng lũ lụt nặng nề, lũ chồng lũ, vai trò của thuỷ điện lại càng được đưa lên “bàn cân” của lợi ích và đánh đổi về môi trường.

Những thông tin về vận hành thủy điện trong thời gian gần đây đang thu hút mối quan tâm của đông đảo công chúng. Đặc biệt, khi miền Trung đang phải trải qua tình trạng lũ lụt nặng nề, lũ chồng lũ, vai trò của thủy điện lại càng được đưa lên “bàn cân” của lợi ích và đánh đổi về môi trường.

Theo dữ liệu Bộ Công Thương, tính đến 2018, cả nước có 818 dự án thủy điện với tổng công suất lắp đặt 23.182 MW. Tại thời điểm đó đã đưa vào khai thác sử dụng 385 dự án thuỷ điện với tổng công suất lắp đặt 18.564 MW, đang xây dựng 143 dự án thuỷ điện với tổng công suất lắp đặt 1.848 MW và đang nghiên cứu đầu tư 290 dự án thuỷ điện với tổng công suất lắp đặt 2.770 MW.

Xét chung trong hệ thống điện quốc gia năm 2017, các dự án thuỷ điện đang vận hành chiếm tỷ trọng khoảng 40% về công suất lắp đặt và khoảng 42,87% về điện năng, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an ninh năng lượng.

Đặt lên bàn cân các dự án thuỷ điện trước việc lũ chồng lũ ở Rào Trăng 3 - 1

Hình ảnh một thuỷ điện đang xả lũ (ảnh: Báo NLĐ)

Theo Bộ Công Thương, các hồ chứa thủy điện hiện nay có tổng dung tích khoảng 56 tỷ m3, chiếm khoảng 86% tổng dung tích của các hồ chứa trong cả nước. Ngoài việc phục vụ phát điện, hồ chứa thủy điện còn được khẳng định là “góp phần quan trọng vào việc cắt/giảm/làm chậm lũ trong mùa mưa; bổ sung nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt,…, cho vùng hạ du trong mùa cạn”.

Vậy, lợi nhuận mà các chủ đầu tư thu được từ thuỷ điện ra sao?

Thực tế, trong những nằm vừa qua và nửa đầu năm 2020, bức tranh sản xuất kinh doanh của mảng thuỷ điện không thật sự “sáng” như nhiều người vẫn nghĩ.

Theo số liệu thống kê quý 2 năm nay, trong số 20 doanh nghiệp thuỷ  điện niêm yết trên thị trường chứng khoán thì có đến 12 doanh nghiệp suy giảm lợi nhuận, 6 doanh nghiệp báo lỗ và chỉ có 2 doanh nghiệp là gia tăng lợi nhuận so với cùng kỳ.

Cụ thể, có thể kể đến Công ty cổ phần Thuỷ điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (mã VSH), đơn vị quản lý Nhà máy Thuỷ điện Vĩnh Sơn và Nhà máy Thuỷ điện Sông Hinh (trụ sở tại Bình Định), trong quý 2 vừa rồi ghi nhận lỗ 2,12 tỷ đồng, doanh thu cũng giảm 50% so với cùng kỳ còn chưa tới 55 tỷ đồng.

Trước đó, trong quý 1, VSH cũng đã lỗ 1,06 tỷ đồng. Tổng lỗ 6 tháng đầu năm năm 2020 là 3,18 tỷ đồng trong khi cùng kỳ có lãi 111,67 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Đầu tư Năng lượng Trường Thịnh (mã TTE) cũng đã phải ngậm ngùi báo lỗ hợp nhất hơn 17 tỷ đồng trong quý 2 (cùng kỳ, công ty này có lãi trước thuế hợp nhất trên 5,7 tỷ đồng). Doanh thu bán điện cũng giảm tới 59% so với cùng kỳ, đạt còn 18,26 tỷ đồng.

Trong văn bản giải trình, lãnh đạo TTE cho biết nguyên nhân đến từ sự sụt giảm mạnh doanh thu của hai nhà máy ĐăkNe (giảm 15,2 tỷ đồng) và nhà máy Đăk Bla1 (giảm 10,2 tỷ đồng).

Trong kỳ, thời tiết các khu vực trong mùa nóng, khô hạn kéo dài, lưu lượng nước đầu nguồn về các hồ chứa thuỷ điện giảm mạnh. Cộng thêm hai nhà máy ĐăkNe và Đăk Bla1 chịu sự ảnh hưởng trực tiếp của việc tích nước từ nhà máy thuỷ điện Thượng Kon Tum làm cho doanh thu trong kỳ sụt giảm mạnh, kéo theo lợi nhuận gộp giảm 94% so với cùng kỳ.

Công ty cổ phần Thuỷ điện Hủa Na (mã HAN) bết bát hơn khi tiếp tục lỗ ròng gần 21 tỷ đồng trong quý 2 (cùng kỳ lỗ hơn 12 tỷ đồng). Luỹ kế 6 tháng, với doanh thu thuần giảm 45%, công ty này báo lỗ ròng đến 99,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi 14,7 tỷ đồng.

Thuỷ điện Hủa Na cho biết trong 6 tháng đầu năm 2020, sản lượng điện thấp hơn so với cùng kỳ do bị ảnh hưởng nặng nề bởi diễn biến thời tiết bất thường, hạn hán xảy ra trên diện rộng từ năm 2019 đến nay.

Mực nước đầu năm 2020 thấp hơn so với mức nước dâng bình thường, trong 6 tháng đầu năm 2020 lưu vực hồ Hủa Na tiếp tục chịu ảnh hưởng lớn của hiện tượng thời tiết bất lợi, do đó lưu lượng nước về hồ trong 6 tháng đầu năm 2020 tiếp tục ở mức rất thấp so với trung bình cùng kỳ nhiều năm do vậy doanh thu giảm.

Tình hình của Công ty cổ phần Thuỷ điện Bắc Hà (mã BHA) cũng không khấm khá hơn khi báo lỗ gần 1,7 tỷ đồng trong quý 2. Đây là quý thứ 3 liên tiếp doanh nghiệp này báo lỗ: Quý 4/2019 lỗ 22,81 tỷ đồng; quý 1/2020 lỗ 38,68 tỷ đồng.

Tại Công ty cổ phần Thuỷ điện Thác Bà, tổng doanh thu trên báo cáo tài chính riêng (soát xét) bán niên cũng giảm mạnh hơn 22%. Mực nước hồ đầu năm 2020 được cho biết thấp hơn so với 2019 3,4m dẫn đến sản lượng điện thương phẩm giảm 24% so với cùng kỳ.

Mặc dù có lãi, nhưng lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm của Thuỷ điện Thác Bà cũng chỉ đạt 84,2 tỷ đồng trên báo cáo tài chính riêng so với mức lãi 126,45 tỷ đồng của cùng kỳ và lãi sau thuế đạt 68 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 101,5 tỷ đồng của cùng kỳ.

Một doanh nghiệp thuỷ điện khác là Công ty Cổ phần thuỷ điện Cần Đơn (mã SJD) doanh thu cũng giảm mạnh từ 82 tỷ đồng xuống còn hơn 70 tỷ đồng; lãi sau thuế giảm còn hơn 18 tỷ đồng từ mức lãi hơn 25 tỷ đồng của cùng kỳ.

Công ty này cho biết, công ty chủ yếu sản xuất điện thương phẩm, doanh thu bán hàng từ sản xuất điện, nguồn nguyên chính phụ  thuộc hoàn toàn vào nguồn nước thiên nhiên. Tuy nhiên, trong quý 2 do điều kiện thời tiết không thuận lợi, mưa ít, hạn hán kéo dài nên việc chạy máy bị gián đoạn, sản lượng điện kém hơn cùng kỳ 2019, do đó, doanh thu và lợi nhuận kỳ này thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.

Theo nhận định của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC), với lượng mưa bắt đầu phục hồi từ nửa cuối năm nay sẽ hỗ trợ hoạt động của các nhà máy thuỷ điện trong năm 2020 và năm 2022.

Công ty này cho biết, khi phân tích lượng mưa dài hạn tại Việt Nam, VCSC nhận thấy lượng mưa thường tuân theo chu kỳ 5 năm và đỉnh của chu kỳ mưa gần nhất xảy ra vào năm 2017. Với việc năm 2019 là năm khô hạn nhất trong 10 năm trở lại đây, lượng mưa tại Việt Nam đã chạm đáy vào 6 tháng đầu 2020 và sẽ phục hồi và 6 tháng cuối 2020 cho đến năm 2020. Điều này sẽ hỗ trợ kết quả kinh doanh của các công ty sở hữu nhà máy thuỷ điện.