1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đi chợ “điện thoại dựng” biên giới

(Dân trí) - Dũng, một tay chuyên “đánh” hàng từ Bằng Tường - Trung Quốc cho biết, đa số khách Việt Nam sang đây mua điện thoại đều “ăn đòn” hết. Điện thoại Tàu giá cực rẻ, không mấy khi “chết” hẳn, nhưng chuyện sóng, pin, nguồn chập chờn là... đương nhiên.

Chính hãng chưa ra, Trung Quốc đã có

 

Qua đường mòn Hang Dơi chừng vài chục mét, tới địa phận Lũng Vài - Bằng Tường (Trung Quốc), có cả vài dãy phố chuyên buôn bán điện thoại di động. Hàng ở đây có đủ loại nhãn mác tên tuổi như Nokia, Samsung, O2, Sony Eisson… Vào hàng nào cũng thấy toàn dân Việt Nam đang chen nhau mua hàng, không thấy bất cứ một người khách Trung Quốc nào, ngay cả nhân viên bán hàng cũng là người Việt nốt. Dường như cả khu phố này chỉ để phục vụ khách sang từ cửa khẩu Tân Thanh.

 

Quân, người Thái Nguyên, bán hàng thuê tại đây cho biết: “Bình quân một ngày bán lẻ chừng 30 - 50 chiếc, thứ 7 chủ nhật có khi bán được cả trăm chiếc các loại, chưa kể bán buôn. Tất cả hàng ở đây bao giờ khách đồng ý mua thì mới bắt vít dán tem cửa hàng, trừ một số bày mẫu. Bởi có chiếc chỉ riêng chiếc loa phải thay cho khách đến 3 lần cũng chưa đựợc vì quá rè” - Quân nói.

 

Khách tha hồ lựa chọn, nếu đồng ý mua, sẽ được đổi bất kì chi tiết nào trên chiếc điện thoại nếu cảm thấy không ưng ý, từ vỏ cho đến màn hình rồi loa hay bàn phím. Tất cả các cửa hàng tại đây đều được treo biển công ty A, công ty B… Rõ ràng vài ba cái công ty đó chỉ có chức năng kinh doanh chứ không có chức năng sản xuất nhưng với cung cách bán hàng kiểu trên thì chẳng khác nào một công ty sản xuất.

 

Một chiếc điện thoại mới tinh được tháo ra lắp vào như chuyện lắp ráp một thứ đồ chơi trẻ con không có gì là lạ. Nếu như chỉ nhìn qua góc độ của những chiếc điện thoại thì có lẽ Trung Quốc là đất nước sử dụng xe Mecedes nhiều nhất thế giới. Bởi lẽ một chiếc Mecedes mới có một chiếc điện thoại N6130 (loại điện thoại đi kèm với xe Mecedes). Thế nhưng tại đây, bạn cần mua bao nhiêu chiếc điện thoại mới cứng loại này các công ty cũng có thể đáp ứng được với giá tròn 1 triệu đồng Việt Nam/chiếc.

 

Kể cả các loại điện thoại mà các hãng đã ngưng sản xuất từ vài năm nay như N8250, 8210… cũng được bày bán nhan nhản với giá chỉ vài trăm ngàn, đảm bảo hàng mới cứng. Rồi chưa kể đến các loại điện thoại mà chính các hãng chưa tung ra thị trường cũng đã xuất hiện tại đây.

 

Đơn cử như loại điện thoại N99, nếu như không nhầm thì chính bản thân hãng Nokia cũng chưa có loại điện thoại này và cũng chẳng biết có ra loại này hay không. Thế nhưng tại đây lại được bày bán rất nhiều.

 

“Hàng hiệu” giá rẻ, chất lượng… hàng mã

 

Đi chợ “điện thoại dựng” biên giới - 1

Khách hàng đang chờ dựng máy.

Theo Dũng (người Cao Bằng), một tay chuyên đánh hàng điện thoại từ Trung Quốc, đa số khách Việt Nam sang đây là đi mua điện thoại vì giá ở đây quá rẻ, nhưng đều “ăn đòn” hết. Dũng cho biết, thực ra điện thoại Tàu không mấy khi “chết” hẳn, chỉ mỗi vấn đề về sóng, pin, nguồn chập chờn là như cơm bữa.

 

Như để chứng minh cho lời nói của mình, Dũng dẫn tôi đi vào phòng trong của một cửa hàng điện thoại để lựa hàng đem về bán. Linh kiện điện thoại được vứt ngổn ngang chất thành từng đống trên những chiếc kệ gỗ, vài con buôn như Dũng đang bới lên để lựa hàng.

 

Sau một hồi lục lọi, Dũng cũng lựa được chừng chục bộ linh kiện rồi chuyển cho một thanh niên người Trung Quốc đang ngồi lắp máy cho khách. Theo lời Dũng thì dân buôn gọi đây là “chợ máy dựng”. Người mua tự chọn linh kiện (trừ màn hình) sau đó sẽ có thợ lắp thành từng chiếc điện thoại.

 

Khâu “kiểm định” cuối cũng là chủ hàng cứ ký vào từng cái một rồi thợ ở đây ngồi cài đặt ba thứ lăng nhăng, nhạc chuông (gọi nôm na là test máy) và cứ cắm xạc vào bật lên đầy đủ chuông nhạc í ới, cắm sim vào có sóng là OK. 

 

Trong lúc chờ lấy hàng, Dũng cầm 2 chiếc điện thoại N72i đang lắp dở lên đưa cho tôi xem rồi phân tích. Bên trong chẳng có gì, mỗi cái main với cái màn hình còn đâu rỗng tuếch, vỏ nhựa thì mỏng tang, có khi đưa ra nắng thì nhìn xuyên. Dũng nói thêm, “gọi là main cho oai chứ thực ra trông cũng chẳng khác nào mấy cái bảng mạch ở đồ chơi điện tử của trẻ con”.

 

Dũng khẳng định: “Chỉ có mỗi màn hình và main sản xuất từ đâu thì không biết, còn tất cả linh kiện khác trên chiếc điện thoại đều được đặt các cơ sở tư nhân sản xuất theo từng lô với giá cực rẻ”. Bởi Dũng thường xuyên phải mua thêm linh kiện hoặc được khuyến mại để về thay thế bảo hành cho khách.

 

Một ngày lang thang với Dũng tại chợ điện thoại biên giới, tôi mới hiểu tại sao các loại điện thoại Trung Quốc lại có giá rẻ đến bất ngờ. Dũng còn cho biết đấy là sang tận nơi lựa hàng mới có giá thế chứ nếu nhập ngay tại Việt Nam thì mỗi chiếc còn rẻ hơn được khoảng 50.000 nhưng “10 chiếc thì phải trả lại 3 là ít”. 

Theo Dũng thì loại máy dựng như thế lấy đâu ra chất lượng tốt nhưng nếu đi mua hàng xịn của Trung Quốc sản xuất, được bảo hành nghiêm chỉnh thì về Việt Nam lại quá đắt, không thể bán nổi trong khi các loại máy này luôn theo những model mới nhất nhưng giá thì lại quá “tình thương” và mỗi chiếc máy kiểu này chỉ bỏ vốn ít nhưng nếu bán lẻ vẫn cứ lãi vài trăm và bán vẫn chạy như thường.

Phan Tùng