1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đề nghị xử lý đến cùng việc "chia phe nói xấu" liên quan vận động từ thiện

Quang Phong

(Dân trí) - Theo đại biểu Quốc hội Phan Thái Bình việc tranh chấp, nói xấu lẫn nhau trên mạng xã hội liên quan đến công tác vận động tài trợ từ thiện gây ra nhiều tác động đến cộng đồng.

Sáng 24/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về công tác của Chánh án Tòa án Nhân dân (TAND) Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (VKSND) và công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021.

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) đề cập đến hoạt động nhân đạo, từ thiện, hỗ trợ phòng chống thiên tai, dịch bệnh đang được dư luận rất quan tâm thời gian qua.

Cụ thể, theo đại biểu đoàn Quảng Nam, thời gian vừa qua trên cộng đồng mạnh liên tục xảy ra "việc tranh chấp, nói xấu lẫn nhau…" liên quan đến công tác vận động tài trợ từ thiện.

Đề nghị xử lý đến cùng việc

Đại biểu Phan Thái Bình phát biểu tại hội trường.

Ông Phan Thái Bình cho rằng, tình trạng trên gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, thuần phong mỹ tục, văn hóa truyền thống của dân tộc… Nhất là việc "chia phe ra nói xấu nhau trên mạng xã hội" gây ra rất nhiều tác động đến cộng đồng.

Do vậy, đại biểu Bình đề nghị các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan điều tra, cơ quan tư pháp cần vào cuộc một cách mạnh mẽ, kịp thời hơn, làm rõ "để trả lời cho công luận, cử tri biết ai đúng, ai sai". 

"Tôi kiến nghị Chính phủ cần có hành động một cách minh bạch, rõ ràng để làm tốt hơn công tác từ thiện trong thời gian tới, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Không thể để diễn ra như thế mà không có câu trả lời cuối cùng", đại biểu đoàn Quảng Nam nói.

Trước đó, chiều 23/10, cơ quan thẩm tra của Quốc hội đã đề nghị Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; tập trung hơn vào những lĩnh vực nổi cộm, đang gây bức xúc trong dư luận gần đây như lĩnh vực y tế, giáo dục, việc huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện.

Trong báo cáo thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021, Ủy ban Tư pháp cũng lưu ý về hoạt động từ thiện.

"Dư luận cử tri ghi nhận sự đóng góp tích cực của một số cá nhân hoạt động từ thiện khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh. Tuy nhiên, để ngăn ngừa khả năng xảy ra tình trạng trục lợi của một số cá nhân khi thực hiện hoạt động từ thiện có kêu gọi đóng góp từ nhân dân thì cần sớm có quy định của pháp luật về vấn đề này", báo cáo thẩm tra nêu rõ.

Hiện Nghị định số 64/2008/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo quy định.

Ngoài các tổ chức, đơn vị như Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội chữ thập đỏ Việt Nam; các quỹ xã hội, quỹ từ thiện; một số tổ chức, đơn vị được cơ quan có thẩm quyền cho phép thì không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.