1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Nội:

Đê điều “nín thở”

(Dân trí) - Ông Vũ Hồng Khanh, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, tin đồn vỡ đê xuất phát từ sơ suất trong công tác… đánh máy khi tiến hành chỉ đạo phòng chống lũ. Hiện, đê Tả Hồng (xã Hoàng Kim), kè Liên Trì (xã Liên Trung, Đan Phượng) đã bị sạt nghiêm trọng...

Công văn đánh máy nhầm

Theo ông Khanh, đoạn văn bản hoàn chỉnh là “các đơn vị phòng ngừa, chuẩn bị phương án sơ tán dân trước 5h chiều”. Tuy nhiên, do sơ suất cán bộ văn phòng đã đánh máy thiếu hai chữ “chuẩn bị”, khiến nhiều người hiểu lầm. Thông tin trên nhanh chóng loang rộng nhiều nơi trong thành phố Hà Đông, gây hoang mang cho người dân. Tuy nhiên, ngay sau đó nhiều phương tiện thông tin đại chúng TW và Hà Nội đã thông tin kịp thời trấn an dư luận.

“Lãnh đạo TP Hà Nội đã triệu tập Chủ tịch thành phố Hà Đông để làm rõ vụ việc và xử lý trách nhiệm”, ông Khanh cho biết thêm.

Sẽ kiểm tra tình hình khu vực Tân Mai

Trước câu hỏi của phóng viên Dân trí về tình hình hàng nghìn người dân tại khu dân cư số 7, phường Tân Mai phải chịu 5 ngày trong mưa lớn, ngập lụt tồi tệ mà không nhận được bất kỳ sự quan tâm, thăm hỏi nào từ phía chính quyền phường, ông Vũ Hồng Khanh khẳng định sẽ tiến hành kiểm tra và chấn chỉnh ngay lập tức. Tuy nhiên, do số người nhận cứu trợ quá nhiều nên tình trạng phát sót có thể xảy ra tại một số khu vực ngập úng. Thành phố đã yêu cầu các phường, xã rà soát các hộ cần mỳ tôm, nước sạch để cấp ngay, không để người dân bị đói.

Về thông tin tại xã Đại Mỗ, Từ Liêm phản ánh rằng người dân chỉ được nhận mỳ tôm theo hộ khẩu, ông Khanh cho biết sẽ tiến hành kiểm tra. Nếu thông tin này là xác thực, lãnh đạo TP sẽ xử lý kiên quyết những cán bộ thực hiện cách cứu trợ này.

Tính đến hết ngày 4/11, thành phố đã cứu trợ cho 27.494 hộ và sơ tán 10.318 hộ ra khỏi khu vực ngập nước nguy hiểm. Đến hết ngày 5/11, thành phố tiếp tục di chuyển 19/22 hộ dân tại khu vực trạm bơm Đông Cao, Tráng Việt, gần khu vực sạt lở đê Tả Hồng. Các khu vực kè Liên Trì, huyện Đan Phượng và đê Tả Bùi, huyện Chương Mỹ, các lực lượng chức năng cũng đang tổ chức di dời dân.
 
Đê điều “nín thở” - 1
Lực lượng quân đội tham gia cứu trợ tại huyện Chương Mỹ

Đê điều “nín thở”

Chiều ngày 5/11, ông Vũ Hồng Khanh cho biết, về lý thuyết hệ thống đê điều Hà Nội chịu được mức nước báo động cấp 3, tuy nhiên, do trận mưa lịch sử kéo dài từ ngày 31/10 đến 4/11 nên các tuyến đê trên địa bàn thành phố đã bị ảnh hưởng. Theo báo cáo mới nhất, tại khu vực tuyến đê Tả Bùi (huyện Chương Mỹ) đã xuất hiện 2 điểm tràn với chiều dài 80m, hiện đã triển khai chống tràn đảm bảo trên mức báo động 3 và đã chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp chống tràn nếu nước sông Bùi tiếp tục lên cao. UBND huyện Chương Mỹ đã chuẩn bị phương án sơ tán dân trong tình huống xấu nhất.

Đoạn đê Tả Hồng tại xã Hoàng Kim vừa được phát hiện bị sạt 400m, đoạn Tiến Thịnh 30m. Đáng lo hơn cả là tại khu vực kè Liên Trì, xã Liên Trung, huyện Đan Phượng. Tại đây xảy ra hiện tượng sạt lở nghiêm trọng, vị trí sạt lở còn cách chân đê khoảng 15m. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang tập trung chỉ đạo xử lý hộ đê khẩn cấp chống sạt lở, công tác di dời dân ra khỏi khu vực cũng đang được tiến hành rốt ráo.

Trong cuộc họp diễn ra vào sáng 5/11, ông Nguyễn Công Soái - Phó bí thư Thành uỷ khẳng định, nếu khu vực này bị vỡ thì cả Hà Nội sẽ chìm trong biển nước. Năm 1962, Bác Hồ đã đến tận đây và ra những quyết sách hình thành đoạn kè bảo vệ Hà Nội này.

Hiện mực nước trên sông Hồng đã lên rất nhanh. Theo báo cáo mới nhất, đến 7h ngày 5/11 đã là 9,80m trên báo động I. Trong khi đó, mực nước các sông Cầu, Tích, Bùi, Nhuệ, Cà Lồ xuống rất chậm, riêng sông Bùi và sông Tích vẫn trên mức báo động III.

Về những lo ngại tại các điểm sạt lở, ông Vũ Hồng Khanh cho biết: dù đã được sửa chữa khắc phục, nhưng do mưa nhiều ngày, nền đất, chân đê đều ướt sũng. Trong khi đó mực nước Sông Hồng vẫn tiếp tục tăng cao (gần báo động 2). Còn các sông Nhuệ, sông Bùi xuống chậm và còn ở mức cao. Vì thế, nếu những ngày tới xuất hiện mưa lớn khoảng 200mm - 300mm, cộng với đó là nước ở các sông, nhất là sông Hồng tiếp tục dâng cao sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến hệ thống đê Hà Nội.
 
“Hiện chúng tôi cũng chưa thể nói trước được điều gì sẽ xảy ra nếu có mưa lớn và nước sông Hồng tiếp tục dâng lên. Nhưng riêng với khu vực kè Liên Trì, cố gắng lắm thì cũng chỉ chịu đựng được mức báo động 3, còn trên báo động 3 rất dễ bị vỡ. Do đó nếu trên báo động số 3 thành phố sẽ xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng”, ông Khanh nói.
 
Đê điều “nín thở” - 2
Công tác hộ đê đang được tiến hành rốt ráo tại các tuyến đê trọng yếu

Bộ Quốc phòng đã sẵn sàng ứng phó

Trong cuộc họp với lãnh đạo TP Hà Nội, đại tá Đỗ Văn Sơn thuộc Uỷ ban PCLB và cứu hộ khẳng định: Bộ Quốc phòng đã có kế hoạch ứng phó, dự kiến các tình huống có thể xảy ra tại những khu vực trọng điểm trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt tại Hà Nội.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cũng đã giao trực tiếp các đơn vị quân đội chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, con người để hộ đê và tìm kiếm cứu nạn, trọng điểm là các quân đoàn 1, quân đoàn 2, quân chủng phòng không không quân, hải quân và công binh.

Hiện, Bộ Quốc phòng đã cử cán bộ trinh sát nắm trước tình hình tại các tuyến đê trọng yếu của sông Hồng. Ngay trong sáng 5/11, binh chủng công binh đã cử một tổ trinh sát xuống trinh sát từ khu vực đường cao tốc đến khu vực Yên Sở để lên kế hoạch đảm bảo giao thông…

Ông Nguyễn Thế Thảo - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố cho biết: thành phố đã lên phương án và chuẩn bị tất cả nhân lực, vật lực để “hộ đê”. Thành phố sẽ làm hết sức để bảo đảm an toàn cho các tuyến đê. Tuy nhiên, cũng chưa thể nói trước được điều gì vì tất cả còn phụ thuộc vào thời tiết.

Thành phố cũng đã yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện chuẩn bị lương thực, thực phẩm đảm bảo cung cấp cho các vùng có khả năng bị ngập úng; Liên hệ với các tỉnh để có kế hoạch cung cấp thực phẩm, rau xanh, chất đốt, không để các mặt hàng thiết yếu tăng giá đột biến.

Bài và ảnh: Phúc Hưng