Đắk Lắk:

Oằn mình trong hạn hán khốc liệt

(Dân trí) - Tình trạng thiếu nước trầm trọng đang khiến hàng ngàn héc ta cây trồng tại Đắk Lắk có nguy cơ mất trắng, gia súc gia cầm héo hắt và chết hàng loạt, hạn hán gây thiệt hại trên 1.000 tỷ đồng. Tình trạng thiếu nước sinh hoạt tăng lên từng ngày khiến đời sống của người dân gặp muôn vàn khó khăn.

Đào giếng cứu cây trồng

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, tính đến tháng 4/2016, toàn tỉnh có gần 42.400 ha cây trồng bị hạn, trong đó có hơn 6.100 ha mất trắng (trong đó cà phê là hơn 4.400 ha), toàn tỉnh có hơn 25.100 hộ thiếu nước sinh hoạt. Ước tính thiệt hại về cây trồng lên tới hơn 1.300 tỷ đồng.

Nông dân bỏ hàng chục triệu để đào giếng cứu cây trồng
Nông dân bỏ hàng chục triệu để đào giếng cứu cây trồng

Nguồn nước dự trữ để chống hạn cũng đang giảm dần, chỉ còn khoảng 134,6 triệu m3 nước, 168 hồ chứa nước đã cạn khô trơ đáy gây khó khăn trong công tác thủy lợi.

Trước những khó khăn do tình trạng hạn hán, tỉnh Đắk Lắk đã công bố tình trạng rủi ro thiên tai do hạn hán cấp độ 1 tại 7 huyện trong tỉnh: Ea H’leo, Ea Súp, Cư M’gar, Krông Búk, Krông Năng, Buôn Đôn và thị xã Buôn Hồ.

Tại huyện Cư M’gar, nắng nóng kéo dài nguồn nước tưới cho cà phê tại một số vùng đã cạn kiệt, người dân phải bỏ một khoản chi phí lớn để thuê người đào giếng. Tuy nhiên, việc đào giếng thường đi kèm với rủi ro vì không phải chiếc giếng nào đào cũng có nước, trong khi đó chi phí cho việc đào giếng khá đắt đỏ.

Chấp nhận rủi ro vì không phải giếng nào cũng có nước
Chấp nhận rủi ro vì không phải giếng nào cũng có nước

Anh Nguyễn Ngọc Quý (ngụ xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar) cho biết, hơn 2ha cà phê của gia đình anh đang đứng trước nguy cơ mất trắng nếu như không có nước tưới. Do nước tại các giếng cạn kiệt dần, nước tại các ao, hồ cũng không đủ nên anh buộc phải thuê người đào sâu thêm giếng của mình.

Rẫy cà phê héo úa vì thiếu nước (ảnh CTV)
Rẫy cà phê héo úa vì thiếu nước (ảnh CTV)

“Gia đình tôi đã bỏ ra gần 20 triệu đồng để thuê đào giếng chỉ cầu mong sao có nước để cứu lấy cây cối, nếu không năm nay không biết lấy gì để trả nợ tiền phân bón, tiền dầu, tiền điện với sinh sống nữa”, anh Quý than thở.

Tương tự, nhà anh Trần Văn Tình (ngụ xã Ea M’đoh) cũng đang chờ thợ khoan giếng tới. “Nhu cầu khoan giếng đang tăng lên do nắng hạn, tôi cũng liên hệ trước cả tháng trời mà nay cũng chưa đến lượt để được thợ đến khoan”, anh Tình nói.

Cả trăm héc ta lúa mất trắng vì hạn
Cả trăm héc ta lúa mất trắng vì hạn

Nông dân lo lắng vì gia cầm, gia súc chết hàng loạt do hạn

Huyện Ea Súp là một trong 7 huyện của Đắk Lắk chịu ảnh hưởng nặng nề của hạn hán, theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Ea Súp, toàn huyện đã có 200 con gia súc, gia cầm bị chết.

Bò vất vả tìm thức ăn trên vùng đất hoang hóa vì thiếu nước
Bò vất vả tìm thức ăn trên vùng đất hoang hóa vì thiếu nước

Do nắng hạn nguồn nước uống của đàn bò bị hạn chế, cỏ héo úa khiến đàn bò gầy tong, nhiều đàn bò của người dân trong xã phải ăn cả rác thải lẫn bao bì để sinh tồn. Do cạn kiệt nguồn nước và thức ăn hàng chục con bò đã chết, nhiều người dân đành phải bán rẻ bò cho các thương lái với giá chỉ bằng 1/3 giá thị trường nhưng vẫn ít người đến mua vì chê bò quá gầy.

Bà Cao Thị Hạnh (ngụ xã Ya Lốp) nuôi hơn 20 con bò, nay đã phải bán đổ bán tháo để tránh tình trạng bò chết. “Bò nuôi cho béo tốt rồi đến mùa hạn cứ đua nhau gầy rồi sinh bệnh chết, nông dân bán bò cũng khó mà để nuôi cũng khó, cứ đà này đến bao giờ chúng tôi mới thoát nghèo được”, bà Hạnh buồn rầu nói.

Đàn bò chết dần chết mòn vì hạn hán khốc liệt
Đàn bò chết dần chết mòn vì hạn hán khốc liệt

Ông Nguyễn Đình Toản - Phó Chủ tịch huyện Ea Súp - cho biết, tại các xã biên giới như Ia R’vê, Ya Lốp vì nền nhiệt cao nên mùa khô đất đai hoang hóa dẫn đến thức ăn cho gia cầm, gia súc cạn kiệt. “Để tránh tình trạng gia súc chết hàng loạt huyện cũng có phương án vận động người dân đưa đàn gia súc đến các vùng lân cận, vùng suối còn có nước để chăn thả để tạm qua được đợt hạn này”, ông Toản cho hay.

Thúy Diễm

Dòng sự kiện: Hạn, mặn khốc liệt