Bình Định:
Dân trắng đêm chạy lũ, hàng nghìn người chờ được tiếp tế lương thực
(Dân trí) - Hơn 2.000 hộ dân phải di dời khẩn cấp, hơn 90 xã, phường lâm vào cảnh bị cô lập, người dân đang chờ được tiếp tế lương thực, mì tôm, nước uống… di dời khỏi vùng nguy hiểm; nhiều tuyến Quốc lộ 1A qua tỉnh này bị tê liệt cục bộ.
Ghi nhận của PV Dân trí, mưa lớn liên tục trong 4 ngày qua (từ 12-16/12) đã làm nước lũ trên các sông dâng cao, trên 90 xã tại các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn, thị xã An Nhơn, TP Quy Nhơn bị cô lập. Nước lũ dâng cao trong đêm, hàng ngàn hộ dân vật vã chạy lũ trong đêm.
Tại xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước), nước lũ đang gây ngập trên diện rộng khiến các khu dân cư ở thôn Phú Mỹ 1, Phú Mỹ 2, Đại Tín, Trung Thành, Quảng Tín bị nước lũ chia cắt. Trong khi đó, nước lũ trên sông Cầu Gành (nhánh sông Kôn) đang lên rất nhanh, chảy xiết đã gây ngập úng toàn bộ khu vực xóm Đông Huỳnh Kim. Hiện hơn 200 hộ dân sinh đang gồng mình chống lũ.
Trên tay bế con 5 tuổi vừa được lực lượng cứu hộ đưa thoát ra khỏi vùng nước lũ, chị Nguyễn Thị Nhị (41 tuổi, thôn Phú Mỹ 1, xã Phước Lộc) cho biết: “Biết có lũ về nhưng không nghĩ lớn thế này nên chủ quan không di chuyển hết vật nuôi. Chỉ đưa được trâu bò đi, còn lợn gà để lại. Giờ nước lớn ngập nhà, nước tiếp tục lên chắc lợn gà chết trôi hết".
Ông Nguyễn Xuân Bình, trưởng thôn Phú Mỹ 1 cho biết: “Nước lũ bắt đầu dâng cao vào ngập vào nhà dân từ khoảng 3h sáng nay (16/12), nước cao từ 0,4-1m. Hiện nước tiếp tục dâng cao, nên chúng tôi phải huy động đoàn thanh niên địa phương phối hợp với lực lượng bộ đội di dời 30 hộ dân vùng ngập nặng. Đến nay, cơ bản di dời người dân an toàn, nhưng nếu tiếp tục dâng cao thì phải di dời tiếp các hộ còn lại”.
Trong khi đó tại huyện Hoài Nhơn, mặc dù người dân đã chủ động dọn nhà cửa tài sản lên cao nhưng do nước lên quá nhanh nên người dân gần như thức trắng đêm chạy lũ. Theo báo cáo của UBND huyện Hoài Nhơn, lúc 20h tối 15/12, mưa lũ làm nước sông Lại Giang tại Bồng Sơn lên hơn 8m, ở mức báo động 3. Nhưng đến 2h30 sáng 16/12 mực nước cao hơn mức báo động 3 gần 0,4m. Lũ lớn làm gần 3.000 nhà dân trong huyện bị ngập sâu trong nước, các địa phương vùng thấp trũng tiếp tục bị cô lập.
Còn tại thị xã An Nhơn, nước lũ về nhanh khiến hàng ngàn hộ dân bị ngập lụt, hàng trăm hộ dân vùng nguy hiểm phải di dời dân khẩn cấp trong đêm. Theo UBND thị xã An Nhơn, trong đêm 15 và sáng 16/12, có 337 hộ dân với 1.380 nhân khẩu ở những vùng ngập lũ nguy hiểm tại các phường Đập Đá, Nhơn An, Nhơn Hòa, Nhơn Hòa, Nhơn Phúc, Nhơn Khánh… đã được di dời đến nơi an toàn.
Mưa lũ cũng khiến nhiều tuyến QL 1A qua địa bàn tỉnh Bình Định đoạn qua thị trấn Ngô Mây (huyện Phù Cát), thị trấn Bình Dương (huyện Phù Mỹ), phường Xuân Diệu (TP Quy Nhơn) bị ngập, có đoạn ngập sâu tới 0,5m, gây ách tắc cục bộ.
Tại đoạn QL 1A qua phường Trần Quang Diêu (TP Quy Nhơn), nước ngập sâu hơn 0,5m, lực lượng CSGT Bình Định phải hướng dẫn các phương tiện đi đường vòng qua KCN Phú Tài để đảm bảo an toàn cho nhà dân hai bên đường, vừa tránh gây tắc nghẽn giao thông.
Quốc lộ 1 đoạn qua phường Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân (TP Quy Nhơn) nước ngập sâu, một ô tô bị chết máy phải xuống xe đẩy qua dòng nước lũ cả 300 m
Quảng Nam: Lũ đầu nguồn xuống chậm, lũ hạ du đang lên
Sáng nay (16/12), theo thông tin từ các địa phương trên địa bàn Quảng Nam, lũ ở các huyện đầu nguồn sông Vu Gia – Thu Bồn đang xuống nhưng chậm; còn lũ ở các huyện, thị ở hạ du đang lên.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Chung (trú thôn 8, xã Đại An, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) cho biết, lũ đã bắt đầu rút từ 1h sáng nay (16/12); tuy nhiên lũ rút chậm và còn đang ở mức cao. Nước hiện vẫn còn đang mấp mé ngoài sân chứ chưa rút hẳn.
“Lũ rút nhưng rất chậm, hiện còn đang ở ngoài sân nhưng khả năng chiều nay lên lại do tôi có nghe thông tin các thủy điện tiếp tục xả lũ”, ông Chung nói.
Lúc 11h, trao đổi với PV, ông Hứa Văn Hùng – Chủ tịch thị trấn Ái Nghĩa – cho hay, nước đang rút nhưng rất chậm, hiện còn đang ngập sân trụ sở Ủy ban thị trấn. Ông Hùng cũng cho hay, lúc đạt đỉnh nước tại thị trấn ở mức trên báo động 3 khoảng 20cm. Toàn thị trấn bị ngập khoảng 30% diện tích.
Lúc hơn 11h, ông Phạm Phú Thủy – Phó Chủ tịch huyện Nông Sơn (một trong những huyện đầu nguồn sông Vu Gia) – cho biết, nước lũ trên địa bàn đang rút nhưng rất chậm. Hiện mức nước đang ở dưới báo động 3 khoảng 0,23m. Về thiệt hại, ông Thủy cho biết, hiện chưa thể thống kê do nước còn đang ngập trắng đồng.
Tuy nước ở các vùng thượng nguồn đang rút chậm nhưng các địa phương trên hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn như thị xã Điện Bàn, huyện Duy Xuyên, TP Hội An… nước đang lên nhưng chậm.
Tại thị xã Điện Bàn, theo quan sát của PV Dân trí, từ sáng nay (16/12), nước từ các sông đổ về ngập trắng đồng. Trung tâm thị xã Điện Bàn từ sáng nay nước lũ cũng bắt đầu tấn công. Con đường chính qua phường Vĩnh Điện (QL1A cũ) lúc 10h, nước đã bắt đầu tràn qua và chay mạnh. Xe cộ lưu thông khó khăn.
Nhiều vùng ở trung tâm thị xã Điện Bàn (thuộc phường Vĩnh Điện) đã bị ngập nước. Mọi hoạt động buôn bán, sinh hoạt của người dân bị ngưng trệ. Chợ Vĩnh Điện, nước đã bắt đầu tràn vào, bà con tiểu thương phải ngưng buôn bán và tiến hành dọn đồ đạc kê lên cao.
Đường ĐT 608 từ thị xã Điện Bàn đi xuống TP Hội An đã bị nước dâng cao, có nơi ngập sâu gần 1m, tất cả các phương tiện đều không thể lưu thông được.
Đường ĐT 609 từ thị xã Điện Bàn đi thị trấn Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc) cũng bị nước lũ dâng cao, người dân không thể đi lại được. Các loại xe ô tô, xe máy cũng ùn ứ ở khu vực Điện Bàn. Nếu muốn lên Ái Nghĩa thì buộc phải đi ra Đà Nẵng và vòng lên.
Nước lũ đang dâng cao ở thị xã Điện Bàn, Quảng Nam
Hiện ở khu vực hạ du như thị xã Điện Bàn, huyện Duy Xuyên, TP Hội An… mưa vẫn đang trút xuống, người dân lo sợ sẽ có lũ lớn xảy ra.
Doãn Công - Công Bính