1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Đám tang nhà nghèo…

(Dân trí) - Ngày 27-28/9, cả xã Mỹ Hoà (huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) trắng màu khăn tang. Nhưng rất lạ, không một tiếng kèn, tiếng trống, không áo sô, không nghi thức chiêu hồn, thùng phúng điếu toàn tiền 5.000 đồng... Bởi, ngày đại tang này đều là những đám tang nhà nghèo.

Trước đây, nói đến Mỹ Hoà là người ta nghĩ ngay đến bưởi Năm Roi bởi xã này chiếm đến 80% diện tích trồng bưởi Năm Roi của toàn tỉnh Vĩnh Long. Sau ngày 26/9, nói đến Mỹ Hoà, người ta lại nghĩ ngay đến những chiếc khăn tang vấn quanh đầu mấy trăm thân nhân của 29 người thiệt mạng trong vụ sập cầu Cần Thơ.

 

Đất Mỹ Hoà nổi tiếng với những nhà vườn làm giàu từ cây bưởi, những tay “triệu phú thứ thiệt” thu nhập bình quân hàng năm 100-120 triệu đồng. Nhưng nó cũng đầy những gia đình nghèo “mạt kiếp” với căn nhà chỉ có 4 cây cột là bằng gỗ, còn lại là lá dừa nước và bùn non, thứ rất sẵn có tại vùng đất này. Oái oăm thay, đó lại là tình cảnh chung của 29 nạn nhân xấu số vừa qua.

 

Đám tang nhà nghèo…  - 1

Anh Tâm chết đi, không có nổi một tấm ảnh thờ,

phải dùng chiếc thẻ công nhân.

 

“Cũng tại cái nghèo nên mới đi làm công nhật, cũng tại cái nghèo nên mới chết thảm thế này!” - bà Lê Thị Ba ngụ tại ấp Mỹ Hưng 1, người có đến hai người con rể chết trong tai nạn vừa qua, than trách. Người mất rồi, cũng tại cái nghèo mà đám tang cũng chẳng được được tươm tất. 

 

Thảm nhất là nhà anh Nguyễn Văn Tâm. Đám tang anh không có lấy một tấm ảnh thờ, phải dùng chiếc thẻ công nhân thay thế. Khi anh chết, cậu con trai 15 tuổi Nguyễn Văn Sự không có nổi 10 ngàn trong túi. Hôm phát tang thì tiền hỗ trợ vẫn chưa đến tay gia đình. Bởi thế, quan tài anh đặt giữa căn nhà đất trống hoác, bên cạnh là chiếc phản gỗ cũ kỹ, hình như là tài sản duy nhất trong nhà.

 

Đám tang anh Lê Văn Tươi, chiếc chái che bằng hai mảnh ni lông phủ trên những thanh gỗ mỏng manh không đủ chỗ cho quan khách. Khi chúng tôi đến, trời mưa tầm tã, chiếc chái đổ sụp xuống đầu khách viếng tang. Trong nhà nức nở khóc than, bên ngoài nhốn nháo đỡ chái nhà che mưa. Tình cảnh càng thêm thê thảm!

 

Đám tang nhà nghèo…  - 2

Đám tang hai con trai ông Khâm "sang" hơn cả khi có thêm

nghi thức tụng kinh gõ mõ cầu siêu.

  

Trời mưa tầm tã nhưng ba anh thanh niên hàng xóm vẫn thay nhau vác đất cát, đào huyệt chôn anh. Chị Trúc vợ anh giải thích: “Ở đây từ sớm đến 9 giờ nước ngập hết, chỉ còn mỗi cái nền nhà. Chiều nước lại ngập tiếp. Nếu trưa nay không chôn kịp, đổ cát đá chèn quan tài lại thì có khi quan tài vừa chôn xong lại trồi lên”.

 

Trời mưa, những con đường bờ mương trơn tuột lầy lội như thách đố sức chịu đựng của những anh thanh niên đào huyệt đang khiêng những bao cát, đá ngấm nước nặng không dưới nửa tạ. Ấp nghèo này, lo cho mình đã khó, lấy gì giúp xóm giềng, chỉ có chút công để mong người đã khuất mồ yên mả đẹp.

 

Đám tang nhà nghèo…  - 3

... nhưng hai anh em vẫn phải nằm chung một huyệt.

 

Đám tang nhà ông Lưu Văn Khâm “sang trọng” hơn khi 2 đứa con trai xấu số của ông có thêm nghi thức tụng kinh giải nạn của ni sư Diệu Vân ở am gần nhà. Dù vậy, hai anh em vẫn phải nằm chung một huyệt, để “đỡ chi phí đào huyệt, đổ bê tông chèn quan tài” - anh thợ đào huyệt cho hay.

 

Qua viếng anh Lưu Hoàng Phúc, gia đình đãi khách viếng tang bằng một ấm trà gốm đen xì, cũ kỹ. Đám tang nhà anh Bùi Văn Bon có thêm bịch bánh quy ngọt. Nhà anh Trang có tới… ba cái bàn để tiếp khách viếng - hình như đây là đám tang “sang” nhất xã!

 

Tùng Nguyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm