1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Việt Nam gia nhập WTO:

Đàm phán Việt - Mỹ: Căng thẳng chờ kết quả!

Tin mới nhất từ Washington, cho đến lúc này vẫn chưa có bất kỳ tuyên bố nào được đưa ra về cuộc đàm phán Việt - Mỹ. Theo một nguồn tin, sớm nhất phải đến sáng 12/5 (tức tối 12/5, giờ Việt Nam), tuyên bố về tiến trình đàm phán mới có thể được đưa ra.

Chờ đợi trong căng thẳng

 

Vào lúc 2h sáng theo giờ Washington, vẫn chưa có thông tin mới nào từ phía đoàn đàm phán. Như vậy, phái đoàn đàm phán Việt - Mỹ sẽ có một đêm thức trắng. Một chuyên gia bình luận: "Đây thực sự là cuộc đọ sức về cả trí não và sức lực với những nhà đàm phán chuyên nghiệp nhất thế giới".

 

Vào 8h tối (9h sáng, giờ Hà Nội), Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển đã gặp Đại diện Thương mại Mỹ Susan Swab. Sau đó, bà Swab cùng phái đoàn đàm phán của Mỹ đã rút vào phòng riêng hội ý.

 

Trước đó, hai bên đã có cuộc thảo luận cực kỳ căng thẳng suốt từ 9h sáng cho tới 8h tối ngày 11/5 (9h sáng nay, giờ Hà Nội). Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Tâm Chiến cho biết, ông và đoàn đàm phán Việt Nam đang chờ phản hồi từ phía Mỹ.

 

Nếu tuyên bố kết thúc đàm phán thì biên bản thoả thuận song phương Việt - Mỹ sẽ được chuẩn bị để ký kết tại Hà Nội hoặc TPHCM nhân dịp bà Đại diện Thương mại Susan Swab sang dự Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC.

 

Khả năng xấu nhất, nếu không kết thúc được đàm phán trong tối nay thì cuộc thương thảo có thể kéo dài sang đến ngày mai.

 

Gai góc

 

Mức độ căng thẳng của cuộc thương thảo Việt - Mỹ lần này đã được dự báo trước bởi hai phía đang đi tới những điểm cuối cùng. Tuy nhiên, sự căng thẳng và khó khăn trên thực tế đã vượt ra ngoài dự đoán.

 

Theo nguồn tin, vấn đề "gai góc" nhất khiến tiến trình đàm phán Việt - Mỹ kéo dài hơn dự định lại xuất phát từ Quyết định 55 của Việt Nam về huy động nguồn vốn 4 tỉ USD hỗ trợ dệt may (được đăng tải trên một tờ báo của Việt Nam). Ngay trước khi hai bên bước vào đàm phán, tại cuộc gặp với Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển, phía Mỹ đã đưa ra cảnh báo gay gắt về kế hoạch này, xem đó như là trợ cấp Chính phủ đối với ngành dệt may.

 

Trong khi đó, theo thống kê thực tế của phía Việt Nam thì trợ cấp của chính phủ trong ngành này chỉ vào khoảng 300 triệu USD.

 

Bộ trưởng Tuyển đã giải thích với phía Mỹ: đây là chính sách định hướng cho nhân dân để huy động vốn phát triển hiệu quả ngành dệt may. Bộ trưởng Tuyển chứng minh: với nguồn thu của Chính phủ Việt Nam không thể đủ sức có 4 tỷ USD trợ cấp cho ngành này.

 

Một chuyên gia người Mỹ phân tích: sở dĩ Mỹ "làm căng" với Việt Nam vì những kinh nghiệm "cay đắng" của người Mỹ với Trung Quốc. Sau khi Trung Quốc vào WTO, dệt may của nước này đã ồ ạt tràn vào thị trường Mỹ, nuốt chửng những nhà sản xuất nội địa.

 

Vì thế, theo lời chuyên gia trên, Việt Nam cần làm rõ với phía Mỹ rằng Việt Nam không phải là Trung Quốc, không đủ lực để "đổ hàng" vào nước Mỹ và Việt Nam cũng có cách làm ăn hoàn toàn khác với Trung Quốc.

 

Ngoài ra, phía Mỹ cũng tiếp tục đòi hỏi VN phải mở cửa thị trường thịt bò và các sản phẩm thịt bò, yêu cầu VN bỏ thuế đặc biệt đối với các loại rượu mạnh, đòi VN phải mở cửa hơn nữa lĩnh vực dịch vụ chuyển phát nhanh (EMS). Vấn đề nhập khẩu các ấn phẩm văn hóa, phim ảnh, xuất bản vào thị trường VN cũng được phía Mỹ nêu ra.

 

Trong khi đó, hai bên lại đạt được thoả thuận trong những lĩnh vực từng được coi là "nhạy cảm" và khó mở cửa với Việt Nam như viễn thông, tài chính, phân phối và năng lượng.

 

Trong những ngày qua, nếu như phía Việt Nam đã hạ quyết tâm kết thúc đàm phán với Mỹ ngay trong tháng 5 này để kịp gia nhập WTO thì phát biểu trên báo chí, giới chức Mỹ lại nói cuộc thương lượng để VN vào WTO không nên "vội vàng" vì còn một số điểm chưa giải quyết như bảo hộ và khả năng tiếp cận thị trường của thiết bị xây dựng, xe hơi, môtô...

 

Theo Việt Lâm

Vietnamnet