1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Cánh cửa WTO đã mở

Sau khi cuộc đàm phán song phương Việt - Mỹ kết thúc với nhiều tín hiệu tốt đẹp, các chuyên gia kinh tế đã tự tin khẳng định, Việt Nam vào WTO trong năm nay là hoàn toàn hiện thực. Tuy nhiên, để hoà nhập vào "sân chơi chung", Việt Nam còn phải đối mặt với rất nhiều thử thách lớn.

TS Lê Đăng Doanh: Không còn trở ngại gì lớn!

“Tôi rất vui mừng, thật tuyệt vời! Vì biết đây là một cuộc đàm phán rất khó khăn, hai bên đều quyết tâm, nỗ lực và như vậy việc Việt Nam trở thành thành viên của WTO là không còn trở ngại gì lớn nữa. Theo tôi, thỏa thuận này chấp nhận được cho cả hai bên. Sự kiện này rất đáng khích lệ trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, cam kết cải cách trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu.

Theo tôi, biết đàm phán đa phương không còn gì lớn nữa, các cuộc đàm phán song phương với các đối tác lớn là khó nhất mà chúng ta đã hoàn thành hết, thì triển vọng gia nhập WTO trong năm nay là hoàn toàn hiện thực. Một khi đã là thành viên của WTO, Việt Nam có điều kiện tiếp cận với thị trường các nước với tính pháp lý bình đẳng và khả năng xử lý các tranh chấp thương mại hợp lý, thách thức sắp tới của chúng ta đó là cần đẩy mạnh cải cách, tạo môi trường cạnh tranh nâng cao năng lực của nền kinh tế”.  

Ông Nguyễn Đình Lương, Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại Việt-Mỹ (BTA): Bắt tay ngay vào việc chuẩn bị cho thời kỳ hậu WTO

“Đây là một tin vui, quan trọng và rất ý nghĩa, theo tôi bây giờ phải làm ngay mấy việc. Thứ nhất, phải sớm công khai đầy đủ các cam kết thỏa thuận với Mỹ để chuẩn bị cho thời kỳ hậu WTO. Thứ hai, nên có nhận định sơ bộ hoặc dự báo cho nhân dân, doanh nghiệp biết những cam kết nào là tạo cơ hội, những cam kết nào tạo ra thách thức, những cam kết gì khác với luật lệ quy định hiện hành. Thứ ba, cần thực hiện công khai dân chủ cho mọi người bàn bạc thảo luận, hiến kế nhân cơ hội này thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh hơn, hội nhập nhanh hơn, sâu hơn.

Quan trọng nhất, muốn đánh giá hết thách thức sau khi vào WTO, chúng ta phải hiểu rõ nền kinh tế thế giới, nó đang vận động như thế nào, và phân tích, mổ xẻ cặn kẽ. Tôi đặc biệt nhấn mạnh điều này vì hiện nay thực sự chúng ta chưa hiểu sự vận hành của nền kinh tế thế giới, trong khi nền kinh tế chúng ta ngày càng gắn bó chặt chẽ với nó. Chúng ta phải mổ xẻ một cách thẳng thắn nền kinh tế Việt Nam hiện nay vì nền kinh tế chúng ta đang vận hành khác với nền kinh tế thế giới. Ngoài ra, cam kết với Mỹ lần này thực sự là một cam kết quan trọng, ràng buộc quan trọng mà sắp tới chúng ta phải tự điều chỉnh để tương thích với luật chơi”.

Luật sư Lê Công Định, Trưởng văn phòng Luật DC Lawyers: Khó khăn vẫn còn dù Việt Nam sẽ được lợi rất nhiều

“Thách thức lớn nhất là Việt Nam vẫn còn bị hạn chế về thương mại. Đó là điều kiện do phía Mỹ đưa ra khi Việt Nam dù gia nhập WTO nhưng vẫn còn bị xem là một nền kinh tế phi thị trường trong thời gian 12 năm như Trung Quốc. Khi đó, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ vẫn gặp nhiều khó khăn. Ví dụ khi bị điều tra và áp thuế chống bán phá giá, những nước có nền kinh tế phi thị trường sẽ bị mức thuế bất lợi hơn là những nước có nền kinh tế thị trường.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng sẽ có nhiều tiến bộ hơn khi gia nhập vào sân chơi chung vì phải tuân thủ các luật chơi quốc tế. Doanh nghiệp Việt Nam phải tự nâng cao sức cạnh tranh của mình. Nhìn chung, Việt Nam sẽ được lợi nhiều hơn. Chúng ta thấy Trung Quốc đã đạt được những kết quả phát triển rất tốt sau khi trở thành thành viên của WTO mặc dù vẫn chịu những hạn chế tương tự”.

Luật sư Nguyễn Ngọc Bích, Công ty Luật DC Lawyers: Doanh nghiệp sẽ khó khăn, còn người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi

“Người ta ra biển lớn lâu rồi, ta ở mãi sông nhỏ thì không được, đó là chuyện không còn bàn cãi nữa. Bơi ra biển lớn thì chúng ta được nhiều cơ hội hơn là điều tất nhiên. Nhưng chúng ta có bơi được không hay bị sóng đánh? Hàng chúng ta xuất đi Mỹ, châu Âu hay Nhật Bản đang bị gây khó khăn, bị "đánh" đủ kiểu. Có được tấm thẻ WTO trong tay, doanh nghiệp Việt Nam sẽ tự tin hơn.

Chẳng hạn việc bị kiện chống bán phá giá, doanh nghiệp sẽ đỡ bị cản trở khi Việt Nam vào WTO. Còn ở trong nước, các công ty đa quốc gia sẽ vào chia bớt thị phần. Nhưng điều đó phụ thuộc vào sức mua của người tiêu dùng chứ nhà sản xuất không quyết định được gì cả trong chuyện này. Nếu sức mua tăng cao, đủ hấp dẫn thì các "đại gia" sẽ vào, lúc đó doanh nghiệp trong nước không khéo sẽ "bị đè".

Một điều chắc chắn là doanh nghiệp sẽ khó khăn, còn người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi nhiều từ WTO. Với các doanh nghiệp chúng ta hiện nay, tôi nghĩ nếu không thay đổi tư duy, cách thức quản trị thì sẽ bơi không kịp. Tôi xin nêu một ví dụ, hiện nay nhiều doanh nghiệp trong nước làm mạnh về thương hiệu, quảng bá tên tuổi, điều đó tốt nhưng chỉ mới làm phần ngọn mà chưa đầu tư nhiều cho phần gốc, chất lượng sản phẩm chẳng hạn”.

Theo Xuân Danh - Trung Bình - Mai Phương 
Báo Thanh Niên