Dự kiến, sáng ngày 13/5 (giờ Washington), Bộ trưởng Trương Đình Tuyển sẽ có một thông báo chính thức về kết quả đàm phán.
Đến tận 1h sáng 13/5, đoàn đàm phán Việt Nam vẫn ngồi chờ kết quả từ cuộc hội ý giữa Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển và lãnh đạo cấp cao phái đoàn Mỹ.
Trước đó, Phiên đàm phán bổ sung giữa Việt Nam và Mỹ về vấn đề gia nhập WTO bắt đầu khoảng 11h sáng 12/5. Cuộc đàm phán đã kéo dài hơn dự kiến một ngày. Điều này cũng khiến Bộ trưởng Trương Đình Tuyển phải hoãn chuyến bay tới Manila dự Hội nghị Bộ trưởng các nước ASEAN như đã dự định.
Đến 8h tối cùng ngày, một người Mỹ mang các túi cơm hộp vào phòng họp. Cho đến tận 10h tối, không một thành viên nào rời khỏi phòng đàm phán tại Trụ sở Đại diện Thương mại Mỹ.
Trước khi bước vào ngày làm việc thứ tư, một thành viên trong đoàn đàm phán cho biết cả hai phía đều bước vào cuộc đàm phán với nỗ lực và quyết tâm cao, hy vọng khi rời phòng đàm phán có thể "có cái gì cầm tay". Tuy nhiên không ai tiết lộ chi tiết nào về phiên đàm phán nhưng giọng nói đều lộ vẻ căng thẳng và mệt mỏi. Cũng không có thành viên nào có thể dự đoán được khi nào phiên đàm phán cường độ cao này sẽ kết thúc.
Mức độ căng thẳng của cuộc thương thảo Việt - Mỹ lần này đã được dự báo trước bởi hai phía đang đi tới những điểm cuối cùng. Tuy nhiên, sự căng thẳng và khó khăn trên thực tế đã vượt ra ngoài dự đoán.
Vấn đề "gai góc" nhất khiến tiến trình đàm phán Việt - Mỹ kéo dài hơn dự định lại xuất phát từ Quyết định 55 của Việt Nam về huy động nguồn vốn 4 tỉ USD hỗ trợ dệt may (được đăng tải trên một tờ báo của Việt Nam).
Theo một nguồn tin riêng, vấn đề này đã gây ra căng thẳng đến mức suýt nữa dẫn đến việc huỷ bỏ đàm phán.
Hãng AFP dẫn lời một quan chức giấu tên nói Mỹ "thận trọng hơn một số nước khác... và quyền lợi cũng đa dạng hơn nhiều". Quan chức này cho biết thêm Mỹ không muốn rơi vào tình huống mà "tin tốt là có được mức thuế rất thấp và tin xấu là sản phẩm vẫn bị cấm".
Theo Việt Lâm
VietNamNet