Đại biểu lo thủ tục lòng vòng, giải quyết xong DN đã "gần đất xa trời"
(Dân trí) - Nhấn mạnh chính quyền cần thể hiện thái độ phụng sự, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng việc gì cần để doanh nghiệp phát triển thì làm ngay, tránh giải quyết xong thì doanh nghiệp đã "gần đất xa trời".
Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh Trịnh Xuân An trong bài phát biểu về kinh tế - xã hội chiều 31/5 đã nhấn mạnh việc giải quyết thủ tục nhanh gọn để kịp "cứu nguy" cho doanh nghiệp trong bối cảnh nhiều khó khăn.
Thay đổi văn hóa "đi xin, đi chạy"
Ghi nhận báo cáo của Chính phủ và cơ quan thẩm tra của Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội, đại biểu Trịnh Xuân An khái quát một bức tranh toàn cảnh có đủ gam màu sáng - tối với nhiều kết quả nhưng cũng còn không ít băn khoăn, lo lắng.
Đưa ra những góp ý trên nghị trường về nội dung này, đại biểu Trịnh Xuân An nhìn nhận mức tăng trưởng GDP quý I đạt 3,32% là mức thấp, để đạt mục tiêu 6,5% cho cả năm, cần quyết tâm và nỗ lực thật cao. Nhiệm vụ quan trọng, theo ông, cần chú trọng củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế.
Song song với đó, đại biểu An cho rằng phải có những giải pháp cấp bách, thậm chí vượt tiền lệ để cứu nguy, hỗ trợ cho hệ thống doanh nghiệp.
"Doanh nghiệp là nền tảng vật chất, động lực cho phát triển nhưng từ các số liệu cho thấy hệ thống doanh nghiệp đang ở giai đoạn thực sự khó khăn", theo đánh giá của đại biểu Trịnh Xuân An.
Ông nêu 4 nút thắt doanh nghiệp đang gặp phải là: thiếu hụt về đơn hàng, tắc nghẽn dòng vốn; thể chế không đầy đủ, thủ tục hành chính bủa vây và những rủi ro pháp lý có thể gặp phải trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nói thêm về thực tế doanh nghiệp khát tín dụng nhưng không tiếp cận được vốn, đại biểu đánh giá cao trách nhiệm của Chính phủ khi phải dùng cả mệnh lệnh hành chính để yêu cầu giảm lãi suất (mặc dù vẫn cao).
Dù vậy, ông nhấn mạnh việc giảm lãi suất không quan trọng bằng tiếp cận được vốn và đưa nguồn vốn đó vào sản xuất kinh doanh.
Cùng với tín dụng, theo ông An, cần tiếp tục khơi thông các kênh dẫn vốn khác như trái phiếu và chứng khoán, đồng thời tiếp tục rà soát thể chế, đơn giản thủ tục hành chính một cách thực chất hơn và thay đổi văn hóa "doanh nghiệp phải đi xin, đi chạy".
"Chính quyền, nhà quản lý cần thể hiện thái độ phụng sự, chủ động đến với doanh nghiệp để gỡ khó. Những việc cần làm để hệ thống doanh nghiệp phát triển thì nên làm ngay, quyết định ngay, bớt các khâu xin ý kiến, trao đổi lòng vòng giữa các cơ quan, bộ ngành, tránh đến khi giải quyết được thì doanh nghiệp đã gần đất xa trời", ông An lưu ý.
Trong bối cảnh khó khăn, vị đại biểu cũng cho rằng cần bớt các nội dung kiểm tra, thanh tra để tránh tình trạng doanh nghiệp phải lao đao giải trình.
Dân xếp hàng mua xăng, trách nhiệm bộ ngành chưa cao
Về vai trò quản lý, vị đại biểu nêu quan điểm các bộ ngành cần làm rõ vai trò chủ trì, chủ động xử lý và hạn chế việc đẩy trách nhiệm lên cho cấp trên, người đứng đầu.
"Không phải nội dung gì cũng phải để Thủ tướng ra công điện đôn đốc hoặc Chính phủ phải ra nghị quyết gỡ khó", ông An nói.
Đại biểu này nêu thực tế vừa qua, việc người dân, doanh nghiệp phải chờ đợi mua xăng, xếp hàng cả đêm để đăng kiểm xe ô tô, loay hoay với các quy định về PCCC, xếp hàng làm thủ tục xin lý lịch tư pháp… cho thấy khâu phối hợp và trách nhiệm xử lý của các bộ, ngành chưa cao, chưa quyết liệt.
"Trong quản lý, chúng tôi mong đôi khi cơ quan Nhà nước tự nhận phần khó về mình để vất vả một chút nhưng xử lý được ngay vấn đề cho người dân và doanh nghiệp mong đợi", ông An chia sẻ trên nghị trường.
Phần cuối trong bài phát biểu, ông An đề nghị Quốc hội quan tâm đến lĩnh vực quốc phòng - an ninh. Ngoài quan tâm, đầu tư trang bị, theo ông An, cần tiếp tục chú trọng về hỗ trợ thu nhập, nâng cao đời sống nhất là chế độ tiền lương thu nhập để cán bộ, chiến sĩ yên tâm phục vụ.
"Lương của sĩ quan chuyên lái xe tăng chưa bằng một nửa lái xe Grab trong một tháng, như vậy rất thiệt thòi cho anh em", đại biểu dẫn chứng.