Quốc hội thảo luận kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước
(Dân trí) - Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2022 và kế hoạch năm 2023 ngày hôm nay, các thành viên Chính phủ sẽ tham gia giải trình một số vấn đề ĐBQH đề cập.
Ngày 31/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2022 và kế hoạch năm 2023.
Theo báo cáo của Chính phủ, tăng trưởng GDP quý I năm nay đạt 3,32% - thấp hơn cùng kỳ 2022 là 5,03%. Nhiều địa phương sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp, thậm chí có tỉnh tăng trưởng âm; thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp.
Thu ngân sách Nhà nước năm 2023, Chính phủ cho biết có xu hướng giảm; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng mới đạt 15,65% kế hoạch năm. Số doanh nghiệp thành lập mới giảm, trong khi số tạm ngừng hoạt động và giải thể tăng.
Trong khi đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản tiếp tục gặp khó khăn về thanh khoản, dòng tiền.
Nguyên nhân của tăng trưởng chưa đạt kỳ vọng, theo Chính phủ, chủ yếu do tình hình kinh tế, chính trị thế giới diễn biến phức tạp, vượt dự báo, tạo áp lực lớn lên công tác chỉ đạo điều hành.
Nền kinh tế có độ mở lớn, trong khi năng lực nội tại còn thấp, sức chống chịu và tính cạnh tranh chưa cao. Một bộ phận cán bộ, công chức chưa quyết liệt, có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy.
"Tồn tại, yếu kém nội tại nền kinh tế kéo dài từ lâu đến nay mới dần bộc lộ rõ trong điều kiện khó khăn, nhất là thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng yếu kém", báo cáo Chính phủ nêu.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế ghi nhận năm 2022, Chính phủ đã có những quyết sách đúng đắn, kịp thời, giúp kinh tế phục hồi nhanh, đạt được kết quả khá toàn diện.
Tuy nhiên, thu ngân sách Nhà nước năm 2022 chỉ vượt 403.800 tỷ đồng, tương đương 28,6% so với dự toán - phản ánh xây dựng dự toán quá thấp, làm bó hẹp không gian tài khóa và ảnh hưởng đến dự toán thu của năm tiếp theo.
Cơ quan thẩm tra cho rằng thu ngân sách còn chứa đựng yếu tố chưa bền vững, phần lớn tăng thu từ đất (vượt gần 55% so với dự toán).
Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế trong nước và trên thế giới, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế.
Bên cạnh nhiệm vụ giữ sự phát triển ổn định, an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, thị trường tiền tệ, bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, Chính phủ cần xem xét tiếp tục hạ lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ tăng trưởng; kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng sử dụng vốn, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.