Đề xuất Quốc hội cho đại biểu nam mặc áo dài ngũ thân
(Dân trí) - "Tôi đã dự định mặc áo ngũ thân trong phiên khai mạc Quốc hội nhưng cẩm nang đại biểu có quy định nam mặc bộ comple", đại biểu Nguyễn Văn Cảnh chia sẻ.
Mặc bộ áo dài ngũ thân nam tối màu xuất hiện trên nghị trường Quốc hội sáng 31/5, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) dành một nửa thời gian trong bài phát biểu của mình để nói về vấn đề trang phục truyền thống.
Tại kỳ họp Quốc hội lần này, hình ảnh một số đại biểu Quốc hội mặc áo dài ngũ thân cũng bắt đầu xuất hiện trên nghị trường.
Theo ông Cảnh, với những hội nghị lớn ở nước ngoài thường quy định khách mời mặc trang phục truyền thống hoặc mặc comple. "Chúng ta chưa quy định trang phục truyền thống trong ngoại giao, chỉ mặc áo vest có sẵn nên chưa đưa được bản sắc riêng đến bạn bè quốc tế", ông Cảnh trăn trở.
Mong muốn có một bộ trang phục truyền thống dành cho hoạt động văn hóa, sự kiện ngoại giao đã được nhiều đại biểu nhắc đến. Lần này, vị đại biểu tỉnh Bình Định chia sẻ ông đang mặc một chiếc áo dài ngũ thân nam và đã mặc 3 chiếc áo khác trong kỳ họp thứ 5, mỗi chiếc áo phù hợp một số hoàn cảnh.
Ông Cảnh phân tích áo dài ngũ thân có 4 thân ngoài tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu ôm lấy một thân con tượng trưng cho người mặc, điều này thể hiện tình thương của cha mẹ, nhắc nhở người mặc về chữ hiếu của người Việt. 5 cúc áo được xem tượng trưng ngũ thường: nhân, lễ, nghĩa, chí, tín, nhắc người mặc sống nhân nghĩa hơn, ứng xử văn hóa hơn.
Theo ông, áo dài ngũ thân nam cũng đang có xu hướng được mặc lại ngày càng nhiều.
Kể lại ý định mặc áo ngũ thân trong phiên khai mạc Quốc hội nhưng do cẩm nang đại biểu có quy định nam mặc comple, ông Cảnh cho biết mình đã không mặc áo dài ngũ thân vì lý do đó.
Từ câu chuyện kể trên nghị trường, vị đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét đưa một nội dung vào Nghị quyết kỳ họp này là cho phép đại biểu được mặc áo dài ngũ thân nam tại các phiên họp, bên cạnh việc mặc comple, để đại biểu được phép mặc vào viếng lăng Bác hay trong lễ chào cờ.
Ông cho rằng nếu quy định trong nghị quyết, Chính phủ và các địa phương sẽ không phải rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định này trong các văn bản dưới luật về trang phục. "Việc mặc áo ngũ thân không làm thay đổi quy định nào về việc mặc các trang phục khác, không phải thay thế bộ comple mà chỉ giúp đại biểu, người tham dự có thêm lựa chọn được mặc trang phục truyền thống trong các hoạt động văn hóa, sự kiện ngoại giao", ông Cảnh nêu quan điểm.
Ông nhấn mạnh việc cho phép mặc áo dài ngũ thân nam tại các hội nghị, các sự kiện sẽ giúp cho các cơ quan có trách nhiệm và người dân có cái nhìn thực tế, có thời gian để nhìn rõ hơn về giá trị truyền thống, sự phù hợp thực tiễn khi đưa áo dài ngũ thân về lại với đời sống người Việt.
Việc này cũng hướng đến xây dựng riêng một bộ lễ phục truyền thống cho người Việt tại các hội nghị văn hóa lớn, các sự kiện ngoại giao Nhà nước. Bộ lễ phục này, theo ông Cảnh, sẽ vẫn giữ gìn nét truyền thống, phù hợp với sinh hoạt, công việc trong xã hội hiện đại và tương xứng với trang phục của người đồng cấp trong sự kiện ngoại giao, trong hoạt động giao lưu văn hóa quốc tế.
Đại biểu tỉnh Bình Định khẳng định trong thời kỳ hội nhập, để không bị hòa tan thì phải giữ được bản sắc văn hóa riêng của dân tộc Việt và trang phục là một phần của bản sắc văn hóa.
"Các nước xung quanh ta và trên thế giới phần lớn đều có lễ phục truyền thống. Đề án về trang phục truyền thống đến nay vẫn chưa được thông qua theo tôi một phần là do chưa có quy định cho mặc thí điểm để có nhiều thực tiễn", ông Cảnh nói và mong Quốc hội chấp nhận đề xuất trên, để Chính phủ, các địa phương quan tâm đến việc phát triển lễ phục truyền thống trong thời gian tới.
Vấn đề đại biểu Cảnh nêu cũng từng được đem ra nghị trường trong kỳ họp hồi tháng 3/2021.
Khi đó, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu đưa áo dài ngũ thân nam truyền thống để báo cáo Quốc hội, báo cáo Chính phủ xây dựng luật về nghi lễ, quốc phục, quốc hoa.