Đại biểu đề nghị công an chụp ảnh căn cước công dân "đúng và đẹp"

Hoài Thu

(Dân trí) - Theo đề nghị của đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, khi chụp ảnh công dân để làm thẻ căn cước, công an cần chụp thế nào cho đúng và đẹp.

Ý kiến này được đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu ra khi thảo luận về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), chiều 22/6.

Ông Trí đề nghị trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cần ghi đủ các mục như nơi sinh, trú quán, quê quán, nguyên quán, bởi việc này giúp dễ quản lý hơn.

Ngoài ra, theo ông Trí, với khuôn mặt công dân khi làm thẻ căn cước công dân, công an cần chụp cho đúng và đẹp.

Đại biểu đề nghị công an chụp ảnh căn cước công dân đúng và đẹp - 1

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Ảnh: Phạm Thắng).

Trong dự thảo luật lần này có nội dung quy định thẻ căn cước được sử dụng thay hộ chiếu trong trường hợp giữa Việt Nam với nước ngoài có ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận sử dụng thẻ căn cước thay cho hộ chiếu.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy khi góp ý quy định này đã nhắc đến hướng dẫn số 9303 của tổ chức hàng không dân dụng quốc tế ICAO, trong đó nêu rõ nhiều thông tin bắt buộc trong trang dữ liệu hộ chiếu, gồm số hộ chiếu, loại hộ chiếu, mã số và chữ ký chủ hộ chiếu. Hướng dẫn này có giá trị đối với tất cả quốc gia và các hãng vận chuyển.

Trong khi đó, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, dự thảo luật hoàn toàn không có các thông tin liên quan đến hộ chiếu. Do vậy, không thể sử dụng thẻ căn cước công dân thay thế hộ chiếu. Bà đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để điều chỉnh cho phù hợp nếu muốn sử dụng căn cước thay hộ chiếu trong thời gian tới.

"Chúng tôi được biết hiện chưa có nước nào quy định hoặc chấp nhận cho chúng ta sử dụng thẻ căn cước thay cho hộ chiếu", bà Thủy nói thêm.

Liên quan đến thông tin trên thẻ căn cước công dân, dự thảo Luật đã điều chỉnh một số thông tin so với luật hiện hành, trong đó có việc bỏ mục "quê quán", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy đề nghị nghiên cứu thêm việc bỏ "quê quán".

"Theo quy định hiện hành, chỉ cơ quan tổ chức được khai thác thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sử dụng thiết bị chuyên dụng được Bộ Công an cấp phép mới được khai thác thông tin tích hợp trong thẻ. Còn trong giao dịch hàng ngày, các chủ thể khác có nhu cầu sử dụng thẻ căn cước này cần thông tin giúp nhận diện lai lịch của con người", bà Thủy phân tích và đề nghị không bỏ mục "quê quán" trên thẻ căn cước công dân.

Đại biểu đề nghị công an chụp ảnh căn cước công dân đúng và đẹp - 2

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy (Ảnh: Phạm Thắng).

Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Hòa (Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Đồng Tháp) lại cho rằng 24 nhóm thông tin tích hợp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư "là quá nhiều". Nhiều nội dung không cần thiết như nhóm máu; nơi ở hiện tại; số chứng minh nhân dân (nếu đã có thẻ căn cước); ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích...

Theo ông Hòa, cần quy định cụ thể thông tin nào buộc phải cập nhật và thông tin nào chỉ để áp dụng cho những trường hợp cá biệt. Vị đại biểu đề nghị cân nhắc tích hợp thông tin về nghề nghiệp, ADN vì nghề nghiệp có thể thay đổi theo thời gian, còn thông tin ADN phải đi xét nghiệm mới có và chi phí rất tốn kém.

Về vấn đề bảo mật, ông đề nghị quy định thông tin cá nhân trong dữ liệu quốc gia về dân cư, dữ liệu căn cước của cá nhân phải được bảo vệ mật, trường hợp muốn khai thác dữ liệu phải được sự đồng ý của người đó, trừ trường hợp đặc biệt khác.

"Cơ quan quản lý phải chịu trách nhiệm về bảo mật nếu thông tin cá nhân bị lộ lọt ra ngoài kẻ xấu lợi dụng ảnh hưởng đến sinh hoạt đời sống của người dân", đại biểu Hòa nêu ý kiến.