1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Cuộc giải cứu 2 phi công vụ máy bay quân sự Yak-130 rơi ở Bình Định

Doãn Công

(Dân trí) - Giữa màn đêm đen kịt, những cơn mưa xối xả, nhưng từng đoàn quân băng rừng, tìm kiếm mọi ngóc ngách của núi rừng ở huyện Tây Sơn (Bình Định) để giải cứu 2 phi công sau vụ rơi máy bay Yak-130.

Hơn 10 giờ chạy đua tìm kiếm 2 phi công

Lúc 0h ngày 7/11, trời vẫn mưa như trút nước, chiếc xe cứu thương từ hướng chân núi khu du lịch Hầm Hô, rẽ vào Đền thờ danh tướng Võ Văn Dũng (xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, Bình Định).

Tại đây, các đồng đội đã đợi sẵn để đón Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 940, phi công đầu tiên trong vụ rơi máy bay huấn luyện Yak-130 được đưa ra khỏi rừng an toàn.

Cuộc giải cứu 2 phi công vụ máy bay quân sự Yak-130 rơi ở Bình Định - 1

Anh Nguyễn Văn Liển, Phó phi đội trưởng Phi đội 1, Trung đoàn 940, là một trong những người đầu tiên tìm được 2 phi công (Ảnh: Doãn Công).

Qua ghi nhận, Đại tá Sơn sức khỏe ổn định, đi lại bình thường. Sau khi được thăm khám ban đầu, Đại tá Sơn được đưa lên xe cứu thương di chuyển thẳng đến Bệnh viện Quân y 13 (thành phố Quy Nhơn, Bình Định) để tiếp tục theo dõi, điều trị.

Đến 0h40 cùng ngày, Thượng tá Nguyễn Hồng Quân, phi công thứ 2 được các lực lượng cứu hộ đưa ra khỏi rừng sâu trong niềm vui của đồng đội, cùng các lực lượng tham gia cứu hộ; kết thúc hành trình hơn 10 giờ vật lộn trong rừng sâu tìm kiếm 2 phi công gặp nạn.

Trong tổ tìm kiếm, đưa 2 phi công trở về an toàn, anh Nguyễn Văn Liển, Phó Phi đội trưởng Phi đội 1, Trung đoàn Không quân 940 là người góp công lớn khi lần lượt tìm được 2 phi công.

Cuộc giải cứu 2 phi công vụ máy bay quân sự Yak-130 rơi ở Bình Định - 2

Trung tướng Phạm Trường Sơn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam động viên cán bộ, chiến sĩ góp công tìm kiếm 2 phi công (Ảnh: Doãn Công).

Kể về hành trình tìm kiếm 2 phi công, anh Nguyễn Văn Liển, nói: "Tất cả vì tinh thần, trách nhiệm với đồng đội và tôi nghĩ chúng tôi gặp may mắn nhiều hơn nên đã sớm tìm được 2 phi công".

Trung tướng Phạm Trường Sơn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, đánh giá cao các lực lượng cứu hộ đã tích cực phối hợp tìm kiếm, nhanh chóng tìm ra 2 phi công trong điều kiện trời mưa to, gió lớn, địa hình rừng núi hiểm trở.

Theo Trung tướng Sơn, từ sự chỉ đạo ban đầu của lãnh đạo Bộ Quốc phòng mà trực tiếp là Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đã rất quan tâm, chu đáo để tất cả các lực lượng từ trên xuống dưới, triển khai nhanh chóng, kịp thời nhất.

Ngay khi nhận nhiệm vụ, các đơn vị tìm kiếm đã triển khai hàng loạt giải pháp kỹ thuật chuyên nghiệp từ hỗ trợ thiết bị số, định vị, radar, điện thoại thông minh… để tính toán, triển khai tìm kiếm rất kịp thời, hợp lý.

"Mệnh lệnh từ con tim"

Theo anh Nguyễn Văn Liển, trưa 6/11, khi nghe tin sự cố, mặc dù không được lãnh đạo đơn vị giao nhiệm vụ, nhưng vì nghĩa tình đồng đội, trách nhiệm như "mệnh lệnh từ con tim". Đặc biệt hơn, người thầy, Đại tá Nguyễn Văn Sơn cũng bị nạn nên anh Liển tự nguyện tham gia tìm kiếm.

Cuộc giải cứu 2 phi công vụ máy bay quân sự Yak-130 rơi ở Bình Định - 3

Các lực lượng chức năng tìm kiếm 2 phi công trước đó (Ảnh: Bình Định).

Khoảng 17h ngày 6/11, khi Thượng tá Nguyễn Hồng Quân, Chủ nhiệm bay thuộc tổ bay tập huấn máy bay Yak-130 - phi công trong vụ rơi máy bay đã bắt được sóng, liên hệ và gửi định vị về đơn vị, báo cáo mình sống sót, yêu cầu được hỗ trợ.

"Lúc 18h, tổ tìm kiếm gồm 11 người đã có mặt ở khu vực rừng núi xã Vĩnh An, huyện Tây Sơn để tìm kiếm theo tọa độ, định vị của phi công Nguyễn Hồng Quân. Trời lúc đó mưa to hơn, mà rừng núi Vĩnh An càng vào sâu là rừng già nguyên sinh, đường đi rất hiểm trở", anh Liển kể.

Đến khoảng 20h, tổ tìm kiếm của anh Liển đã thấy Thượng tá Quân. "Khi gặp được Thượng tá Quân, chúng tôi chỉ biết ôm lấy nhau mà khóc", anh Liển nói.

Anh Liển kể, do nhảy dù không thuận lợi, Thượng tá Quân bị treo trên ngọn cây rừng hàng chục mét nên khi tiếp đất, nước uống, đồ ăn, dụng cụ cấp cứu không còn.

Sau đó, tổ tìm kiếm cắt cử 4 người đưa Thượng tá Quân ra khỏi rừng, 7 người còn lại tiếp tục cắt rừng qua đỉnh núi khác để tìm Đại tá Nguyễn Văn Sơn.

"Từ vị trí Thượng tá Quân qua tọa độ của Đại tá Sơn khoảng 1km, nhưng đường rừng rậm rạp hiểm trở. Bởi vậy, phải 2 giờ sau, đến 22h tổ tìm kiếm mới tiếp cận được vị trí của Đại tá Sơn", anh Liển kể lại.

Thoát nạn trở về, Đại tá Sơn cho biết, lúc nhảy dù rơi giữa rừng, đã bắn hết pháo hiệu cầu cứu, sau đó men theo suối lớn cố lần đường ra ngoài.

Tuy nhiên, đường suối quá hiểm trở nên Đại tá Sơn buộc phải quay lại, leo lên đỉnh núi cao hơn để bắt tín hiệu sóng, cố liên hệ cho đơn vị.

Còn Thượng tá Nguyễn Hồng Quân cho biết, lúc máy bay bị sự cố, anh đã nhảy dù, bị vướng và treo trên cây rừng khoảng 10m so với mặt đất. Phải mất 10 phút, anh mới thoát khỏi tình thế nguy hiểm và bám vào cành, thân cây để xuống đất.

"Sau khi tiếp đất, tôi tìm leo lên một đỉnh núi cao và may mắn dò được sóng điện thoại, leo lên một chút nữa thì có mạng 4G. Sau đó tôi gọi được về đơn vị, phát định vị của mình và ở nguyên vị trí cho đến khi lực lượng tìm kiếm kịp thời đến hỗ trợ", Thượng tá Quân nói.

Trước đó, máy bay Yak-130 (số hiệu 210 D) Trung đoàn Không quân 940, Trường Sĩ quan Không quân, Quân chủng Phòng không - Không quân tổ chức ban bay huấn luyện tại sân bay Phù Cát (tỉnh Bình Định).

Máy bay cất cánh lúc 9h55 ngày 6/11. Lúc 10h38 khi kết thúc bài bay về hạ cánh, phi công báo cáo tình trạng máy bay thả càng không ra, đồng thời thực hiện các biện pháp xử lý tình huống thả càng khẩn cấp nhưng vẫn không được.

Phi công đã báo cáo chỉ huy bay và được phép nhảy dù. Hai phi công đã nhảy dù lúc 10h51 tại khu vực Trường bắn TB2, huyện Tây Sơn (Bình Định).

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm