1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Khoanh vùng khu vực máy bay Yak-130 rơi

Doãn Công

(Dân trí) - Theo ngành chức năng, qua các đài radar trong khu vực đều phát hiện nơi máy bay mất tín hiệu cuối cùng là ở khu rừng thuộc huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai, cách sân bay Phù Cát (tỉnh Bình Định) khoảng 90km.

Ngày 7/11, trao đổi với báo chí, Trung tướng Phạm Trường Sơn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, cho biết, các lực lượng đang tiếp tục tổ chức tìm kiếm vị trí máy bay rơi, giải mã hộp đen để tìm nguyên nhân khiến máy bay gặp sự cố.

Theo Trung tướng Phạm Trường Sơn, các đài radar trong khu vực đều phát hiện vị trí máy bay mất tín hiệu cuối cùng, sẽ xác định được khu vực đó máy bay rơi. Tuy nhiên, để tìm được vị trí chính xác máy bay rơi thì rất khó vì rừng rộng, mưa to, gió lớn, có những con suối cắt qua, dòng chảy rất xiết. 

Khoanh vùng khu vực máy bay Yak-130 rơi - 1

Khu rừng ở xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định - nơi tìm thấy 2 phi công (Ảnh: Doãn Công).

Đến sáng 7/11, đã có hơn 10 tổ, đội gồm bộ đội, kể cả Quân khu 5, lực lượng không quân, công an, kiểm lâm… tiếp cận gần khu vực máy bay mất tín hiệu cuối cùng, thuộc khu vực rừng huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai), cách sân bay Phù Cát khoảng 90km.

Cũng trong sáng nay, các tổ, đội tiếp tục cơ động được giao nhiệm vụ đưa phương tiện vào rừng tổ chức tìm kiếm. 

Theo Trung tướng Phạm Trường Sơn, sơ bộ là do lỗi kỹ thuật, khi thả càng, một càng chính bên phải không bung ra. Đây là tình huống rất phức tạp mà trong chỉ định bắt buộc phi công phải nhảy dù.

Trung tướng Phạm Trường Sơn cho rằng, quyết định nhảy dù là hoàn toàn chính xác, đây là tình huống trong chỉ lệnh bắt buộc phi công phải nhảy dù, không được phép hạ cánh khẩn cấp ở trên đường băng đất, kể cả đường băng bê tông hay được rải các chất chống cháy.

Bởi vì một càng chính không bung ra có nghĩa là càng trước và càng trái cũng không bung ra hoặc ngược lại. Cụ thể ở đây là càng phải không bung ra, khi hạ xuống không cân bằng sẽ gây cháy nổ và phi công sẽ hy sinh ngay.

"Quyết định nhảy dù là hoàn toàn chính xác và lựa chọn khu vực nhảy dù lại càng chính xác hơn nữa. Đó là sự hy sinh rất lớn, một hành động vô cùng dũng cảm để giành sự an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân. Theo chỉ lệnh các phi công được phép nhảy dù ngay, nhưng các phi công vẫn bay hơn 20km hướng về phía đồi núi để nhảy dù", Trung tướng Phạm Trường Sơn nhấn mạnh.

Khoanh vùng khu vực máy bay Yak-130 rơi - 2

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định và Trung tướng Phạm Trường Sơn thăm hỏi, động viên phi công sau sự cố (Ảnh: Bình Định).

Trước đó, theo Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị), máy bay Yak-130 (số hiệu 210 D) Trung đoàn Không quân 940, Trường Sĩ quan Không quân, Quân chủng Phòng không - Không quân tổ chức bay huấn luyện tại sân bay Phù Cát.

Máy bay cất cánh lúc 9h55, đến 10h38 ngày 6/11 khi kết thúc bài bay về hạ cánh, phi công báo cáo tình trạng máy bay thả càng không ra, đồng thời thực hiện các biện pháp xử lý tình huống thả càng khẩn cấp nhưng vẫn không được.

Phi công đã báo cáo chỉ huy bay và được phép nhảy dù. Hai phi công đã nhảy dù lúc 10h51 tại khu vực Trường bắn TB2, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.

Khoanh vùng khu vực máy bay Yak-130 rơi - 3

Trung tướng Phạm Trường Sơn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ đạo công tác tìm kiếm trong đêm 6/11 (Ảnh: Doãn Công).

Đến 16h30 cùng ngày, Thượng tá phi công Nguyễn Hồng Quân đã liên lạc về đơn vị.

Khoảng 18h45, lực lượng tìm kiếm cứu nạn liên lạc qua điện thoại được với Đại tá phi công Nguyễn Văn Sơn.

Lúc 0h ngày 7/11, Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Trung đoàn Trưởng Trung đoàn 940 đã được lực lượng cứu hộ đưa ra khỏi rừng an toàn.

Đến 0h40 ngày 7/11, Thượng tá Nguyễn Hồng Quân cũng đã được lực lượng chức năng hỗ trợ đưa ra khỏi rừng an toàn.

Cả 2 phi công sau đó được đưa lên xe cứu thương về Bệnh viện Quân y 13 để tiếp tục theo dõi, điều trị.

Trung tướng Phạm Trường Sơn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam đánh giá rất cao nỗ lực của các lực lượng, đặc biệt là sự phối hợp và triển khai nhanh chóng, trúng và đúng.