1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Chuyện “nhặt” ở khu chung cư cao cấp bậc nhất Hà thành

(Dân trí) - Khu Trung Hòa - Nhân Chính được coi là một trong những khu chung cư hiện đại nhất Thủ đô. Song có đến nghe và chứng kiến những gì đang diễn ra ở đây mới thấy quả vẫn còn nhiều chuyện nực cười.

Nhờ công ty nước thải xét nghiệm nước sinh hoạt!

 

Anh Nguyễn Thanh Ngọc, tổ trưởng tổ dân phố của dãy nhà 24T1 đã nhanh chóng “vào đề” thông qua câu chuyện nóng hổi liên quan đến nước sinh hoạt. Sau khi các phương tiện thông tin đại chúng đưa ra kết quả xét nghiệm nước sinh hoạt tại khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính nhiễm asen gấp 5 lần cho phép, lãnh đạo công ty Vinasinco đã có một lá thư cảm ơn về sự phản ảnh này và lá thư cũng được gửi tới tổ trưởng tổ dân phố của các dãy nhà.

 

Điều đáng nói là đi kèm với lá thư thể hiện tinh thần tiếp thu, những người cung cấp dịch vụ không quên kèm theo hai phiếu xét nghiệm nước: một phiếu do công ty trực tiếp thực hiện và một phiếu do hộ dân ở phòng 201, nhà 17T4 đi xét nghiệm.

 

Phiếu xét nghiệm của công ty Vinasinco có đề cập tới nhiều hoá chất khác nhau nhưng lại tảng lờ chất asen. Phiếu của gia đình ở phòng 201 có xét nghiệm asen với kết quả là không nhiễm chất này và đơn vị đã làm xét nghiệm là một công ty TNHH nước thải! Theo anh Nguyễn Thanh Ngọc, hai phiếu xét nghiệm đã chủ động thể hiện tinh thần ngược chiều với nội dung lá thư cảm ơn.

 

Các tổ dân phố đã phản hồi sự mâu thuẫn này với lãnh đạo công ty Vinasinco thì nhận được một lời giải thích nhẹ tênh: “Tôi đã bảo cậu nhân viên đừng gửi kèm hai phiếu xét nghiệm này, nhưng không hiểu sao cậu ta vẫn gửi!”.

 

Tầng 1 là “trụ sở” bệnh viện Việt Pháp

  

Câu chuyện nữa từ anh Ngọc: Một ngày kia, phòng “khám bệnh” của bệnh viện Việt Pháp đột nhiên “hạ cánh” xuống tầng một của tòa chung cư. Anh Ngọc được nhân viên của phòng khám mời phát biểu khai trương với lời gợi ý: “Sự xuất hiện của phòng khám mang lại sự tiện ích cho cư dân của dãy nhà”.

 

Anh Ngọc đã từ chối lời mời và phân tích một số “tác hại” khi phòng khám bao gồm cả các phòng X-Quang, phòng lưu trú bệnh nhân, điều trị tích cực… đặt tại khu dân cư. Theo anh Ngọc, nguy cơ phơi nhiễm và lây nhiễm là điều rất dễ xảy ra. Hơn nữa, phòng khám Việt Pháp này có chi phí cao “chót vót” mà không phải người dân nào ở khu chung cư cũng với tới được. Chưa kể, chất thải của phòng khám chữa bệnh sẽ hòa cùng hệ thống nước thải của dãy nhà rồi phát tán đi khắp nơi.

 

Bất chấp những ý kiến rất xác đáng đó, Vinasinco vẫn quyết định để phòng khám đó “chễm chệ” nơi tầng một tòa nhà. Anh Ngọc chua chát: “Là cư dân của dãy nhà nhưng chúng tôi không biết mình có quyền gì, trách nhiệm gì và đã mất rất nhiều công sức để tự tìm hiểu về điều này”.

 

Tiền dịch vụ “thích nộp thế nào thì nộp”

 

Đầu tháng 6 vừa qua, các hộ dân trong khu đô thị tá hỏa khi nhận được thông báo của Công ty Vinasinco về việc tăng phí các loại giá dịch vụ, trông giữ xe… lên 200-300%. Bà Bùi Thị Chi - tổ trưởng tổ dân phố nhà 24T2 - bức xúc: “Khi người dân đồng loạt phản ứng thì mới “tóe” ra nhiều vấn đề. Không còn khoản thu nào để bù chi cho việc tu sửa các khu nhà nên công ty phải tăng giá dịch vụ”.

 

Khi tổ dân phố có ý kiến, ông Đỗ Đăng Tá - Phó giám đốc Công ty Vinasinco - “dọa”: tăng phí dịch vụ lần này (từ 30.000 đồng/hộ/tháng lên 100.000 đồng/hộ/tháng) chỉ là tạm thời, sau này có thể lên tới 280.000 đồng/hộ/tháng, thậm chí đường hỏng, vỉa hè bong tróc… thì còn phải đóng nhiều hơn.

 

Dân đấu tranh quyết liệt đến gần 2 tháng, công ty “xuống nước”, nói lời xin lỗi dân nhưng trong biên bản làm việc thì vẫn lấp lửng: có thể theo cả giá mới và giá cũ, ai thích nộp kiểu nào cũng được (?!). Nhưng khi nhân viên công ty đi thu tiền thì ngoài Ban cán sự tổ dân phố ra, không ai được chấp nhận nộp theo giá cũ. Cách làm việc tùy tiện, “bỏ lửng” như vậy khiến dân rất bức xúc.

 

Cầu thang thoát hiểm: “Mấy khi dùng” (?)

 

Câu chuyện về cầu thang thoát hiểm ở các tòa nhà còn… tiếu lâm hơn nữa. Hệ thống thoát hiểm ở đây không được coi trọng, cái thì bị bịt lại, làm lối đi riêng của siêu thị, nhà hàng ở tầng 1, cái thì lúc mở lúc khóa,…

 

Dân bức xúc: “Khi có sự cố xảy ra, mọi người sẽ thoát hiểm bằng lối nào? Hay chúng tôi phải nhảy từ tầng 24 xuống như kiểu phim hành động?” thì nhận được câu trả lời không kém phần “hóm hỉnh” của ông Phó giám đốc Đỗ Đăng Tá: “Cầu thang thoát hiểm thì có mấy khi dùng đâu, cứ để cho tư nhân họ thuê, dùng có phải có ích hơn không”.

 

Cấn Cường - Phương Thảo