1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Chương trình dạy bơi trong trường học vẫn “treo”… vô hạn

(Dân trí) - Tổng kết những kết quả giải quyết các kiến nghị của UB Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội sau các giám sát chuyên đề về trẻ em năm 2008, 2010, Chủ nhiệm UB này đã có báo cáo đánh giá gửi kỳ họp thứ 6.

Đánh giá chung, Chủ nhiệm Đào Trọng Thi khái quát, thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan hữu quan đã cố gắng rà soát, ban hành văn bản, chính sách về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, góp phần tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc thực hiện quyền của trẻ. Công tác phối hợp giữa các cơ quan trong việc triển khai thực hiện những chương trình, kế hoạch cụ thể đã đem lại một số kết quả bước đầu.

Tuy nhiên, về tổng thể, nhiều hạn chế, bất cập trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em đến nay vẫn chưa được khắc phục. Nhiều kiến nghị của UB Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng sau các cuộc giám sát chuyên đề về trẻ em các năm 2008, 2010 vẫn chưa được các bộ, ngành hữu quan quan tâm giải quyết.
Chương trình dạy bơi trong trường học vẫn “treo”… vô hạn
Chủ nhiệm Đào Trọng Thi: Nhiều bất cập trong chăm sóc, giáo dục trẻ em vẫn chưa được giải quyết (Ảnh: Việt Hưng)

Về lĩnh vực ban hành chính sách, Chủ nhiệm Đào Trọng Thi cho biết, chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012-2020 là chiến lược quan trọng về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nhưng đến quý 4/2012 mới được ban hành. Một số văn bản được ban hành nhưng thiếu tính khả thi, chưa đủ điều kiện đề thực hiện. Ông Thi lấy ví dụ, Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015 không có lộ trình thực hiện cụ thể cho từng năm, nên trong 3 năm đầu mới chỉ bố trí được 15% tổng kinh phí cho 5 năm thực hiện chương trình.

Một số chính sách quan trọng khác đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đến nay cũng chưa được ban hành như Chương trình quốc gia phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em giai đoạn 2012- 2015; Kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS giai đoạn 2012-2020; Chính sách hỗ trợ phẫu thuật tim cho trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh…

Về công tác thực hiện các chính sách, chủ trương trong thực tế, một nội dung quan trọng cơ quan giám sát đã nhắc nhở trước đó là việc xây dựng được hệ thống giám sát, theo dõi, đánh giá thực trạng tình hình trẻ em nói chung và tình hình trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị tai nạn thương tích nói riêng. Cụ thể, các cơ quan bộ ngành liên quan vẫn chưa xây dựng được hệ thống giám sát này.

Hiện Bộ LĐ-TB&XH đang tham mưu với Chính phủ xây dựng Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em 2011-2015 và Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012-2020 .

Ngoài ra, Bộ này cũng đang áp dụng hệ thống biểu mẫu báo cáo hàng năm cho các Sở LĐ-TB&XH cả nước. Biểu mẫu này có 25 chỉ tiêu về bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Năm 2012, Bộ đã chỉ đạo thử nghiệm tại 7 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương việc lập sổ cái theo dõi tình hình trẻ em ở cấp xã và dự định sẽ nhân rộng mô hình này cho 63 tỉnh thành.

Hoạt động thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở các cấp từ TƯ đến địa phương mới chỉ được lồng ghép trong nhiệm vụ chung của thanh tra LĐ-TB&XH. Ông Thi chỉ rõ, hiện bộ máy hành chính nhà nước vẫn chưa có thanh tra chuyên trách về bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Các tiêu chí đánh giá tình hình trẻ em chưa đầy đủ, còn thiếu những tiêu chí mang tính định lượng.

Một nội dung khác gây chú ý trong báo cáo của UB Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nghi đồng là về kiến nghị xây dựng Đề án thí điểm dạy bơi cho trẻ em mà cơ quan này kiến nghị trong báo cáo kết quả cuộc giám sát trước đó. Mục tiêu UB đề ra là tiến tới đưa môn bơi vào chương trình giảng dạy trong các trường phổ thông, nhằm không những tăng cơ sở vui chơi giải trí, phát triển thể lực cho trẻ em mà còn giúp phòng chống đuối nước cho trẻ em.

Chủ nhiệm Đào Trọng Thi ghi nhận, hiện nay, công tác phòng chống đuối nước cho trẻ em bắt đầu được các ngành, các cấp quan tâm. Dạy bơi cho trẻ em được coi là môn học tự chọn trong hệ thống trường phổ thông.

Từ năm 2009, Bộ LĐ-TB&XH cùng các bộ, ngành, tổ chức hữu quan đã ký kế hoạch liên ngành về phòng chống đuối nước cho trẻ em (giai đoạn 2009-2010 và giai đoạn 2012-2015). Bộ GD-ĐT chỉ đạo ngành giáo dục triển khai công tác phòng chống đuối nước và thí điểm dạy bơi trong trường tiểu học giai đoạn 2011-2015. Chủ trương đề ra là đưa môn bơi là môn học tự chọn theo chương trình giáo dục thể chất trong nhà trường; thực hiện đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy bơi; phối hợp với các tổ chức trong nước, quốc tế và các cơ quan liên quan triển khai Chương trình dạy bơi an toàn ở một số địa phương. Một số tỉnh thành cũng đang xây dựng đề án, chương trình, kế hoạch về dạy bơi cho trẻ em .

Tuy nhiên, ông Thi khái quát, đến nay môn bơi chỉ được coi là môn học tự chọn trong trường phổ thông. Cơ sở vật chất trong hầu hết các trường chưa đáp ứng được việc dạy bơi cho trẻ em. Trong các tiêu chí về trường chuẩn quốc gia, về trường học an toàn, về xã, phường phù hợp với trẻ em đều không quy định phải có bể bơi. Ngành giáo dục ở địa phương các cấp chưa tích cực tham mưu, đề xuất giải pháp khai thác, sử dụng các bể bơi hiện có trên địa bàn để phục vụ giảng dạy môn bơi.

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm