Chống lợi dụng, lợi ích nhóm khi thu hồi đất cho dự án
(Dân trí) - Cần quy định thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhưng phải làm rõ tính chất xã hội của dự án, loại trừ dự án đơn thuần vì lợi ích của doanh nghiệp để tránh lợi ích nhóm, trục lợi… Chiều 22/11, QH thảo luận về sửa luật Đất đai.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng, việc quy định thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế-xã hội là đúng đắn nhưng cần quy định rõ các trường hợp để tránh lợi ích nhóm, tránh việc lợi dụng thu hồi đất để hưởng lợi.
Đại biểu Lê Trọng Sang (TPHCM) nêu quan điểm, các quy định tại hai điểm mấu chốt trong thu hồi đất này cần thu hẹp.
Đại biểu Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) góp ý, quy định các trường hợp thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế-xã hội là quá rộng, chỉ nên thu hồi trong trường hợp thật cần thiết.
Đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) đề nghị nghiên cứu, thay đổi cụm từ “thu hồi đất” đang sử dụng trong dự thảo luật bằng cụm từ “thay đổi quyền sử dụng đất”. Ông Việt lập luận, quá trình cách mạng giải phóng dân tộc giành lại chủ quyền nêu khẩu hiệu “người cày có ruộng”. Theo đó, khái niệm “thu hồi đất” chỉ phù hợp với các trường hợp vi phạm pháp luật khi sử dụng đất nên mới bị thu hồi. Còn các trường hợp khác, bản chất là nhà nước nhận đất của người giao đất, hiến đất.
“Dự thảo luật nên ghi rõ là Nhà nước thay đổi quyền sử dụng đất của cá nhân, tổ chức trong trường hợp cần thiết vì lợi ích quốc gia và lợi ích của nhân dân. Khi tiến hành thu hồi đất cần bổ sung quy định MTTQ các cấp và các tổ chức đoàn thể tham gia giám sát để tạo sự đồng thuận cao” – ông Việt nói.
Về nguyên tắc bồi thường, ông Việt đề nghị trong luật quy định áp dụng phương án có lợi nhất cho người dân bị thu hồi đất theo tư tưởng “việc gì có lợi cho dân thì làm”. Thay đổi theo hướng này, ông Việt cho là sẽ hợp lòng dân hơn.
Đề cập đến vấn đề cưỡng chế thu hồi đất, Đại biểu Phạm Trường Dân - Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam đề nghị nghiên cứu bổ sung nguyên tắc cũng như thủ tục cưỡng chế thật chặt chẽ. Theo đó, ông Dân kiến nghị tuân thủ nguyên tắc, việc cưỡng chế không tổ chức vào các thời điểm nhạy cảm, dễ ảnh hưởng xấu tới an ninh chính trị như dịp lễ tết; gia đình người bị cưỡng chế có tang ma, giỗ chạp, cưới xin, tai nạn, rủi ro...
Bên cạnh đó, với trường hợp đông người cùng bị cưỡng chế, có thể xảy ra tình huống phức tạp thì phải giao Chủ tịch UBND huyện làm trưởng ban cưỡng chế, giải phóng mặt bằng. Phương án cưỡng chế phải do UDND tỉnh phê duyệt, trưởng công an huyện xây dựng phương án bảo đảm an ninh trật tự và được giám đốc công an tỉnh phê duyệt. Trong quá trình cưỡng chế, VKSND có quyền kiểm sát, theo dõi.
“Trách nhiệm của người phê duyệt kế hoạch cưỡng chế, nếu vi phạm luật hoặc trong quá trình cưỡng chế để xảy ra phức tạp dẫn đến nhiều người khiếu kiện thì xử lý thế nào? Luật cũng phải quy định cụ thể” - ông Dân băn khoăn.
Về vấn đề định giá đất, các đại biểu tiếp tục đề nghị làm rõ các khái niệm “giá đất phải theo mục đích sử dụng đất hợp pháp tại thời điểm định giá”, “phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường”.
Ông Huỳnh Nghĩa nhận định, giá đất, tổ chức tư vấn giá đất, là vấn đề nhạy cảm, là nguyên nhân cơ bản phát sinh khiếu kiện. Đại biểu đề nghị cần làm rõ khái niệm “giá đất phổ biến trên thị trường” và cần quy định cụ thể về tổ chức tư vấn giá đất, làm rõ khái niệm “giá đất thị trường có biến động lớn” là bao nhiêu phần trăm.
Nhiều ý kiến cũng đề nghị bổ sung trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu chính quyền địa phương trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để phòng, tránh các tiêu cực trong quản lý Nhà nước về đất đai.
Theo kế hoạch, Quốc hội sẽ bấm nút quyết định các nội dung này vào ngày 29/11 tới.
P.Thảo