Thủ tướng: Kiên quyết loại khỏi ngành y cán bộ không xứng đáng
(Dân trí) - “Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo tăng cường thanh kiểm tra để ngăn chặn vi phạm, đẩy mạnh giáo dục y đức và kiên quyết đưa ra khỏi ngành cán bộ không còn xứng đáng đứng trong hàng ngũ thầy thuốc” -Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày.
Trước hết, về vấn đề giảm nghèo đồng bào dân tộc thiểu số, Thủ tướng khẳng định, đây là chủ trương lớn, là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu tiên, ngân sách bố trí cho hoạt động này từ 2011 – 2013 bình quân khoảng 120.00 tỷ đồng/năm.
Kết quả mang lại, mỗi năm số hộ nghèo giảm trên 2%, ở các huyện nghèo tỷ lệ này đạt 4%. Đời sống của người dân nghèo từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo vẫn chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo cao.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu trước phiên chất vấn
Về giảm quá tải bệnh viện và nâng cao y đức, Thủ tướng thừa nhận tình trạng quá tải chủ yếu ở các bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến cuối, nhất là các bệnh viện chuyên khoa ung bướu, tim mạch, chấn thương chỉnh hình, sản, nhi.
Thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm quá tải bệnh viện theo Đề án đã được Thủ tướng phê duyệt. Khẩn trương chuẩn bị để sớm khởi công trong năm 2014 xây dựng mới 5 bệnh viện trung ương và tuyến cuối hiện đại với quy mô 4.500 giường bệnh.
Thủ tướng cũng nhận định, hiện nay ngành y tế có hơn 500 nghìn cán bộ nhân viên, trong đó có trên 60 nghìn bác sỹ. Hầu hết cán bộ y tế có tâm huyết với nghề, có trách nhiệm với người bệnh và đã đóng góp to lớn vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nhiều giáo sư, bác sỹ, thầy thuốc giỏi, có uy tín, được nhân dân và quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
“Tuy nhiên, vẫn còn cán bộ y tế suy thoái về đạo đức, vi phạm pháp luật, gây bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng đến hình ảnh của người thầy thuốc và uy tín của ngành y tế” - Thủ tướng xác nhận và cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo Bộ Y tế, các bộ ngành liên quan và chính quyền địa phương nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước, rà soát hoàn thiện các thể chế, cơ chế chính sách và tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Ngành Y tế cũng đã được chỉ đạo đẩy mạnh công tác giáo dục, nâng cao đạo đức phẩm chất, y đức của đội ngũ cán bộ y tế, kiên quyết đưa ra khỏi ngành những cá nhân không còn xứng đáng đứng trong đội ngũ thầy thuốc.
Về kết quả điều hành kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu nhiều thành công nổi bật về kiềm chế lạm phát, tăng trưởng kinh tế, khôi phục sản xuất…
Về việc tăng mức bội chi lên 5,3% và phát hành thêm 170.000 tỷ đồng trái phiếu bổ sung như Quốc hội đã thông qua, Thủ tướng tính toán, trong các năm 2014, 2015 và 2016 vẫn trong giới hạn an toàn (không quá 65% GDP). Tuy nhiên, áp lực trả nợ rất lớn.
Theo người đứng đầu Chính phủ, cùng với việc bố trí nguồn từ ngân sách nhà nước để trả nợ, cần phát hành mới để đảo nợ đối với một phần nợ gốc trái phiếu Chính phủ đến hạn, bảo đảm duy trì thanh khoản, giảm thiểu rủi ro tái cấp vốn và không làm tăng dư nợ gốc trái phiếu Chính phủ. Qua đó sẽ bảo đảm duy trì các chỉ tiêu trả nợ trực tiếp của Chính phủ năm 2014 ở mức 15,2%, năm 2015 khoảng 20,4% và năm 2016 khoảng 22,9% tổng thu ngân sách, nằm trong giới hạn cho phép là không quá 25% tổng thu ngân sách nhà nước theo Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia đã được phê duyệt.
Khẳng định nợ công của Việt Nam vẫn được đánh giá là an toàn nhưng Thủ tướng cũng lưu ý, đây là vấn đề hệ trọng, ảnh hưởng đến sự an toàn của nền tài chính quốc gia. Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhất là quản lý sử dụng có hiệu quả vốn vay, quản lý tốt nợ trung hạn và quỹ tích lũy trả nợ, quản lý và xử lý kịp thời rủi ro... bảo đảm thực hiện đúng Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia.
Về vấn đề đảm bảo an toàn hồ đập thủy lợi, thủy điện, Thủ tướng nêu rõ, thời gian qua, nhiều cơn bão lớn đổ bộ vào Việt Nam (bình quân 50 năm qua mỗi năm có 7,5 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong năm nay đến tháng 11, đã có 19 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động ở biển Đông, trong đó 12 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta). Cơ quan chức năng đã chỉ đạo làm tốt công tác dự báo và đã chủ động kịp thời huy động các lực lượng với các giải pháp phù hợp để giảm thấp nhất thiệt hại; khẩn trương khắc phục hậu quả của bão lũ, hỗ trợ gia đình người bị nạn, hỗ trợ lương thực, nhà ở, khôi phục sản xuất, hạ tầng kinh tế - xã hội và sớm ổn định đời sống của nhân dân. Đồng thời đã chỉ đạo rà soát bổ sung chiến lược, kế hoạch phòng chống và giảm nhẹ thiên tai.
Với gần 7.000 hồ chứa đang hoạt động, Thủ tướng đã phê duyệt đầu tư sửa chữa nâng cấp gần 500 hồ chứa thủy lợi, hiện còn 317 hồ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ. Năm 2013, nhà nước đã bố trí kinh phí sửa chữa, nâng cấp 91 hồ. Năm 2014 – 2015, Thủ tướng cho biết, sẽ rà soát lại và bố trí vốn để nâng cấp, sửa chữa số hồ có nguy cơ mất an toàn.
Với các hồ chứa thủy điện, đến nay, 20 hồ thuộc 5 lưu vực sông đã được phê duyệt quy trình vận hành liên hồ chứa. Phấn đấu đến cuối năm 2014 hoàn thành việc phê duyệt quy trình vận hành liên hồ chứa đối với 41 hồ thuộc 6 lưu vực sông còn lại. Đồng thời, Thủ tướng đã có Chỉ thị yêu cầu các bộ ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tăng cường công tác quản lý, bảo đảm an toàn hồ chứa.
P.Thảo