Chủ tịch TPHCM: Quy hoạch chức năng từng vỉa hè để chấn chỉnh "bát nháo"

Q.Huy Phương Nhi

(Dân trí) - Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, công tác quy hoạch sẽ xác định chức năng từng tuyến, từng khu vực vỉa hè và đưa ra hướng quản lý. Có tuyến chỉ làm chỗ đi bộ, có tuyến có thể kết hợp nhiều chức năng.

Các hộ kinh doanh, người bán hàng rong lấn chiếm vỉa hè tại TPHCM đã được nhiều cơ quan báo chí phản ánh suốt thời gian qua. Tuy nhiên, sau các chiến dịch "dọn dẹp vỉa hè" quyết liệt của cơ quan chức năng trên địa bàn, thực trạng này chỉ giảm đi phần nào, sau đó tiếp tục tái diễn.

Trong các cuộc họp giữa UBND thành phố cùng các địa phương, sở ngành về nội dung chấn chỉnh lại trật tự và mỹ quan đô thị, chính quyền thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp cứng rắn và mang tính quyết liệt. Trong đó, TPHCM cũng tính đến phương án xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương nếu tình trạng lấn chiếm vẫn diễn ra.

Chủ tịch TPHCM: Quy hoạch chức năng từng vỉa hè để chấn chỉnh bát nháo - 1

Nhiều khu vực vỉa hè tại TPHCM bị lấn chiếm, không còn chỗ cho người đi bộ (Ảnh: Hải Long).

Trao đổi với phóng viên Dân trí về vấn đề này, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, thống nhất quan điểm cần chấn chỉnh lại các hoạt động sử dụng vỉa hè tại địa phương. 

Đồng bộ giữa giải pháp quy hoạch và xử lý trách nhiệm

Người đứng đầu chính quyền thành phố phân tích, trong số các hoạt động chấn chỉnh lại việc sử dụng vỉa hè trên địa bàn, địa phương cần các giải pháp để sắp xếp lại. Đề án mới về quản lý vỉa hè mà TPHCM đang xây dựng được kỳ vọng sẽ khắc phục những bất cập hiện hữu trong lĩnh vực đô thị.

"Xử lý trách nhiệm cũng là một giải pháp. Tuy nhiên, nếu chỉ xử lý trách nhiệm thôi thì chưa đủ", ông Mãi chia sẻ.

Chủ tịch TPHCM: Quy hoạch chức năng từng vỉa hè để chấn chỉnh bát nháo - 2

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM (Ảnh: Q.Huy).

Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh, vấn đề căn cơ nhất trong quản lý và sử dụng vỉa hè phải là công tác quy hoạch. Từ quy hoạch, thành phố sẽ chỉ rõ và xác định khu vực vỉa hè nào được khai thác, được thực hiện các loại hình nào và cơ chế, quy chế quản lý ra sao.

"Công tác quy hoạch sẽ xác định vỉa hè từng tuyến đường, khu vực có thể sử dụng cho chức năng gì. Sẽ có những nơi vỉa hè chỉ được sử dụng cho chức năng đi bộ, không gian công cộng. Những nơi vỉa hè đủ điều kiện sẽ kết hợp nhiều chức năng khác", Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh.

Đồng thời, cũng từ quy hoạch, thành phố sẽ có cơ sở để tính đến chuyện xử lý trách nhiệm người đứng đầu ra sao nếu để bất cập xảy ra. Cụ thể, thành phố dựa trên các quy chuẩn, quy định về quản lý vỉa hè tại từng nơi, nếu cơ quan quản lý không làm theo, áp dụng đúng sẽ xử lý.

"TPHCM sẽ làm đồng bộ giữa câu chuyện sắp xếp lại, quy hoạch và xem xét xử lý trách nhiệm", ông Mãi nói.

Hàng rong cũng là một bản sắc

Trong cuộc phỏng vấn, phóng viên đề cập tới câu nói "Đừng ai nghĩ trung tâm TPHCM là chỗ của người giàu, người sang trọng" được ông Phan Văn Mãi đưa ra buổi làm việc với UBND quận 1. Câu hỏi được đặt ra là thành phố có tính toán sắp xếp một khu vực cho những người bán hàng rong hay không?

"Tôi nghĩ cần hình thức nào đó cho hoạt động bán hàng rong, còn khu riêng biệt thì tôi không nghĩ vậy. Ví dụ như việc tổ chức không gian, quy định thời gian hoạt động là một hình thức", Chủ tịch UBND TPHCM trả lời.

Chủ tịch TPHCM: Quy hoạch chức năng từng vỉa hè để chấn chỉnh bát nháo - 3

Để chấn chỉnh những bất cập của vỉa hè, TPHCM sẽ thực hiện đồng bộ giữa công tác quy hoạch và xử lý trách nhiệm (Ảnh: Hải Long).

Người đứng đầu chính quyền thành phố chia sẻ thêm, nếu nhìn góc độ nào đó, hoạt động bán hàng rong có thể coi là một bản sắc của TPHCM. Bản sắc đó chỉ hình thành nếu được tổ chức kỹ lưỡng lại.

"Ví dụ như việc những người có tiền, học vấn cũng ngồi cà phê bệt vì sao vậy? Vì đó là điểm đặc biệt, là bản sắc chứ không đơn thuần là chuyện uống cà phê bình thường", Chủ tịch UBND TPHCM dẫn chứng.

Những khó khăn về nguồn lực, nhân sự được các địa phương nêu ra khi quản lý vỉa hè, quản lý người bán hàng rong, Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, các đơn vị cần nghĩ xa hơn và nghĩ đến hình thức quản lý khác. Quan điểm việc "một người đi quản lý một người" cần được loại bỏ.

Vừa qua, Sở Giao thông Vận tải đã rà soát hiện trạng hạ tầng giao thông đường bộ để xây dựng đề án thu phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn TPHCM, dựa trên cơ sở dự thảo thay thế Quyết định số 74 năm 2008 của UBND thành phố. Theo đó, thành phố dự kiến cho sử dụng vỉa hè làm điểm giữ xe, kinh doanh, quảng cáo... có thu phí, sau khi đã chừa đủ tối thiểu 1,5m cho người đi bộ.