Chuyên gia hiến kế để TPHCM mời gọi được nhiều nhân tài
(Dân trí) - Chuyên gia cho rằng, muốn thu hút, giữ chân nhân tài, nhà khoa học, TPHCM cần đơn giản hóa, không nặng nề về thủ tục hành chính. Ngoài ra, điều kiện sống, môi trường làm việc cần cải thiện.
Sáng 16/2, Thành ủy TPHCM tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học, công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Thông qua hội nghị, TPHCM nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu và cơ quan, tổ chức trong việc thu hút, tuyển dụng và đào tạo nhân tài. Trong nhiều năm qua, lực lượng cán bộ khoa học công nghệ của TPHCM ngày càng phát triển, nhưng còn thiếu chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực trọng điểm.
PGS.TS Dương Hoa Xô, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật TPHCM, nhìn nhận, kết quả của các chính sách thu hút nhân tài trên địa bàn thời gian qua còn kém hiệu quả. Một trong những nguyên nhân chính là vấn đề thủ tục, cơ chế, môi trường làm việc.
"TPHCM cần mạnh dạn thay đổi về thủ tục mời gọi chuyên gia, nhà khoa học theo hướng mở hơn, đơn giản hơn, không nặng nề về thủ tục hành chính. Các đơn vị cần được chủ động đề xuất nhu cầu, tự quyết định và chịu trách nhiệm về hiệu quả trong việc mời gọi chuyên gia", ông Dương Hoa Xô bày tỏ.
Trong các chính sách về thu hút, giữ chân nhân tài về TPHCM, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật thành phố cho rằng, đội ngũ trí thức khoa học công nghệ đông đảo hiện hữu tại các đơn vị mới cần được chú trọng hơn. Do đó, thành phố cần tạo điều kiện về môi trường làm việc, điều kiện sống cho họ.
Ngoài ra, việc thu hút nhân tài cần làm theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, tức là lựa chọn ngành nghề mà địa phương đang cần. Điều này nhằm tránh lãng phí ngân sách trong bối cảnh nguồn lực của TPHCM còn có hạn.
Ông Lê Xuân Định, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nêu quan điểm, TPHCM muốn thu hút, giữ chân nhân tài thì cần có chính sách đặc thù. Bởi, nếu lương không đủ sống, thì nhân tài cũng sẽ khó tập trung làm.
Ngoài ra, để tăng tỷ trọng đầu tư cho phát triển khoa học đổi mới sáng tạo, nâng tầm ngang với khu vực và quốc tế, TPHCM phải chi ở mức 2% GDP cho hoạt động này. Tuy nhiên, ngân sách thành phố khó có thể đáp ứng con số này, và cần thúc đẩy các giải pháp xã hội hóa, tận dụng nguồn lực xã hội.