1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

TPHCM dự kiến tính phí sử dụng vỉa hè, lòng đường

Tâm Linh

(Dân trí) - TPHCM dự kiến cho người dân sử dụng hè phố có thu phí đối với các điểm giữ xe, kinh doanh, quảng cáo... nếu không gian vỉa hè đáp ứng đủ tối thiểu 1,5m cho người đi bộ.

Sở Giao thông Vận tải TPHCM đang rà soát hiện trạng hạ tầng giao thông đường bộ để xây dựng đề án thu phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn TPHCM, dựa trên cơ sở dự thảo thay thế Quyết định số 74 năm 2008 của UBND TPHCM.

Theo đó, Sở yêu cầu các địa phương, đơn vị chức năng cung cấp danh mục các tuyến đường có lòng đường, vỉa hè đủ điều kiện tổ chức các hoạt động ngoài mục đích giao thông. 

TPHCM dự kiến tính phí sử dụng vỉa hè, lòng đường - 1

Vỉa hè đường Võ Văn Tần phân làn dành cho điểm đậu xe hai bánh, dành tối thiểu 1,5m chiều rộng dành cho người đi bộ theo quy định của Sở GTVT (Ảnh: Tâm Linh).

Trong dự thảo sửa đổi, Sở GTVT liệt các hoạt động được xem xét sử dụng tạm thời một phần hè phố gồm 10 trường hợp.

Nhóm được tạm dùng vỉa hè và đóng phí gồm 7 trường hợp: Điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa; vị trí các công trình, tiện ích phục vụ giao thông công cộng có thu phí; vị trí lắp các công trình tạm, trụ quảng cáo tạm; nơi tổ chức hoạt động văn hóa (thể thao, diễu hành, lễ hội); điểm trông giữ xe phục vụ các hoạt động văn hóa; nơi trung chuyển vật liệu, phế thải phục vụ thi công của hộ gia đình; điểm trông giữ xe có thu phí.

3 trường hợp được sử dụng tạm một phần lòng đường và đóng phí: Nơi tổ chức sự kiện văn hóa kèm trông giữ ô tô phục vụ sự kiện (có thu tiền sử dụng); điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị; điểm trông, giữ xe có thu phí.

Ngoài ra, một số hoạt động khác được tổ chức trên vỉa hè, lòng đường miễn cấp phép, không thu phí khác là: Tổ chức đám cưới, đám tang kèm trông giữ xe phục vụ đám; điểm trông giữ xe hai bánh không thu phí; làn đường dành cho xe đạp...

Mức phí cụ thể với các trường hợp trên hiện chưa được nêu trong dự thảo. Cơ quan chức năng các quận, huyện, TP Thủ Đức và đơn vị liên quan sẽ phối hợp hoàn thiện đề án để báo cáo UBND TPHCM.

Sở Giao thông Vận tải TPHCM đánh giá sau 15 năm thực hiện Quyết định 74 (2008) đã giúp cơ quan chức năng quản lý lòng đường, hè phố tốt hơn. Tuy nhiên, những quy định trong đó một số hạn chế khiến hiệu quả quản lý, sử dụng hè phố chưa cao.

Nội dung dự thảo thay thế sau nhiều lần chỉnh sửa vẫn giữ nguyên quy định sử dụng tạm thời một phần hè phố: Mọi hoạt động phải đảm bảo chiều rộng vỉa hè tối thiểu 1,5m phục vụ cho người đi bộ. Nếu hè phố hiện hữu không đủ chiều rộng thì đơn vị quản lý phải có lộ trình thay thế để ưu tiên người đi bộ, trước khi tổ chức các hoạt động khác ngoài mục đích giao thông.

Ngoài ra, việc sử dụng tạm lòng đường ngoài mục đích giao thông phải bảo đảm bảo lòng đường còn lại đủ bố trí 2 làn ô tô cho một chiều lưu thông, đảm bảo kết cấu mặt đường và an toàn cho người đi bộ.

TPHCM dự kiến tính phí sử dụng vỉa hè, lòng đường - 2

Hiện TPHCM tổ chức thu phí đậu ô tô trên 20 tuyến đường thu phí với 822 vị trí đậu xe tại các quận 1, 5, 10 (Ảnh: Tâm Linh).

Về biện pháp để tăng cường bảo đảm an toàn cho người đi bộ trên hè phố, Sở GTVT đưa ra một số yêu cầu. 

Tổ chức, cá nhân khi xây dựng công trình (dân dụng, công nghiệp, nhà ở, hạ tầng kỹ thuật) tiếp giáp lòng đường, vỉa hè thì phải có giải pháp bảo vệ an toàn cho người lưu thông qua khu vực thi công, ví dụ như lắp đặt kết cấu che chắn bên trên công trình, hàng rào, đèn chiếu sáng gây chú ý, biển cảnh báo...

Còn cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cần xem xét quyết định lắp đặt kết cấu công trình phù hợp như trụ, hàng rào có chức năng ngăn phương tiện giao thông đi lên vỉa hè, đặc biệt tại khu vực tập trung đông người đi bộ, như trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại, siêu thị, công viên, giao lộ tập trung đông người...