Chủ tịch Quốc hội: Không làm gì cũng chẳng sao thì mất động lực phát triển
(Dân trí) - Nhấn mạnh cần xác định trách nhiệm khi thực hiện giám sát, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng vẫn còn tình trạng nể nang, xuống tận nơi phát biểu rất hùng hồn nhưng về nhà "đi đâu hết".
Quan điểm này được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh khi phát biểu kết luận tại Hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, sáng 17/11.
Theo Chủ tịch Quốc hội, ngay đầu nhiệm kỳ, công tác giám sát được xác định là nội dung trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu quả hoạt động Quốc hội.
Nếu như trước đây, hoạt động giám sát chuyên đề chủ yếu theo kiểu "hậu kiểm", thì những năm qua, Chủ tịch Quốc hội cho biết ngay cả những vấn đề đang thực hiện cũng được lựa chọn để giám sát, ví dụ công tác quy hoạch hay việc triển khai ba chương trình mục tiêu quốc gia.
"Ban đầu có ý kiến cho rằng mới làm vài năm, giám sát làm gì. Nhưng với quy hoạch, nhờ giám sát mà Quốc hội ban hành được Nghị quyết 61 để tháo gỡ các vướng mắc, tồn đọng, xử lý khoảng trống pháp lý. Không có giám sát, không biết giờ công tác quy hoạch thế nào và đến đâu", ông Huệ nói.
Hay như với ba chương trình mục tiêu quốc gia, ông Huệ ghi nhận có sự chuyển biến lớn sau khi giám sát vì nhiều vướng mắc được Quốc hội và Chính phủ cùng tháo gỡ.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận công tác giám sát sau giám sát được quan tâm hơn, đi đến cùng vấn đề, bên cạnh yêu cầu thực hiện nghiêm các nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn gửi báo cáo kết quả giám sát đến cơ quan chức năng của Trung ương để xem xét, kiến nghị.
"Không phải ban hành nghị quyết là xong. Giám sát phải có hiệu lực. Tốt phải được biểu dương, sai phạm phải xem xét xử lý; có khuyết điểm phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm chứ không thể nói chung chung", theo lời ông Huệ.
Ngoài ra, việc thẩm tra các báo cáo giám sát, theo Chủ tịch Quốc hội,
Việc xây dựng các báo cáo thẩm tra của HĐDT và các ủy ban của Quốc hội, ngày càng ngắn gọn, súc tích, mang tính khoa học và phản biện cao hơn. "Việc này đã khắc phục tình trạng "3 sôi 2 lạnh", khen một tí và chê một tí, chẳng đâu vào đâu", theo lời ông Huệ.
Góp ý thêm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng cần nghiên cứu giải quyết mối quan hệ giữa "diện" và "điểm", tức là giám sát toàn diện và có trọng tâm, trọng điểm.
Lưu ý vấn đề xác định trách nhiệm trong giám sát, Chủ tịch Quốc hội thẳng thắn thừa nhận vẫn còn tình trạng nể nang, phát hiện nhiều vấn đề nhưng cuối cùng vẫn "hòa cả làng".
"Xuống tận nơi phát biểu rất hùng hồn nhưng về nhà đi đâu hết. Thực chất có kiến nghị gì cũng chỉ để cho tốt hơn, không phải vấn đề nặng nhẹ. Anh làm không ra gì cũng chẳng sao thì mất động lực phát triển", ông Huệ nói.
Về chương trình giám sát năm 2024, Chủ tịch Quốc hội lưu ý năm sau là thời điểm chuẩn bị cho đại hội đảng cấp cơ sở, chuẩn bị sáp nhập huyện, xã, nên hoạt động nghiên cứu khảo sát thực tế phải cân nhắc để vừa đạt mục tiêu giám sát, vừa đỡ phiền địa phương, cơ sở.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh sớm nghiên cứu ban hành nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn hoạt động giải trình của Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội.
"Giám sát và giải trình xong có kết luận không? Nếu giải trình xong tất cả lại về, không có kết luận hay nghị quyết, sẽ không có ích gì", theo ông Huệ.
Năm 2024, Quốc hội tiến hành giám sát tối cao 2 chuyên đề.
Một là chuyên đề "Việc thực hiện nghị quyết 43/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023" (báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 7).
Hai là chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023 (báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8).
Cùng với giám sát tối cao của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát 2 chuyên đề về: Đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023