1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Cơ quan của Quốc hội giám sát dự án hồ chứa nước lấy hơn 600ha rừng

Thế Kha

(Dân trí) - Tuần tới, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội sẽ cử đoàn công tác vào tỉnh Bình Thuận để tiến hành giám sát Dự án hồ chứa nước Ka Pét đang gây xôn xao dư luận.

Sáng 7/9, trao đổi với phóng viên Dân trí, bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho biết tuần tới cơ quan này sẽ cử đoàn công tác vào tỉnh Bình Thuận để tiến hành giám sát Dự án hồ chứa nước Ka Pét.

"Đây là cuộc giám sát thường niên, thực hiện hàng năm theo nhiệm vụ được giao để phục vụ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm, chứ không phải khi báo chí phản ánh thì chúng tôi mới đi. Năm nào chúng tôi cũng đi kiểm tra, giám sát, bởi đó là nhiệm vụ Quốc hội giao trong nghị quyết, khi phê duyệt chủ trương đầu tư", bà Thủy thông tin.

Cơ quan của Quốc hội giám sát dự án hồ chứa nước lấy hơn 600ha rừng - 1

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận vào rừng xác minh vị trí cây lim, căm xe cổ thụ được lan truyền trên mạng và khẳng định đều nằm ngoài diện tích dự án, không khai thác (Ảnh: Phước Tuần).

Bà Thủy cho biết đã trả lời nhiều báo về quan điểm xung quanh dự án này. Việc xây dựng hồ chứa nước Ka Pét là rất cần thiết, quan trọng. Ngoài việc giữ được nước cấp cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, còn điều tiết nước, cắt giảm lũ cho hạ du, phục vụ cho sản xuất công nghiệp…

Chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pét đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV vào tháng 5/2019.

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Chính phủ trình tờ trình điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, trong đó diện tích sử dụng đất tăng lên gần 698ha (tăng gần 4,5ha so với phê duyệt ban đầu).

Trả lời báo chí, bà Nguyễn Thị Lệ Thủy khẳng định quy trình thẩm tra dự án được thực hiện rất chặt chẽ, đúng quy định pháp luật. Để trình hồ sơ, Chính phủ đã chuẩn bị rất kỹ càng, trong đó đảm bảo tính chính xác của số liệu, đầy đủ thành phần hồ sơ, các bước thẩm tra.

Từ khi phê duyệt dự án năm 2019 đến thời điểm báo chí phản ánh vừa qua, cơ quan này không nhận được bất cứ ý kiến nào của cử tri hay dư luận liên quan đến diện tích đất rừng của dự án.

Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án được UBND tỉnh Bình Thuận gửi tới Bộ Tài nguyên và Môi trường để tham vấn cộng đồng, cho thấy tổng diện đất cần sử dụng trong quá trình xây dựng công trình hồ chứa nước Ka Pét (bao gồm các công trình đầu mối và hệ thống kênh) là gần 698ha, trong đó diện tích sử dụng đất rừng là gần 680ha (đất có rừng gần 620ha, còn lại là đất rừng nhưng không có rừng), trên 18ha là đất sản xuất nông nghiệp.

Dự kiến tổng mức đầu tư của dự án trên 874 tỷ đồng - so với Nghị Quyết số 93/2019/QH14 đã được Quốc hội phê duyệt, tổng mức đầu tư tăng thêm hơn 288 tỷ đồng. 

Đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa nhận được hồ sơ, báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị phê duyệt ĐTM cho dự án này.

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chánh văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận, cho biết trước những thông tin trái chiều về việc thực hiện xây dựng dự án hồ chứa nước Ka Pét, UBND tỉnh Bình Thuận sẽ tổ chức họp báo vào chiều 7/9. 

Bình Thuận sẽ thông tin đầy đủ dự án hồ chứa nước Ka Pét, ý nghĩa của việc thực hiện dự án và tiến độ thực hiện dự án với đại diện UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm...

Cơ quan của Quốc hội giám sát dự án hồ chứa nước lấy hơn 600ha rừng - 2

Hồ chứa nước Ka Pét có tổng dung tích hơn 51 triệu m3 với tổng mức đầu tư dự án gần 875 tỷ đồng. Hồ sẽ cung cấp nước cho đất sản xuất nông nghiệp, khu công nghiệp và nước sinh hoạt cho 120.000 dân (Đồ họa: Tuấn Huy).