Không giám sát "chay", đề nghị xử nghiêm hành vi cản trở hoạt động giám sát

Hoài Thu

(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội kiến nghị việc giám sát nên kết hợp qua báo cáo và cả trực tiếp thay vì giám sát "chay". Bên cạnh đó, cần xử nghiêm đơn vị, cá nhân cố tình cản trở hoạt động giám sát.

Sáng 17/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Phòng họp Diên Hồng (Nhà Quốc hội) và kết nối trực tuyến với 62 Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND tại các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024 đã được thông qua với 2 chuyên đề được lựa chọn để giám sát tối cao.

Không giám sát chay, đề nghị xử nghiêm hành vi cản trở hoạt động giám sát - 1

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương (Ảnh: Hồng Phong).

Một là chuyên đề "Việc thực hiện nghị quyết 43/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023" (báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 7).

Hai là chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023 (báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8).

Cùng với giám sát tối cao của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát 2 chuyên đề về: Đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết thêm trong năm tới sẽ tiến hành giám sát văn bản quy phạm pháp luật. Báo cáo giám sát này sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 4/2024 và gửi đại biểu tại kỳ họp 7.

Theo ông Cường, nội dung giám sát này cần tập trung vào các văn bản dưới luật liên quan đến tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp; đấu thầu, cung ứng thuốc và trang thiết bị y tế; xử lý các vướng mắc trong các quy định phòng cháy, chữa cháy, đăng kiểm, quy hoạch.

Các văn bản quy định về thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành, điều kiện đầu tư kinh doanh có nội dung bất hợp lý, gây khó khăn, phiền hà đến hoạt động của người dân và doanh nghiệp; các văn bản có nội dung phân cấp, ủy quyền nhưng thiếu rành mạch và không rõ trách nhiệm… cũng là nội dung được tập trung giám sát.

Việc tiếp tục rà soát các văn bản để phát hiện những nội dung còn sơ hở, có thể làm phát sinh tham nhũng, tiêu cực, theo ông Cường, nhằm kịp thời chấn chỉnh, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Không giám sát chay, đề nghị xử nghiêm hành vi cản trở hoạt động giám sát - 2

Hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024 từ đầu cầu Nhà Quốc hội (Ảnh: Hồng Phong).

Từ đầu cầu Quảng Ninh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh quan điểm không "giám sát chay", mà vừa kết hợp giám sát qua báo cáo, vừa giám sát thực tế tại địa phương, cơ sở". Theo nữ đại biểu, việc giám sát trực tiếp giúp phát hiện nhiều vướng mắc bất cập về cơ chế, chính sách, làm rõ nội dung cần giám sát.

Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh đề nghị, xử lý nghiêm cơ quan, đơn vị, cá nhân cố tình cản trở, làm chậm trễ hoặc thiếu nghiêm túc trong cung cấp thông tin phục vụ hoạt động giám sát và trong thực hiện các kết luận giám sát.

Trong khi đó, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang Ma Thị Thúy góp ý cần phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan trong điều hòa, phối hợp trong hoạt động giám sát để tránh chồng chéo, trùng lắp nội dung, địa bàn giám sát.

Ngoài ra, theo bà Thúy, cần tiếp tục chú trọng theo dõi việc thực hiện các kết luận giám sát, tái giám sát, chất vấn, tái chất vấn để nâng cao hiệu lực, hiệu quả sau giám sát.